Giai đoạn 2030 - 2045 sẽ đầu tư làm tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam

12/02/2023 14:52 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, giai đoạn 2023 - 2045 sẽ đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tốc độ khai thác tối đa 180 - 225 km/giờ.

Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư vùng diễn ra vào ngày 12.2, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, giai đoạn 2030 - 2045 Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của vùng.

17 năm rót 137.000 tỉ đồng cho giao thông vùng

Đáng chú ý, trong giai đoạn này, Bộ GTVT sẽ quyết tâm đầu tư hoàn thành các tuyến vành đai vùng (vành đai 4, vành đai 5), cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, Nội Bài - Hạ Long, Cổ Tiết - Chợ Bến, các tuyến liên kết vùng để phát triển các hành lang, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế - đô thị, tạo đột phá phát triển vùng; mở rộng một số đoạn tuyến quốc lộ trong vùng theo quy hoạch và các đoạn tuyến đường bộ ven biển để đáp ứng nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế biển.

Giai đoạn 2030 – 2045 sẽ đầu tư làm tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 1.

Bộ GTVT sẽ đầu tư cho hệ thống giao thông đường sắt trong thời gian tới để tăng sự liên kết vùng cho khu vực Đồng bằng sông Hồng

LÃ NGHĨA HIẾU

Ngoài ra, Bộ GTVT tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp để khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, nâng cao kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế qua cửa khẩu Lào Cai, Đồng Đăng; đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đường sắt Hà Nội – Hải Phòng kết nối đến cảng biển Đình Vũ, Lạch Huyện; đường sắt khu đầu mối Hà Nội; hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị trong khu vực đô thị trung tâm Hà Nội; triển khai các tuyến đường sắt đô thị kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội; nghiên cứu đầu tư các tuyến đường sắt đô thị kết nối Hà Nội với các tỉnh xung quanh: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam...

Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, giai đoạn 2005 - 2020, ngân sách T.Ư (Bộ GTVT quản lý) đã huy động để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia trong vùng đồng bằng sông Hồng lên đến khoảng 137.000 tỉ đồng.

Giai đoạn 2030 – 2045 sẽ đầu tư làm tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 2.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái do tỉnh Quảng Ninh và Sun Group cùng đầu tư

LÃ NGHĨA HIẾU

Nêu bài học và cách làm của tỉnh Quảng Ninh trong việc huy động nguồn lực đầu tư cho giao thông, Bộ trưởng Thắng cho rằng, không trông chờ ỷ lại vào nguồn vốn của T.Ư mà kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư có hiệu quả nhiều công trình giao thông như đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; Cảng tàu du lịch quốc tế Hạ Long...

Cùng với đó cần đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông do T.Ư quản lý trên địa bàn tỉnh, thành phố. Đặc biệt là các công trình đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không để phát huy tính chủ động của các địa phương trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng lưu ý, các địa phương sớm hoàn thành quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng, khai thác có hiệu quả quỹ đất sau khi các dự án kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư; chỉ đạo quyết liệt công tác GPMB và quản lý chặt chẽ hành lang an toàn giao thông...



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.