Nghỉ việc chỉ vì… một câu nói
Là người năng động và cá tính, Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (24 tuổi, ngụ P.Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức, TP.HCM) luôn thích được thoải mái trong phong cách ăn mặc khi đi làm. Ngọc kể khi còn là sinh viên cô có cộng tác và được ký hợp đồng với một công ty truyền thông, do là công ty khởi nghiệp của người trẻ nên cũng rất năng động như tính cách của Ngọc.
"Lúc đó đa phần tụi mình đi làm đều ăn mặc rất thoải mái, có lúc cũng mặc những dạng quần ngắn theo phong cách thời trang hiện nay, chứ không phải là ăn mặc hở hang hay phản cảm. Và sếp của mình cũng không bao giờ phàn nàn hay góp ý về việc ăn mặc đó", Ngọc kể và cho biết đó là khoảng thời gian đi làm hạnh phúc nhất của cô.
Sau khi ra trường, Ngọc được người quen xin vào làm ở một công ty lớn với mong muốn công việc sẽ ổn định hơn. Nhưng chưa được 3 tháng thì Ngọc nghỉ việc. Lý do là: "Mình cảm thấy bị gò bó, ăn mặc không được tự do dù không bắt buộc mặc đồng phục, nhưng vẫn phải mặc đồ theo định nghĩa của mọi người là lịch sự. Còn phong cách tụi mình thì cho là không phù hợp với việc đi làm. Dẫu mình đã thay đổi để phù hợp với văn hóa của công ty, nhưng sau thời gian mình nghỉ việc vì thấy không được là chính mình nữa".
Hiện tại, Ngọc cũng chọn công ty khởi nghiệp để làm, vì Ngọc thích sự năng động, trẻ trung và có được sự đồng điệu ở môi trường này.
Đào Hải Nhật Tân, sinh viên Trường ĐH Fulbright Việt Nam, nhà sáng lập và điều hành Công ty Seesaw Việt Nam, kể câu chuyện sẵn sàng nghỉ việc chỉ vì một câu nói.
"Tụi mình thực sự là những người rất thích và cần được công nhận trong công việc. Mình đã từng bỏ một công việc chỉ vì sếp nói với mình là chị không thấy cái này có ý nghĩa gì, trong khi mình cố gắng rất nhiều để làm được điều đó. Chỉ vì một câu nói như vậy mà mình sẵn sàng bỏ công việc đang hoàn toàn nuôi sống mình thời điểm đó", Tân kể.
Từ câu chuyện của mình và hiểu được tính cách của nhiều gen Z, Tân đúc kết: "Tụi mình luôn cần được công nhận, được thừa nhận là tụi mình đang làm gì và vai trò của tụi mình trong xã hội là gì. Do đó, khi tụi mình đến đâu mà được coi trọng, và có thể mang đến những tác động có thể ngang bằng với các anh chị đi trước thì tụi mình cực kỳ thích và muốn đồng hành lâu dài".
Chuyện của những công ty đa phần là gen Z
Là gen Z, và đang làm chủ công ty khởi nghiệp, nhưng chính Tân cũng gặp những thử thách khi điều hành công ty với 100% nhân viên là gen Z.
Tân kể: "Một công ty mà 100% gen Z như tụi mình, cũng cực kỳ là khó khăn. Khi có một bạn trong team (đội, nhóm - PV) nói rằng bạn ấy nhận ra một vấn đề là team đang không làm hiệu quả công việc này, thì mình đã phải đi hỏi tất cả các bạn còn lại nhưng không một ai thấy như vậy. Nên mình nói lại với bạn đó rằng không ai thấy thế cả, vì vậy mình không thể giải quyết được. Và ngay hôm sau, mình nhận đơn xin nghỉ việc của bạn. Lý do bạn đó đưa ra là không nhận được sự tôn trọng, không cảm thấy được quyền con người khi làm việc".
Trong khảo sát do Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo thực hiện vào cuối năm 2021 với các bạn trẻ trên khắp VN, khi đặt câu hỏi: "Hãy tưởng tượng mình trong 5 năm tới sẽ như thế nào?" thì các bạn trẻ tập trung rất nhiều vào việc phát triển sự nghiệp của bản thân.
Chị La Ngọc Việt Thương, Giám đốc điều hành của công ty, cho biết có một con số rất ấn tượng, là 70% bạn trẻ (từ 16 - 29 tuổi) mong muốn trở thành sếp, người lãnh đạo trong doanh nghiệp, muốn khẳng định vị thế của mình trong một tương lai rất ngắn. Cũng có 73% các bạn muốn tự kinh doanh, xây dựng doanh nghiệp của riêng mình. Có những bạn đang là sinh viên cũng đã có những ý định như thế nhưng không phải là kế hoạch quá xa vời, mà trung bình các bạn đặt mục tiêu từ 4 - 5 năm sau khi ra trường sẽ có một vị trí nhất định trong doanh nghiệp của mình.
Tân cho rằng rất khó khăn để có thể đáp ứng được từng bạn: "Vì đúng là gen Z tụi mình có nhiều điểm mạnh, như: rất quan tâm đến con người, đến tác động xã hội, là những người tiếp cận công nghệ thông tin rất nhanh… Nhưng thực sự gen Z cũng có một vài điểm yếu, đó là khá nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Dễ vì một câu nói gì đó mà bị tổn thương".
Tân cũng kể thêm: "Trong công ty của mình, các bạn rất khác biệt, như khi mình phát áo đồng phục, hôm sau đến thấy các bạn thêu tên tuổi rồi tô màu các thứ lên áo… nhưng mình vẫn phải chấp nhận điều đó, đôi khi từ những cái nhỏ đến những ý tưởng cũng rất khác biệt. Do đó, mình nghĩ tôn trọng sự khác biệt cũng rất là quan trọng. Và ngoài những điểm mạnh thì tụi mình cũng có nhiều điểm yếu, nên mình nghĩ phương pháp để tiếp cận gen Z thì hơi tình cảm, nhẹ nhàng một chút và chấp nhận sự khác biệt".
Lê Yên Thanh (29 tuổi), nhà sáng lập và Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Phenikaa MaaS, cũng đang điều hành công ty toàn những nhân sự trẻ, trong đó có gần 80% là gen Z. Theo Thanh, điểm mạnh gen Z là các bạn học hỏi rất nhanh, dễ dàng tiếp thu và tiếp cận với những xu hướng mới của công nghệ, của thị trường. Do đó, các bạn sẽ đi nhanh hơn so với những người đàn anh và sẵn sàng mạo hiểm (vì còn trẻ và có nhiều thời gian), có rất nhiều cơ hội để phát triển bản thân và sự nghiệp so với những người đi trước vốn đã quen với sự ổn định và an toàn.
Bên cạnh đó, Thanh cho rằng điểm yếu của gen Z là do đi nhanh nên nếu không cẩn thận sẽ dễ mắc sai lầm vì thiếu kinh nghiệm, đôi khi sẽ không có nhiều sự kiên nhẫn, chịu khó như những thế hệ đi trước, dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài như áp lực công việc, khó khăn mà từ bỏ.
"Khi làm việc với các bạn gen Z, mình cũng phải biết chấp nhận những điều đó, cố gắng phát huy những thế mạnh và thích nghi với tư duy của các bạn. Ví dụ như thường gen Z sẽ rất muốn làm và cống hiến nên các bạn sẽ thích có cơ hội được thể hiện bản thân, đóng góp ý tưởng cho công ty thay vì chỉ ngồi đợi chỉ việc. Đồng thời cũng sẽ phải giúp các bạn rèn luyện tính kiên trì, chịu khó để không bị áp lực đánh bại", ông chủ trẻ Lê Yên Thanh chia sẻ.
Bình luận (0)