Giải mã chữ Hán trên di sản Huế - Kỳ 1: Tuyên ngôn độc lập của vương triều Nguyễn

22/07/2015 05:39 GMT+7

Trên các đền đài, lăng tẩm, cung điện triều Nguyễn tại cố đô Huế xuất hiện hàng ngàn bài thơ, văn, câu đối bằng chữ Hán. Hệ thống di sản tư liệu độc đáo này vừa được giải mã để đề nghị UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới.

Trên các đền đài, lăng tẩm, cung điện triều Nguyễn tại cố đô Huế xuất hiện hàng ngàn bài thơ, văn, câu đối bằng chữ Hán. Hệ thống di sản tư liệu độc đáo này vừa được giải mã để đề nghị UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới.

Bài thơ mang ý nghĩa là bản tuyên ngôn độc lập của vương triều nhà Nguyễn tại điện Thái Hòa -  Ảnh: Lê Công Doanh
Bài thơ mang ý nghĩa là bản tuyên ngôn độc lập của vương triều nhà Nguyễn tại điện Thái Hòa
-  Ảnh: Lê Công Doanh
Ngày 8.5 vừa qua, tại TP.Huế, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Tại hội thảo, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cùng nhóm cộng sự đã công bố công trình khảo sát, thống kê, dịch thuật khá đầy đủ và hệ thống về toàn bộ văn bản hiện lưu giữ trên kiến trúc cung đình Huế.
Theo TS Phan Thanh Hải, hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế vốn được tuyển chọn từ trước của các vị hoàng đế, thân vương, quan lại triều Nguyễn; được chạm khắc, khảm cẩn, tráng men hay đắp nổi trên các công trình kiến trúc cung đình tại kinh đô Huế trong giai đoạn 1802 - 1945. Hệ thống này bao gồm hàng ngàn bài thơ, bài văn, câu đối được thể hiện trực tiếp bằng nhiều loại hình chất liệu khác nhau (gỗ, xà cừ, pháp lam, sành sứ...) trên công trình kiến trúc như một cách thức trang trí đặc biệt, riêng có tại Huế.
Chữ Hán ở điện Thái Hòa
Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng (Phòng Nghiên cứu Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế) cho biết điện Thái Hòa là nơi đặt ngai vàng, thể hiện quyền uy của triều đại, đóng vai trò chính thức trong việc đối nội, đối ngoại cho nên quy mô, cấu trúc cũng như trang trí đều rất đặc biệt, thể hiện tôn ti, trật tự rõ ràng. Do tính chất quan trọng như vậy nên hệ thống thơ văn được trang trí trên điện Thái Hòa cũng mang ý nghĩa chính trị, thể hiện những thông điệp chính của triều đại.
Tại điện Thái Hòa hiện có 295 ô hộc có trang trí thơ văn chữ Hán, trong đó 248 ô hộc bằng gỗ, 47 ô hộc pháp lam. Hình thức trang trí của các ô hộc theo mô tuýp “nhất thi, nhất họa”, cứ mỗi bài thơ có một bức họa kèm theo. Thơ văn trên điện Thái Hòa được phân bố ở nhiều vị trí cả trong lẫn ngoài.
Thú vị bài thơ tuyên ngôn độc lập
Bài thơ quan trọng nhất đặt ở bức hoành phi ngay gian giữa, bên dưới bức hoành phi lớn ghi chữ Thái Hòa Điện, được khắc trên gỗ, sơn son thếp vàng. Bài thơ nguyên văn được phiên âm như sau:
Văn hiến thiên niên quốc
Xa thư vạn lý đồ
Hồng Bàng khai tịch hậu
Nam phục nhất Đường, Ngu
Dịch nghĩa:
Nước Việt đã ngàn năm văn hiến
Cơ đồ vạn dặm đã thống nhất hoàn toàn
Từ thuở Hồng Bàng mở nước
Trời Nam đã một cõi sánh với Đường, Ngu
(bản dịch của Phạm Đức Thành Dũng)
Diễn nghĩa hai câu sau rõ hơn là, kể từ thời Hồng Bàng dựng nước cho đến thời nay, nước VN ta đã là một cõi riêng thái bình, thịnh trị tương đương như thời Đường (thời thịnh trị của vua Nghiêu) và Ngu (của vua Thuấn) của Trung Hoa.
Cùng với bài thơ này còn có hai bài thơ mang ý nghĩa bổ sung thêm cho niềm tự tôn dân tộc, ca ngợi triều đại mới và thể hiện lý tưởng xây dựng đất nước mãi mãi phồn vinh.
Bài bên trái nguyên văn:
Thái bình tân chế độ
Hiên khoát cựu quy mô
Văn vật thanh danh hội
Xuân phong mãn đế đô
Dịch nghĩa:
Đất nước thái bình trong chế độ mới
Mở rộng quy mô xưa
Văn vật người tài về tụ hội
Gió xuân tràn ngập cả kinh đô
Bài bên phải:
Địa địa chung linh khí
Quần tinh củng đế xu
Thánh hoàng trung kiến cực
Liễm phúc dĩ thời phu
Dịch nghĩa:
Đất lành un đúc linh khí
Tinh tú chầu về nơi vua ở
Bậc thánh đế trang nghiêm trên ngôi báu
Tích phúc để lan tỏa cho muôn dân
Trong khi nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng đây là 3 bài thơ độc lập, thì nhà nghiên cứu Vĩnh Cao (thuộc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế) lại có một kiến giải khác. Ông đã ghép cả ba bài thơ này lại thành một bài và cho rằng đây là bài thơ biệt thể (kết hợp ba bài tứ tuyệt). Tuy mỗi người có mỗi cách kiến giải và cách đọc khác nhau, nhưng tất cả đều thừa nhận cụm thơ văn trên điện Thái Hòa mang chung một ý nghĩa đó là bản tuyên ngôn độc lập của vương triều nhà Nguyễn, khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, ca ngợi chế độ, ca ngợi nền thái bình thịnh trị của đất nước.
Tác giả những bài thơ trên điện Thái Hòa, theo nhiều nhà nghiên cứu là của vua Minh Mạng, trích trong tập Ngự chế thi. Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, lại cho rằng hầu hết các bài thơ đều không ghi tác giả, trên bờ nóc ngoại thất của điện Thái Hòa có một ô pháp lam ghi thông tin về tác giả một cách mơ hồ như sau: Ngự chế thi tam thập thủ. Thông tin trên cho thấy những bài thơ trên là do vua làm, nhưng cụ thể là vua nào thì vẫn rất khó xác định, muốn xác định tác giả cần phải đối chiếu với nhiều tư liệu Hán - Nôm về thơ của các vua triều Nguyễn đang lưu trữ nhiều nơi.
Theo thống kê, trên kiến trúc cung đình Huế hiện còn 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men thành pháp lam; 78 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ. Đây thật sự là một bảo tàng sống động, một “thư viện” văn chương thời Nguyễn có một không hai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.