TUYỂN 30 NHÂN SỰ gEN z, chưa được 2 quý ĐÃ CÓ 24 NHÂN SỰ RỜI ĐI
Một khảo sát của PV Thanh Niên thực hiện ở 20 doanh nghiệp (DN) thuộc nhiều lĩnh vực, dịch vụ, như: du lịch, xây dựng, công nghệ thông tin, môi trường, truyền thông, thực phẩm... tại TP.HCM. Kết quả cho thấy gen Z đang là lực lượng lao động chính. Có những công ty, khoảng 60 - 70% nhân sự là gen Z.
Tuy nhiên, anh Lê Hữu Nhật Đăng (34 tuổi), Trưởng phòng nhân sự một công ty lĩnh vực môi trường ở Q.7, TP.HCM, thừa nhận: "Chúng tôi vẫn đang loay hoay trong việc tìm hiểu về tính cách, ước muốn về môi trường làm việc của nhân lực gen Z. Vì chưa thấu hiểu nên rất cần được lắng nghe thế hệ Z nói lên điều họ kỳ vọng".
Sở dĩ anh Đăng chia sẻ như vậy, vì trong quý 4/2022, công ty anh nhận hơn 30 nhân sự gen Z. Tuy nhiên, đến nửa quý 1/2023, đã có 24 nhân sự trong số đó rời đi.
"Có người nghỉ việc sau 1 tháng. Có người chia tay công ty sau 2 tháng làm việc. Điều này tạo nên sự xáo trộn nhất định trong việc vận hành công ty. Chúng tôi dù muốn trẻ hóa lực lượng lao động, nhưng lại lực bất tòng tâm trong việc giữ chân gen Z", anh Đăng nói.
Chị Lê Thị Hoài Xuân (29 tuổi), phụ trách tuyển dụng của một công ty về du lịch trên đường Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM, cũng ta thán về việc từng vui mừng khi công ty đón khoảng gần 20 nhân viên gen Z.
Với sự năng động, đầy tiềm năng của gen Z, lãnh đạo công ty mường tượng thế hệ này sẽ gắn bó, nỗ lực trong công việc để giúp công ty phát triển vượt bậc. Nhưng trái ngược với dự đoán, chỉ sau một thời gian ngắn, trong số gần 100 nhân sự hiện nay của công ty đã "sạch bóng" gen Z.
"Lãnh đạo công ty khá bàng hoàng khi chẳng hiểu lý do vì sao công ty không thể thu hút nhân viên gen Z. Chúng tôi cũng muốn có những thay đổi, điều chỉnh để đáp ứng những mong muốn của gen Z, để làm họ hài lòng, nhưng chưa thể làm được", chị Xuân chia sẻ.
"VỠ MỘNG" KHI THỰC TẾ KHÁC XA KỲ VỌNG
Đặng Hữu Phát (24 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, từng làm việc ở một trong những công ty công nghệ thông tin hàng đầu tại VN, cho biết "đã nghỉ việc sau 3 tháng".
"Công ty đó từng là ước muốn thời sinh viên của mình. Tuy nhiên, khi chạm ngõ công việc, mình không còn thích công ty đó nữa", Phát nói.
Hỏi lý do vì sao "cả thèm chóng chán" như vậy? Phát trả lời: "Vì mình nhận ra không hạnh phúc với môi trường làm việc" và cho biết thêm: "Đó là môi trường làm việc ảm đạm. Thiếu sự tôn trọng. Những vị sếp hà khắc, khó chịu. Đầy rẫy những đồng nghiệp không hòa đồng. Có cả những liên minh bè phái...".
Đó cũng là chia sẻ của rất nhiều gen Z khi nói về lý do sẵn sàng bỏ việc, nhảy việc.
"Mình từng làm ở một thương hiệu đa quốc gia về điện thoại với vị trí quan hệ công chúng. Mức lương mỗi tháng hơn 23 triệu đồng. Đó có thể là con số mơ ước của bất kỳ người trẻ nào. Tuy nhiên, mình nghỉ việc vì không thích môi trường làm việc chèn ép nhân viên. Mình cảm thấy thiếu sự tôn trọng từ những người có vai trò cao hơn. Bên cạnh đó, mình như bị bóc lột sức lao động vì có lúc phải làm đến tận 21 - 22 giờ mà không có thêm tiền công ngoài giờ", Vũ Thị Thu Thủy (25 tuổi), ngụ đường Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp, TP.HCM, kể.
Huỳnh Thanh Hải (24 tuổi), đang làm việc ở Công ty TNHH Thế kỷ số, Q.Tân Bình, TP.HCM, cho biết từng nghỉ việc ở một DN cũng vì không hạnh phúc trong quá trình làm việc.
"Không riêng mình, mà với hầu hết gen Z đều có thể tự tin trong việc đáp ứng được khả năng làm việc đa nhiệm, có nghĩa là "cân" được nhiều công việc khác nhau. Thế nhưng khi đề xuất mong được thử sức ở cả lĩnh vực quản lý thông tin, an toàn thông tin thay vì chăm chăm vào công việc kỹ thuật máy tính thì mình bị công ty cấm đoán. Từ đó, mình cảm thấy bị bó buộc trong một khuôn mẫu, chẳng còn động lực để phát triển cũng như khẳng định giá trị của bản thân trong chính ngành nghề nên mình tìm môi trường làm việc khác", Hải kể.
Ý KIẾN
"Mình thích những công ty quan tâm đến đời sống sức khỏe và tinh thần của nhân viên. Mình kỳ vọng những vị lãnh đạo xem nhân viên là cộng sự, cùng giúp công ty phát triển chứ không phải xem nhân viên là lính, là người làm thuê".
Trần Thị Thùy Ngân, Sinh viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng, Quảng Ngãi
"Trước khi nộp đơn vào các công ty, mình hay dò hỏi liệu nơi ấy có tổ chức những hoạt động gắn kết nhân viên như: du lịch, tổ chức dã ngoại, các buổi sinh hoạt nói chuyện, chia sẻ để người quản lý hiểu nhân viên hơn... hay không? Nếu có, mình sẽ ưu tiên chọn lựa".
Huỳnh Thị Phương Thảo, Công ty TNHH MTV Mỹ Đức Hòa, Q.5, TP.HCM
Đặng Thị Thảo Tiên (25 tuổi) từng là tiếp viên hàng không. Tuy nhiên cách đây không lâu, Tiên xin nghỉ việc. "Mình và nhiều đồng nghiệp cảm thấy ngột ngạt và bí bách trong một môi trường làm việc không thoải mái, có những cạnh tranh không lành mạnh, không công bằng. Cấp trên chỉ ưu ái cho người quen biết, thân thuộc. Những nịnh bợ giữa nhân viên với sếp thường xuyên diễn ra. Thế nên đã từng có "làn sóng" rời bỏ hãng bay ấy vào cuối năm 2022", Tiên chia sẻ.
Cả nhóm "cựu tiếp viên hàng không" của Tiên cùng "đổ bộ" sang một môi trường làm việc mới. Nơi này là DN bất động sản "có thứ hạng" trên thị trường chứng khoán VN. Tuy nhiên, cuối tháng 1 vừa qua, nhóm Tiên lại thêm một lần nhảy việc vì tiếp tục "không hạnh phúc" ở DN mới.
"Lần này, chúng mình nghỉ việc vì 3 lý do. Một là vì công ty chẳng đoái hoài trong việc chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân viên. Hai là các chế độ về bảo hiểm, phụ cấp, phúc lợi xã hội cũng như các hoạt động giải trí… không được ngó ngàng, quan tâm. Và đáng chú ý hơn cả là công ty dính quá nhiều tin đồn trên mạng xã hội về tương lai mịt mờ. Không thể nào hạnh phúc trong môi trường làm việc như vậy", Tiên nói. (còn tiếp)
Bình luận (0)