(TNO) Các nhà nghiên cứu đã giải mã được bí ẩn lâu nay xoay quanh câu hỏi tại sao một phần của não có thể tự bảo vệ trước sự tàn phá khốc liệt khi cơn đột quỵ bùng phát.
Điều trị một cơn đột quỵ giống như cuộc chạy đua với thời gian. Những vón cục hình thành và làm tắc nghẽn động mạch, ngăn cản nguồn cung cấp oxygen và đường lên não, và hậu quả là các tế bào não chết nhanh chóng.
Tuy nhiên, vào năm 1926, các chuyên gia phát hiện một số tế bào ở thùy cá ngựa, phần lưu giữ ký ức, không theo quy luật này, tức chúng vẫn tồn tại dù thiếu oxygen.
Theo báo cáo của Đại học Oxford (Anh) trên chuyên san Nature Medicine, các cuộc thí nghiệm trên chuột cho thấy những tế bào trên đã sống sót sau khi sản sinh ra protein gọi là hamartin, buộc tế bào phải trữ năng lượng. Chúng ngưng tạo ra protein mới và bẻ gãy những protein đã có để lấy nguyên liệu thô.
Khi các nhà nghiên cứu ngăn chặn tế bào tạo ra hamartin, chúng bị tiêu diệt như những tế bào khác.
Giáo sư Alastair Buchan cho hay, đây là lần đầu tiên giới khoa học chứng tỏ được não có những cơ chế có thể dùng để tự bảo vệ và duy trì sự sống của các tế bào não.
Phi Yến
>> Dụng cụ phát hiện nguy cơ đột quỵ
>> Đi bộ nhanh giúp ngừa đột quỵ
>> Thuốc viên vỏ cà chua" trị đột quỵ?
>> Đột quỵ không “kỵ” tuổi tác!
>> Dầu cá có thể cứu được tế bào não
Bình luận (0)