>> Lam Phong
Những hạt giống chè shan tuyết đầu tiên từ Hà Giang, Lào Cai được đưa lên Huồi Tụ và Mường Lống thuộc Kỳ Sơn nay đã thành cây kinh tế chủ lực của đồng bào miền biên này. Hơn 300 hộ dân ở Huồi Tụ và hơn 100 hộ dân ở Mường Lống chọn cây chè shan tuyết của Tổng đội TNXP 8 lập nghiệp. Những người tiên phong nhận trồng chè như Vừ Vả Chống (bản Mường Lống), Lỳ Bá Cải (bản Trung Tâm), Dềnh Bá Mai (bản Huồi Khả)… sau 15 năm đã thoát nghèo và được mệnh danh là những ông “vua” chè của đất Kỳ Sơn.
Theo tiếng bản địa, “huồi” có nghĩa là “tụ hội”. Các bản làng người H’mông xưa khi thành lập ở Kỳ Sơn từ hơn 300 năm trước dùng chữ “huồi” đặt tên bản để nói lên sự đoàn tụ, nương tựa vào nhau trước vùng hoang vu, lam sơn chướng khí. Sau khi tổng đội TNXP 8 đến Kỳ Sơn vỡ đất trồng chè, những Huồi Khả, Huồi Tụ, Huồi Đun, Huồi Khe, Huồi Mú… giờ đây ngập hình ảnh cây chè trưởng thành, vào vụ thu hái kéo dài từ tháng 3 đến tháng 12 hàng năm.
Là vùng núi, Kỳ Sơn có độ dốc khá hiểm, bình quân từ 39 – 45 độ, thời tiết chênh lệch ngày đêm rất lớn, mùa hè ban ngày từ 28 – 30 độ, nhưng đêm xuống chỉ còn 7 độ, mùa đông chỉ còn 3 – 4 độ, trong khi độ pH trong đất ở mức 4,5 – 5,5, tạo điều kiện lí tưởng cho cây chè shan tuyết phát triển.
Sau 15 năm phát triển chè shan ở Kỳ Sơn, độ thơm của chè khi pha, độ tuyết (lớp lông tơ trắng muốt bảo vệ búp non khỏi sương lạnh, do chè mọc ở độ cao từ 1.200m trở lên) dày đều, không khác biệt với nguyên gốc shan tuyết cổ thụ (mọc tự nhiên) ở Hà Giang, Yên Bái. Thậm chí vào chính vụ ở Kỳ Sơn, các búp chè thu hái nơi đây còn to, mập đầy hơn chè cổ thụ shan tuyết ngoài tự nhiên.
Vùng chè shan ở Kỳ Sơn có được như hôm nay, ngoài công sức của Tổng đội TNXP 8 còn là sự hợp tác thay đổi quan niệm trồng trọt của người H’mông bản địa. Người H’mông khi canh tác có thói quen chọc lỗ gieo hạt, xong phó mặc cho đất trời nuôi dưỡng, cái gì lên được thì thu hoạch, không thì thôi. Thế nên khi áp dụng kỹ thuật gieo trồng, ươm -trồng chè bằng hom, phải tỉa tán, phải phát quang, làm cỏ… để người H’mông nghe theo là cả một quá trình dài vận động, làm mẫu, rồi còn phải chờ đợi vụ thu hoạch. Dân chưa bao giờ trồng chè, nếu trồng chuối, đu đủ, bí, bầu… họ nghe hiểu ngay, vì họ thấy kết quả là cái ăn chỉ sau vài tháng, còn chè nghe rất mơ hồ.
Anh Nguyễn Văn An – Cán bộ Kỹ thuật Tổng đội TNXP 8 kể: “Tụi tôi trồng chè giúp dân, chăm sóc cây chè cho họ, đến khi thấy chè ra búp phải đến tận nhà vận động dân hái, mà phải nói nhẹ nhàng, ngọt ngào, vì chỉ phật ý là họ không thèm hái. Người dân chất phác, nhưng làm việc theo cảm tính, thích thì làm, tin mới làm. Anh em chúng tôi lúc nào cũng mềm mỏng, đến khi kết quả công việc tốt, dân mới tin theo. Bây giờ anh em ở đây nói gì dân nghe nấy, họ coi anh em như người trong gia đình, nhà nào trong bản có đám, sẵn lòng đợi anh em đến đông đủ, thắp nhang tổ tiên rồi mới khai tiệc”.
Ở nhà lá, đi bộ, hai vợ chồng cùng bốn “tàu há mồm” nheo nhóc khiến cơm bữa đói bữa no, đấy là gia cảnh của Vừ Vả Chống 15 năm trước (năm 2003) khi chưa biết chè là cây gì.
Ngồi sau lưng anh Chống trên con xe máy mới tậu dưới chợ huyện để lên nương chè, anh vui vẻ kể lại chuyện dám “liều” khi đồng ý cho TNXP trồng chè: “Nhà mình trước nghèo lắm, làm nương rẫy không đủ ăn. Mấy anh Tổng đội đến vận động dành đất nhà trồng chè, mình chỉ có 2 ha thôi, cũng chẳng có cây gì đáng giá. Các anh bảo giống cây chè được nhà nước hỗ trợ, việc trồng cây giống các anh làm, rồi hướng dẫn kỹ thuật cho mình chăm sóc. Mình đồng ý nhưng khi thấy cây chè còn nhỏ, phải đi làm cỏ cho nó, gần hai năm chẳng có lợi gì cả, cũng nản lắm đấy”.
Anh Chống là những hộ người H’mông đầu tiên ở Kỳ Sơn nghe theo anh em TNXP, bỏ hết quan niệm canh tác truyền đời để theo cây chè. Với người miền xuôi, đây là chuyện rất đơn giản, nhưng với người miền núi Kỳ Sơn, đưa ra quyết định như anh Chống là điều chưa từng có tiền lệ.
Sau hơn hai năm, lứa chè vụ đầu tiên bắt đầu được thu hoạch, đích thân TNXP đến tận nương chè, hái từng búp chè, cân ký, rồi trả lại tiền, Vừ Vả Chống cùng vợ là Lỳ Y Xi khi ấy mới thở phào nhẹ nhõm. Từ đó cả hai tích cực tham gia các lớp huấn luyện kĩ thuật, học cách hái, chăm sóc cây chè, cắt cành tạo tán, nghe theo mô hình mà TNXP hướng dẫn, chỉ dạy.
Đứng trước đồi chè đẹp miên man bên sườn núi, anh Chống vui vẻ khoe: “Từ sau 2005, khi chè vào vụ, trừ 3 – 4 ngày nghỉ trong tháng, còn lại ngày nào mình cũng có tiền bán chè. Ban đầu hái chè khó, hái rất chậm vì không đúng và chưa quen. Nhưng vợ chồng vui lắm vì hái nhiều hay ít, đem bán lại cho Tổng đội là họ thu mua hết. Ngày ít cả hai vợ chồng hái được 30kg, ngày nhiều 80 – 100kg, cả nhà bây giờ chỉ sống vào nương chè, không phải lo lắng nữa”. Theo Vừ Vả Chống lên nương chè buổi sương sớm, cả hai vợ chồng đeo gùi, tay thoăn thoắt bẻ búp chè tươi, căng mọng, nghe đọt chè gãy giòn tanh tách thật vui tai, đó cũng là âm thanh chứng tỏ cây chè phát triển tốt, búp khỏe.
Đồi chè của Vừ Vả Chống không chỉ riêng cây chè, trên tầng cao là những tán pơ mu, sa mu che bóng mát, cạnh đồi chè là chuồng gà chân đen của người H’mông hơn trăm con được thả rông. Hình thức chăn nuôi, trồng gỗ pơ mu, sa mu kết hợp trên nương chè mang lại kết quả ngắn hạn, trung hạn, dài hạn cho dân bản. Mô hình này được Tổng đội TNXP đúc kết, và chuyển giao cho dân thực hiện. Nhờ những ví dụ cụ thể, thiết thực dân bản nhìn vào đó thấy rõ cái lợi lâu dài, và nay 100% hộ dân Huồi Tụ đều trồng chè theo mô hình như nương chè của Vừ Vả Chống.
Đến Kỳ Sơn mùa chè, không khí thu hái thật rộn ràng, tấp nập, từ nương chè đến tận xưởng chế biến của Tổng đội 8. Dù chỉ mới dừng lại ở sản phẩm nguyên liệu, nhưng những bước phát triển cây chè shan tuyết Kỳ Sơn, đang là một hướng đi vững chắc, góp cho ngành chè Việt có thêm một vùng nguyên liệu giá trị, đưa Nghệ An dần trở thành một xứ chè danh tiếng không chỉ riêng khu vực miền trung mà cả VN.
Đồ họa: Lâm Nhựt