Giải mã gen Z: Thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp và gen Z

24/02/2023 06:00 GMT+7

Gen Z sẵn sàng nhảy việc nếu nhận ra giữa bản thân và doanh nghiệp có ranh giới cách biệt. Mặc dù vậy, không khó để thu hẹp khoảng cách ấy nhằm giúp hai bên xích lại gần nhau hơn.

ĐÂY LÀ NƠI GEN Z THÍCH LÀM VIỆC…

Một khảo sát của PV Thanh Niên đối với gen Z đang là sinh viên tại TP.HCM, có đến 17/30 ý kiến cho biết mong được làm việc ở các tập đoàn đa quốc gia.

Trần Thanh Khôi, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, lý giải: "Nếu được làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia thì mình sẽ nhanh chóng được "nâng tầm" bản thân hơn, có nhiều cơ hội để học hỏi cả kỹ năng lẫn văn hóa của những đồng nghiệp ở nhiều nước trên thế giới. Kinh nghiệm nghề nghiệp lẫn khả năng ngoại ngữ cũng tiến bộ nhanh hơn".

Giải mã gen Z: Thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp và gen Z - Ảnh 1.

Thế hệ Z được đánh giá tự tin, năng động, tự chủ và có tham vọng trong sự nghiệp

XUÂN PHƯƠNG

Đặng Lê Hoàng Văn, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết: "Khi có cơ hội trở thành nhân viên của một tập đoàn đa quốc gia, đồng nghĩa mình sẽ có nhiều đồng nghiệp ở khắp nơi trong khu vực cũng như thế giới. Từ đó, mình được giao lưu nhiều nền văn hóa khác nhau. Khả năng học hỏi và nâng cao năng lực của bản thân sẽ được tối ưu. Ngoài ra, mình sẽ được cập nhật những kiến thức mới một cách nhanh nhất".

Bên cạnh đó, nhiều gen Z cho rằng ở những doanh nghiệp đa quốc gia luôn đề cao chính sách lương bổng và đãi ngộ cho nhân sự.

Hoàng Thanh Tùng (25 tuổi), làm việc tại một công ty đa quốc gia của Hà Lan và Anh chuyên về sản xuất hàng tiêu dùng (có trụ sở tại TP.HCM), cho biết: "Công ty này thu hút tôi bởi họ quan tâm nhân viên từ đời sống tinh thần cho đến chế độ lương, thưởng. Môi trường làm việc ở công ty thật sự năng động. Nhờ vậy, tôi và nhiều đồng nghiệp được phát huy tối đa hiệu quả công việc".

Phan Thị Minh (25 tuổi), làm việc ở Tập đoàn Samsung, nói: "Danh tiếng và sự hào nhoáng của doanh nghiệp đa quốc gia sẽ là lợi thế để gen Z phát triển thương hiệu cá nhân cũng như phát triển sự nghiệp sau này".

Cũng theo kết quả khảo sát, trong 13 ý kiến còn lại, có đến 8 ý kiến hy vọng "đầu quân" cho các công ty khởi nghiệp.

Theo Đinh Hồng Nhân (23 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, sở dĩ Nhân đang làm việc ở một công ty khởi nghiệp lĩnh vực cà phê tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) là vì muốn được "chạm" vào nhiều công việc khác nhau.

"Mình không muốn khi đi làm chỉ phụ trách một công việc, mình muốn thể hiện sự "đa nhiệm", có thể "cân" được nhiều công việc khác nhau tại công ty. Và môi trường làm việc ở công ty khởi nghiệp cho phép mình thể hiện điều đó", Nhân cho biết.

Giải mã gen Z: Thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp và gen Z - Ảnh 2.

Sự thấu hiểu giữa hai bên giúp khoảng cách giữa doanh nghiệp và gen Z ngày càng thu hẹp

SONG HÀNH TRONG MỐI QUAN HỆ CÙNG CÓ LỢI

Anh Vũ Đình Hòa, Phó giám đốc Công ty dệt may Thế Hòa (TP.HCM), nói rằng gen Z đã và đang có những tác động không nhỏ ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động VN. Để có thể thu hút lực lượng này, các doanh nghiệp cần phải chuyển mình để đáp ứng được những mong muốn của người trẻ.

"Giải bài toán thấu hiểu gen Z có khó không? Tôi nghĩ rằng không khó, nếu như hai bên là nhân sự gen Z và lãnh đạo doanh nghiệp ngồi lại cùng nhau. Gen Z có thể nêu ra tâm tư nguyện vọng, doanh nghiệp có thể tìm cách giải đáp. Từ đó, hai bên sẽ song hành trong mối quan hệ cùng có lợi. Doanh nghiệp có lực lượng lao động tài năng. Gen Z có môi trường làm việc đúng như ý muốn", anh Hòa nói.

Anh Hòa chia sẻ: "Ở nhiều doanh nghiệp đang gặp vướng mắc trong việc thấu hiểu gen Z. Vì không phải doanh nghiệp nào cũng có cơ sở vật chất khang trang, cũng có bước phát triển lớn mạnh để nâng cao chế độ đãi ngộ cho nhân viên và đáp ứng được yêu cầu của gen Z. Đặc biệt là ở nhiều công ty hiện tại hội tụ đủ cả gen Z, gen X, gen Y, nên có những sự mâu thuẫn nhất định trong cách ứng xử, làm việc, giao tiếp của ba thế hệ này".

Cũng theo anh Hòa, thế hệ nào cũng có cái tôi, cũng có những ưu, nhược điểm. Trong khi gen Z thường có những đòi hỏi cao hơn. Vậy nên, bạn trẻ cũng hãy biết thông cảm trong thời gian doanh nghiệp tìm cách giao thoa, xây dựng môi trường và văn hóa công ty phù hợp với cả ba thế hệ. Nếu có khúc mắc, hãy nói ra để doanh nghiệp tháo gỡ chứ đừng làm khó hay vội nhảy việc chỉ vì những lý do nhỏ nhặt.

Chị Trần Hạnh Nga, Phó giám đốc Công ty công nghệ thông tin Tin học Việt (Q.6, TP.HCM), nhận định gen Z có nhiều tham vọng, có sự sáng tạo, khả năng thích nghi nhanh, có ý thức và tự chủ trong công việc, cũng như những kỹ năng cần thiết để xử lý, hoàn thành công việc một cách hiệu quả nhất. Tuy vậy, vẫn còn những "điểm trừ" trong công việc.

"Dễ thấy nhất là việc tự tin thái quá. Ngoài ra, gen Z có cái tôi quá lớn, cũng như thường làm việc theo cảm xúc", chị Nga nói.

Theo chị Nga, song song với việc các công ty linh hoạt trong quản trị và xây dựng môi trường làm việc thì gen Z cũng hãy tự nhìn nhận lại để hoàn thiện bản thân để cảm thấy những gì thụ hưởng từ công ty là xứng đáng. Chẳng hạn, hãy nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử, nói không với thái độ tự cao tự đại, tự tôn quá mức để không "ảo tưởng sức mạnh"…

Chị Nga cho rằng: "Cần thừa nhận là đang tồn tại những khoảng cách khá lớn giữa doanh nghiệp và gen Z. Nhưng khoảng cách ấy sẽ ngày càng được thu hẹp nếu hai bên chủ động trao đổi thẳng thắn và cởi mở. Có như vậy sẽ không còn những ta thán của gen Z về môi trường làm việc. Ngược lại, doanh nghiệp sẽ thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của thế hệ này". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.