Giải mã hiểu lầm thường gặp về vắc xin Covid-19

02/04/2021 04:08 GMT+7

Đi cùng với nỗ lực “phủ sóng” vắc xin Covid-19 từ chính phủ các nước, vẫn còn đó những lời đồn khiến nhiều người hiểu sai về vắc xin.

Theo chuyên trang Health, sau đây là những hiểu lầm tai hại thường gặp nhất về vắc xin Covid-19.

Lầm tưởng 1: Không cần mang khẩu trang sau khi chủng ngừa

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho hay những người đã được chủng ngừa Covid-19 đầy đủ, bất kể là loại vắc xin nào, vẫn nên tiếp tục duy trì thói quen mang khẩu trang ở nơi công cộng. Bởi tại thời điểm này, chưa thể kết luận mọi loại vắc xin đang lưu hành đã tiêu diệt được 100% biến thể của SARS-CoV-2 (vi rút gây ra Covid-19), do nhiều biến thể có thể vẫn chưa được tìm ra.

Chiều 1.4: Thêm 14 ca mắc Covid-19 tại Cà Mau, Kiên Giang và Bến Tre

Lầm tưởng 2: Người được chủng ngừa Covid-19 sẽ dương tính với SARS-CoV-2

Điều này hoàn toàn sai. Trong một bài phỏng vấn với Health, Phó giáo sư Prathit Kulkarni, chuyên gia bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Baylor (Mỹ), cho biết các loại vắc xin Covid-19 hiện hành không chứa SARS-CoV-2, do đó sẽ không làm người được chủng ngừa dương tính.

Chúng chỉ chứa các mRNA (Messenger RNA, tạm dịch: RNA thông tin), mang theo các mã hướng dẫn cách tạo ra loại protein đột biến cho tế bào của con người, rồi giúp kích hoạt phản ứng miễn dịch; hoặc là loại vắc xin “tái tổ hợp”, chứa vi rút vô hại (hoặc đã giảm độc lực) được chèn thêm đoạn vật chất di truyền của SARS-CoV-2 để khởi động phản ứng miễn dịch, chuyên gia Kulkarni giải thích.

“Xét nghiệm duy nhất mà bạn có thể nhận kết quả dương tính lúc này sẽ là xét nghiệm kháng thể”, ông Kulkarni nhấn mạnh.

Lầm tưởng 3: Vắc xin được sản xuất nhanh, do đó không an toàn

Tiến sĩ Swaminathan, Phó giáo sư tại Trường Y khoa trực thuộc Đại học Rutgers (Mỹ), đồng thời là người đứng đầu thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 của Hãng dược Moderna (trụ sở tại bang Massachusetts, Mỹ), cho biết: “Đúng là chúng tôi chưa bao giờ tạo ra được một loại vắc xin trong thời gian tương đương. Tuy nhiên, để được cấp phép lưu hành, các loại vắc xin đều phải trải qua các quy trình kiểm tra nghiêm ngặt”.

Cùng ý kiến này, Giáo sư Emily Oster từ Đại học Brown (thuộc Ivy League - nhóm các trường đại học xuất sắc nhất nước Mỹ), trưởng dự án COVID-Explained (chuyên giải đáp những câu hỏi về Covid-19 bằng những thông tin khoa học), mới đây đã khẳng định trên trang TED Ideas rằng các loại vắc xin khi được đưa ra thị trường đều phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe, trong đó có những tiêu chuẩn an toàn. Đồng thời, bà Oster cũng chỉ ra nguyên nhân thường gặp khiến tiến độ phát triển vắc xin bị chậm là do mức độ đầu tư tiền bạc và công sức. Còn đối với vắc xin Covid-19, thời gian qua, chúng luôn là ưu tiên hàng đầu của các chính phủ và ngành dược phẩm, nên có tốc độ phát triển nhanh hơn vắc xin thông thường là điều dễ hiểu.

Lầm tưởng 4: Chủng ngừa Covid-19 sẽ làm thay đổi ADN

Trả lời với Health, tiến sĩ Amesh A.Adalja, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm an ninh y tế Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cho biết đây tiếp tục là một hiểu lầm hết sức tai hại. Ông Adalja nói: “Các loại vắc xin hoàn toàn không thể thay đổi ADN của bạn. Muốn gây ảnh hưởng đến ADN, cần phải tác động trực tiếp đến màng nhân của tế bào. Đây là điều vắc xin không thể làm được. Chúng thậm chí còn không thể tiếp xúc với ADN”.

Cùng ý kiến trên, tiến sĩ Kulkarni khẳng định: “Điều này hoàn toàn không khả thi về mặt sinh học”.

Bác sĩ Mỹ nói gì về tin đồn vắc xin Covid-19 gây vô sinh, ảnh hưởng đến tuổi dậy thì?

Lầm tưởng 5: Vắc xin Covid-19 gây vô sinh

Phủ nhận thông tin này, tiến sĩ Adalja khẳng định: “Đây là một tuyên bố tùy tiện”, đồng thời khuyến cáo mọi người nên xem lại cách hoạt động của các loại vắc xin Covid-19 hiện nay. Chúng đều là vắc xin thế hệ mới, cụ thể là vắc xin dạng mRNA hoặc tái tổ hợp, không còn khả năng gây hại cho người được chủng ngừa cũng như không ảnh hưởng gì đến khả năng sinh sản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.