Cùng Thanh Niên giải mã về thế hệ được cho là rất năng động và nhiều khác biệt, thế hệ được dự đoán sẽ chiếm đến gần 1/3 dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam tính tới năm 2025 (theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam).
Không ít người vẫn nghĩ giới trẻ ngày nay sẽ thường quan tâm đến mạng xã hội hôm nay có gì, "trend" hôm nay là gì... Nhưng thực tế, đâu mới là mối quan tâm lớn nhất của gen Z?
Doanh nghiệp cũng phải thay đổi vì mối quan tâm này của gen Z…
Tại chương trình "Giới trẻ Việt và xu hướng tạo tác động xã hội" do Dear Our Community tổ chức, chị La Ngọc Việt Thương, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo, nơi chuyên thực hiện những nghiên cứu, khảo sát để tìm hiểu cũng như cập nhật những xu hướng mới, cho biết công ty có thực hiện những khảo sát tìm hiểu về quan điểm, góc nhìn của giới trẻ trên khắp Việt Nam. Trong khảo sát vào năm 2021, khi được đặt câu hỏi: "Đâu là top những vấn đề xã hội mà hiện nay các bạn quan tâm nhiều nhất?", thì vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn của giới trẻ hiện nay liên quan đến việc bảo vệ môi trường.
Trong đó có tới 29% số lượng khảo sát cho thấy sự quan tâm lớn về vấn đề giảm ô nhiễm môi trường, 26% quan tâm về bảo vệ môi trường thiên nhiên, 13% quan tâm việc bảo vệ rừng VN... Chị Thương cho rằng đây là những số liệu rất lạc quan khi giới trẻ hiện nay đã có cái nhìn sát sao hơn với những hoạt động tạo tác động xã hội.
Chị Thương chỉ ra thêm: "Cũng trong khảo sát, 66% bạn trẻ cảm thấy hứng thú với những hoạt động tạo tác động xã hội. Các bạn cũng nhận thức được là để bảo vệ môi trường xung quanh, bảo vệ hành tinh xanh thì phải bắt đầu bằng việc sử dụng nhiều sản phẩm thân thiện hơn mỗi ngày".
Ở một tiếp cận khác, chị Võ Ngọc Tuyền, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Dear Our Community, cho biết trong quá trình làm việc với các công ty, tổ chức phi chính phủ, công ty đa quốc gia, chị đã thấy được các xu hướng rất thú vị.
Theo chị Tuyền, các bạn trẻ gen Z bây giờ quan tâm rất nhiều đến môi trường và các hoạt động tạo tác động xã hội. Các bạn cũng chính là khách hàng, là nguồn nhân lực của các công ty nên có những công ty buộc phải thay đổi vì áp lực của xu hướng này.
"Trước đây, thế hệ của chúng ta tốt nghiệp ra trường là lo tìm công việc để kiếm tiền lo cho bản thân, gia đình và đây được xem là điều quan trọng nhất. Nhưng bây giờ, các bạn không còn nghĩ như vậy nữa, các bạn coi đó là điều hiển nhiên và còn cần thêm nhiều thứ khác nữa. Như công ty, tổ chức đó có tạo điều kiện để các bạn tham gia giải quyết những vấn đề cộng đồng hay không, công ty đó thực sự có đạo đức, trách nhiệm với cộng đồng?... Rất nhiều bạn muốn tìm công việc có thể vừa đáp ứng nhu cầu tài chính, khẳng định tính cách của mình và bên cạnh đó còn muốn giải quyết những vấn đề xã hội, môi trường", chị Tuyền nhìn nhận.
Chị Tuyền cho biết với những xu hướng và thực tế như vậy, sẽ có rất nhiều công ty, doanh nghiệp buộc phải thay đổi: "Chính vì những áp lực của các bạn trẻ nên các công ty, doanh nghiệp cũng phải thay đổi, phải nghĩ làm sao để sản phẩm của mình thân thiện với môi trường, phát triển bền vững, yếu tố trách nhiệm với xã hội được quan tâm nhiều".
Làm gì cũng đặt cộng đồng lên trên hết
Là một người trẻ quan tâm rất nhiều đến các vấn đề tạo tác động xã hội, Đào Hải Nhật Tân, sinh viên ngành tâm lý học Trường ĐH Fulbright Việt Nam, sáng lập dự án Seesaw Việt Nam (dự án đã gọi vốn đầu tư thành công trong chương trình Shark Tank 2022), cho biết từ khi bắt đầu thực hiện dự án xã hội đầu tiên lúc 13 tuổi, Tân thấy được mình là người rất muốn đóng góp cho cộng đồng và muốn nói lên tiếng nói để phụng sự cộng đồng.
"Trong suốt quá trình từ năm 13 - 17 tuổi, mình làm rất nhiều hoạt động về môi trường, nhưng sau đó mình thấy rất khó khăn, khi càng cố gắng làm điều gì đó để giảm rác thải nhựa thì rác vẫn không giảm, mọi người vẫn dùng rất nhiều. Lúc đó mình bất lực và đã tự hỏi: Tại sao tôi sinh ra đã phải sống trong môi trường như thế này và phải giải quyết những vấn đề này?", cô nàng gen Z tâm sự.
Đến khi lên đại học, được học nhiều về con người, về thế hệ và đọc rất nhiều nghiên cứu thì Tân nhận ra: "Mình thấy thế hệ của tụi mình được tiếp nhận rất nhiều tiến bộ của những thế hệ trước. Tụi mình sinh ra đã có internet, có AI, được sống trong môi trường rất tiện nghi, đầy đủ thức ăn, không còn khủng hoảng về lương thực, không phải chịu những khó khăn về thiếu điện nước.... Nhưng để tạo ra những thành tựu như vậy thì thế hệ trước đã phải thải ra môi trường rất nhiều chất độc hại, họ cũng là người sáng tạo ra nhựa, ni lông… - những thứ gây hại cho môi trường. Thế hệ trước tạo ra cho tụi mình rất nhiều thành tựu nhưng cũng để lại rất nhiều vấn đề mà tụi mình cần phải giải quyết".
Và Tân cũng hiểu được rằng, để giải quyết được những vấn đề đó là cả một hành trình dài: "Không phải là ngay bây giờ, khi mà mình làm 2 - 3 dự án trong vòng 1 hay 2 năm thì sẽ thay đổi được. Mà đây sẽ là một hành trình rất dài, là sứ mệnh của cả một thế hệ trẻ ngày nay. Tụi mình hiểu được là phải làm điều đó thực sự bằng cả cuộc đời, chứ không chỉ đơn giản là một vài hành động của hôm nay".
Hiện nay, khi đã có công ty khởi nghiệp, Tân luôn tâm niệm: "Kinh doanh thì bản chất lúc nào cũng phụng sự cộng đồng. Mình lúc nào cũng suy nghĩ không biết một sản phẩm của mình khi bán ra sau này khách hàng dùng xong và vứt đi thì nó sẽ như thế nào, có bị vứt ra biển không, có con cá nào ăn phải nó không, có cái cây nào bị chết vì nó không hay là có nguồn nước nào vì nó mà sẽ ô nhiễm? Vì thế, tụi mình chọn những loại giấy có thể tan trong nước, không gây hại cho môi trường… khi làm sản phẩm".
Tân và những bạn trẻ gen Z trong công ty của Tân luôn tự nhủ rằng: "Mình làm một điều gì đó không chỉ đơn giản là làm dự án ở đây ngày hôm nay mà nó là cả một hành trình dài, từng hành động, từng quyết định của mình dù là nhỏ nhất đều phải quan tâm đến giá trị của cộng đồng và không gây hại đến ai. Đó chính là điều mà thế hệ tụi mình quan tâm đến nhiều nhất". (còn tiếp)
Bình luận (0)