Giải mã đầu lân: Lân thời hiện đại

15/10/2024 07:53 GMT+7

Không còn những quy định khắt khe của nghề lân ngày xưa, câu chuyện trăm hoa đua nở của nghề lân tạo tích cực là quảng bá nghệ thuật múa lân rộng đến công chúng.

Chỉ cần giàn trống, quần áo đồng phục hoành tráng, đội hình hùng hậu, đã có thể đi diễn khắp nơi. Nhưng với người gắn bó nghiệp lân truyền thống, cần chiều sâu hơn là biểu hiện vẻ ngoài.

Một con lân ra đời, khai quang điểm nhãn hành nghề (chuyên nghiệp), định giá thị trường trung bình từ 20 triệu đồng trở lên, tùy yêu cầu đặt hàng. Đầu lân thuộc vào hàng nghệ thuật phẩm, giá trị chỉ là cơ bản vì mỗi đoàn lân đều có những yêu cầu chế tác riêng phù hợp nhu cầu sử dụng.

Lấy ví dụ lân diễn bài Lân lên mai hoa thung, đầu lân được tinh gọn, loại nhiều chi tiết thừa trọng lượng bộ khung và kỹ thuật bồi vải - giấy, trọng lượng nhẹ, dễ cho vận động viên thực hiện các động tác khó trên giàn thung. Độ dài của mình lân giờ cũng cắt ngắn, trước một con lân múa "địa bửu" trung bình dài đến 3,2 m, giờ được điều chỉnh chỉ nhỉnh hơn 2 m, đáp ứng nhu cầu linh hoạt, xoay trở nhanh gọn, uyển chuyển trong các bài diễn.

Thần thú phàm trần

Một trong những huyền tích về nghệ thuật múa lân liên quan đến con ác thú tên là Niên, chuyên làm hại dân lành dịp cuối năm, được Ông Địa cho ăn Linh Chi Thảo, thuần phục thành con vật lành, thân thương với con người. Lân có khởi hình của Niên, khi chuyển mùa qua năm mới, lân xuất động mong vọng mang tài lộc và may mắn đến các gia đình.

Giải mã đầu lân: Lân thời hiện đại- Ảnh 1.

Lân Chu Tước với trận đồ Bát Quái Điệp của đoàn Thắng Nghĩa Đường

ẢNH: T.L.

Hai dòng lân (Nam Sư - Bắc Sư) khi du nhập Việt Nam, Bắc Sư rõ nét với tạo hình sư tử, kỹ thuật múa cũng khác biệt; riêng Nam Sư tạo hình đa dạng hơn, dáng vẫn là lân, nhưng màu sắc, thần thái gợi đến danh tướng thời Tam Quốc. Huấn luyện viên Huỳnh Gia Bửu của đoàn lân Thắng Nghĩa Đường giải thích: "Biểu trưng cho Lưu Bị, lân có nền vàng, lông mày trắng, râu đen dài, đỉnh đầu treo hồng anh, ót vẽ ba đồng xu hàm ý hòa khí hữu thiện, đuôi ngũ sắc. Lân Quan Vũ có nền đỏ, lông mày đen, râu đen dài, mũi xanh lá, sừng tím, ót vẽ 2 đồng tiền hàm ý trung nghĩa, đuôi đỏ pha xanh lá. Lân Trương Phi có nền đen, lông đen, râu đen ngắn (cứng và tủa ra như bàn chải), mũi xanh lá, sừng sắt, mắt đỏ, tai sứt, ót vẽ một đồng tiền, đuôi trắng đen, vằn tam giác. Lân Hoàng Trung nền vàng hoa mai, hoa văn đen, râu đen. Lân Triệu Vân nền xanh lá, hoa văn đen, lông đen, hai bên răng nanh có hồng anh biểu trưng cho binh khí Triệu Vân thường dùng là cây thương. Lân Mã Siêu nền xanh dương, lông đen…".

Giải mã đầu lân: Lân thời hiện đại- Ảnh 2.

Các “danh tướng” Tam Quốc trong dáng hình của lân ở đám cộ rằm Nguyên Tiêu, Chợ Lớn

ẢNH: LAM PHONG

Tùy vị trí xuất hiện của lân, người xem phần nào biết được mục đích và ý nghĩa của người sử dụng. Ví dụ ở võ đường thường treo đầu lân Quan Vũ, hàm ý chính khí. Còn khi thấy lân Trương Phi dẫn đoàn, là sắp có giao đấu xảy ra, bởi vị tướng này tượng trưng sự dũng mãnh, thiện chiến…

Từ nền tảng dùng hình ảnh lân diễn tả một ý niệm khác trong giới lân ngày xưa, Huỳnh Gia Lương giải thích nguyên cớ tạo ra những con lân đặc biệt của riêng mình: "Tôi tập trung vào chi tiết trang trí, nhất là màu sắc, lấy chi tiết gợi về linh vật, hay nội hàm linh vật lưu giữ. Ví dụ tả con lân Thanh Long trong bộ sưu tập Tứ lân thần thú, tôi dùng màu lam, vì muốn thể hiện sắc lam - cơ bản của màu xanh, qua thành ngữ: Thanh xuất vu lam - Nhi thắng vu lam (tạm dịch: màu xanh từ màu lam - nhưng nổi hơn màu lam) ý nghĩa là thầy có được trò giỏi, đó cũng là ý tôi muốn gửi gắm đời sau của Thắng Nghĩa Đường sẽ luôn tiến bộ, học hỏi để lưu giữ và phát triển tinh hoa hơn người đi trước".

Vốn quý lân - võ song hành

Nghệ thuật múa lân nay phát triển mạnh khắp cả nước, nhưng đoàn lân có nền tảng từ võ phái không nhiều, lân ra đường cũng không còn "đụng" nhau xưng hùng xưng bá, tranh giành lãnh địa, thử tài nghệ của nhau. Múa lân hiện chú trọng vào nghệ thuật, các bài diễn được kết hợp không chỉ là trống chiêng mà còn thêm âm thanh, ánh sáng, phông bạt sân khấu, khói lửa phụ họa tạo hiệu ứng tối đa cho bài diễn.

Giải mã đầu lân: Lân thời hiện đại- Ảnh 3.

Sắc lam đặc trưng của lân Thanh Long do Huỳnh Gia Lương thực hiện

ẢNH: TL

Với những đoàn lân giữ lại phong cách, bản sắc, võ thuật vẫn là chi tiết quan trọng nổi trội. Nói riêng các bài diễn của đoàn lân Thắng Nghĩa Đường, Huỳnh Gia Lương tiết lộ: "Ngày xưa cũng bài diễn như Độc xà cản lộ, người xem thấy ở đó là công phu võ thuật; đến cuối bài, hai người múa lân sẽ dùng trường côn và đao để giao đấu bằng các động tác võ thuật. Bài diễn Thanh Long - Bạch Hổ (long tranh hổ đấu) cũng có màn song đấu đại đao ở cuối bài. Đoàn lân chúng tôi vẫn lấy võ làm nền, lân được thể hiện là chi tiết giới thiệu câu chuyện văn hóa, nghệ thuật, võ giữ nền tảng Thắng Nghĩa Đường như từ ngày khai mở".

Giải mã đầu lân: Lân thời hiện đại- Ảnh 4.

Bài diễn Độc xà cản lộ với phần kết là màn trình diễn song đấu

ẢNH: T.L.

Giải mã đầu lân: Lân thời hiện đại- Ảnh 5.

Cặp đôi Thanh Long - Bạch Hổ qua hình tượng lân

ẢNH: T.L.

Sử dụng lân là phương tiện chuyển tải nội hàm, thông điệp, hoặc ý nghĩa, mục đích gợi mở cho người xem múa lân khi thấy chi tiết lạ, sẽ tự vấn đó là gì và học hỏi thêm chuyện ẩn sau dáng hình lân. Huỳnh Gia Lương nói thêm: "Tôi có làm một con lân biểu trưng Tôn Ngộ Không, đằng sau trang trí hình mặt nạ kinh kịch. Hay trong bài diễn của con lân Chu Tước, phỏng theo loài chim bay lượn trên không, nhưng không dùng trận pháp Mai hoa thung mà dùng Bát Quái Điệp (dĩa gỗ bát giác). Ngày trước khi lân đi hái lộc, gia chủ các nhà treo lộc trên tầng cao, lân phải dùng Điệp thượng điệp (dĩa chồng dĩa) - tựa hệ giàn giáo gồm các cây đòn và đĩa bát giác, chồng lên nhau để hái được lộc gia chủ. Bây giờ hiếm đoàn lân sử dụng công cụ này khi đi diễn".

Trong lân có võ, đó là chi tiết nhận dạng rõ nét của từng đoàn lân gắn với võ phái. Một số bài biểu diễn kể trên nếu thiếu chi tiết võ thuật, cái hay, cái đẹp, độ hấp dẫn giảm đi nhiều phần. Tuy nhiên, ngày càng ít gặp các trận pháp hay bài diễn theo kiểu cổ điển này, bởi lân giờ được đào luyện trình diễn nghệ thuật, không chú trọng nhiều công phu võ thuật như ngày xưa. Những đoàn lân giữ được nét đẹp và sự phối hợp lân - võ thực sự là vốn quý, là giá trị cần được lưu giữ song hành, phát triển để múa lân mãi là môn nghệ thuật hấp dẫn, ý nghĩa, giàu bản sắc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.