Giải mã hiện tượng BTS và ‘Ký sinh trùng’

30/10/2019 00:00 GMT+7

BTS và ‘ Ký sinh trùng ’ là hai hiện tượng để các chuyên gia giải mã về sự thành công của K-pop cũng như điện ảnh Hàn Quốc trong hội thảo diễn ra vào tối 28.10 tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội).

Vượt qua biên giới châu Á, nhóm nhạc Hàn Quốc BTS đã chinh phục khán giả khắp toàn cầu, trong khi bộ phim Ký sinh trùng (Parasite) của đạo diễn Bong Joon-ho đã giành giải thưởng Cành cọ vàng danh giá tại Liên hoan phim Cannes 2019.
Ông Patrick Messerlin, giáo sư môn kinh tế học tại Trường Khoa học chính trị Paris (Sciences Po Paris - Pháp), cho rằng những bài học trong việc hỗ trợ điện ảnh tại Hàn Quốc là rất đáng học hỏi, ngay cả với một nền điện ảnh đã phát triển lâu đời như Pháp. “Từ năm 1958 - 1986, Hàn Quốc áp dụng hạn ngạch nhập khẩu phim. Song từ năm 1986 trở đi, Hàn Quốc đã mở cửa thị trường nhập khẩu. Với việc mở cửa này, số lượng phim Mỹ được nhập ào ạt. Các nhà làm phim trong nước buộc phải chấp nhận cuộc chơi cạnh tranh. Tuy nhiên, phim nhập khẩu vừa có phim hay, vừa có phim dở. Khán giả dần thấy rằng không phải phim Mỹ lúc nào cũng là nhất. Doanh thu trung bình phim Mỹ bị sụt giảm nhiều, trong khi phim Hàn Quốc tăng dần lên”, Giáo sư Patrick Messerlin nói.
Ông Patrick Messerlin nhận định sự hỗ trợ của chính phủ Hàn Quốc cho điện ảnh, cụ thể là vào việc xây dựng studio, trường quay cho các nhà làm phim trong nước đã phát huy hiệu quả. Ông cũng nhìn nhận thông thường, mỗi quốc gia có thế mạnh hay được đánh giá cao về phim truyền hình, phim điện ảnh dòng giải trí, dòng phim nghệ thuật, riêng Hàn Quốc phát triển cả ba.
Cùng với việc nhân sự ở nhiều công ty điện ảnh Hàn Quốc được đào tạo tại Hollywood (Mỹ), những công ty âm nhạc K-pop cũng học hỏi từ Mỹ và Nhật Bản. Ông Jimmyn Parc, nhà nghiên cứu tại Trường Sciences Po Paris và Viện Nghiên cứu truyền thông thuộc Đại học quốc gia Seoul (Hàn Quốc), đánh giá BTS trở thành một hiện tượng của âm nhạc Hàn Quốc khi được yêu thích cuồng nhiệt khắp thế giới cũng nhờ sự dọn đường trước đó của nhiều nhóm nhạc K-pop.
“BTS mang một mô hình toàn cầu hơn những nhóm nhạc trước. Những ca khúc của họ mang thông điệp đa dạng tích cực, lan tỏa, chứ không phải là những câu chuyện ngôn tình như thường thấy ở những nhóm nhạc K-pop khác. Những màn vũ đạo luôn được dàn dựng đặc biệt, các ca khúc của họ có sự tiếp nối”, ông Jimmyn Parc lý giải.
Ông Jimmyn Parc cho rằng V-pop đang có nhiều tiềm năng, đồng thời nhắc lại cách nhìn nhận của Hàn Quốc trong việc phát triển K-pop như bài học cho V-pop: “K-pop được học hỏi từ nhạc Pop và J-pop, tuy nhiên đó không phải là sự sao chép mà được tạo ra với sự khác biệt. Đó là giá trị gia tăng của sáng tạo, đa dạng văn hóa”.
Ông cũng cho hay ban đầu Hàn Quốc chưa coi K-pop là một phần của ngành công nghiệp văn hóa, chỉ cho đến những năm 2000 trước sự nổi tiếng của những nhóm nhạc Đài Loan, Hàn Quốc ngay lập tức thấy âm nhạc cũng là một phần của ngành công nghiệp mang lại nhiều lợi nhuận này nên đã thúc đẩy quảng bá K-pop ra toàn cầu.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.