Nhiều lời đồn cho rằng hầm mộ bị khai quật đã “đánh thức giấc ngủ dài” của vua Tutankhamun và khởi động một lời nguyền chết chóc: "Những người xâm phạm giấc ngủ của Ngài sẽ qua đời do một căn bệnh mà không thầy thuốc nào có thể chẩn đoán". Tuy nhiên Ross Fellowes cho rằng có lý do sinh học đằng sau những cái chết sau khi khám phá lăng mộ vua Tutankhamun.
Nghiên cứu của Fellowes xác định nguyên nhân là do nhiễm độc phóng xạ từ các nguyên tố tự nhiên chứa uranium và chất thải độc hại được cố tình đưa vào bên trong hầm kín.
Những dòng chữ được tìm thấy bên trong các ngôi mộ khác trên khắp Ai Cập cho thấy người cổ đại biết rõ về chất độc với nội dung để lại cảnh báo các khu vực bị "cấm" vì có "linh hồn ma quỷ".
Việc tiếp xúc với các chất có thể dẫn đến một số bệnh ung thư, giống như căn bệnh đã cướp đi mạng sống của nhà khảo cổ Howard Carter - người đầu tiên bước vào lăng mộ vua Tutankhamun hơn 100 năm trước.
Giả thuyết này chứng minh một cách hiệu quả rằng ngôi mộ thực sự bị "nguyền rủa" có chủ ý chứ không phải theo cách siêu nhiên như một số nhà Ai Cập cổ đại đưa ra.
Carter qua đời năm 1939 do đau tim sau thời gian dài chiến đấu với bệnh ung thư hạch Hodgkin (bệnh máu ác tính) ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Ngộ độc phóng xạ được cho là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư này.
Lord Carnarvon, một trong những người đàn ông cùng đi qua những căn phòng chứa đầy kho báu, đã chết vì nhiễm độc máu 5 tháng sau đó.
Ngay sau khi ngôi mộ được mở ra, sự cố mất điện ngắn hạn và tất cả đèn khắp Cairo đều tắt. Con trai của Carnarvon cũng kể lại rằng con chó của anh đã tru lên và bất ngờ lăn ra chết.
Những người khác tham gia cuộc khai quật đã qua đời vì ngạt thở, đột quỵ, tiểu đường, suy tim, viêm phổi, ngộ độc, sốt rét… - tất cả đều ở độ tuổi 50.
Nhà Ai Cập học người Anh Arthur Weigall (1880-1934) tham dự lễ khai mở lăng mộ vua Tutankhamun, nơi ông bị buộc tội kích động "lời nguyền". Weigall qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 54.
Nghiên cứu được công bố trên The Journal of Scientific Exploration (Tạp chí Khám phá Khoa học) giải thích rằng mức độ phóng xạ cao được ghi nhận trong lăng mộ cổ tại hai địa điểm ở Giza và trong một số ngôi mộ dưới lòng đất ở Saqqara. Kết luận tương tự cũng được tìm thấy trong lăng mộ Osiris ở Giza.
Fellowes lưu ý "độ phóng xạ cường độ cao có liên quan đến hai kho báu, đặc biệt là từ bên trong". Giáo sư Robert Temple cho rằng kho báu được cất trong hầm làm từ đá bazan, có nguồn bức xạ. Các nghiên cứu khác đã tiến hành đo trực tiếp khí radon (chất khí phóng xạ không màu, không mùi, không vị có nguồn gốc từ mặt đất) tại nhiều vị trí khác nhau trong các ngôi mộ ở Saqqara.
Khí radon là sản phẩm trung gian của quá trình phân rã uranium. Nồng độ radon xung quanh được xác định tại 6 địa điểm ở Saqqara gồm các lăng mộ phía nam, kim tự tháp Djoser và đường hầm lăng mộ Serapeum.
Hàng ngàn chiếc bình được khai quật dưới kim tự tháp Djoser vào những năm 1960 chứa tới 200 tấn chất chưa xác định cho thấy chất độc đã được chôn cùng với xác ướp.
Vào ngày 4.11.1922, nhóm của Carter đã tìm thấy những bậc thang dẫn đến lăng mộ Tutankhamun và dành vài tháng để lập danh mục phòng. Nhóm nghiên cứu đã mở phòng chôn cất và phát hiện chiếc quách vào tháng 2.1923.
Đây được coi là một trong những ngôi mộ xa hoa nhất được phát hiện trong lịch sử, chứa đầy những đồ vật quý giá để hỗ trợ vị Pharaoh trẻ tuổi trong chuyến hành trình sang thế giới bên kia. Kho báu bao gồm 5.000 hiện vật: vũ khí, quần áo giày tang lễ bằng vàng nguyên khối, tượng, đồ tạo tác...
Kích thước nhỏ của phòng chôn cất Tutankhamun, xét đến vị thế của ông trong lịch sử Ai Cập, đã khiến các chuyên gia bối rối trong nhiều năm. Carter và nhóm của ông đã mất 10 năm để thu hồi kho báu trong ngôi mộ.
Vị vua trẻ Tutankhamun là một Pharaoh Ai Cập thuộc triều đại thứ 18, trị vì từ năm 1332 đến năm 1323 trước Công nguyên. Ông là con trai của Akhenaten và lên ngôi khi mới 9 hoặc 10 tuổi. Khi trở thành vua, Tutankhamun kết hôn với em gái cùng cha khác mẹ của mình - Ankhesenpaaten.
Ông qua đời vào khoảng năm 18 tuổi và nguyên nhân cái chết vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, vị vua trẻ lại gặp nhiều vấn đề về sức khỏe do đồng huyết (cha mẹ ông là anh chị em).
Việc tái tạo lại khuôn mặt và cơ thể của Tutankhamun đã cho thế giới thấy cái nhìn thoáng qua về những căn bệnh mà vị vua trẻ phải chịu đựng.
Vua Tutankhamun có hàm răng khểnh, bàn chân khoèo và hông nữ tính, theo cuộc kiểm tra chi tiết nhất từ trước đến nay về hài cốt của Pharaoh Ai Cập cổ đại.
Các nhà nghiên cứu cho biết, thay vì trở thành một vị vua trẻ đam mê đua ngựa, Tutankhamun phải nhờ vào những chiếc gậy để đi lại trong thời gian cai trị của mình vào thế kỷ 14 trước Công nguyên.
Một "khám nghiệm tử thi ảo", bao gồm hơn 2.000 lần quét trên máy tính, được thực hiện song song với phân tích di truyền gia đình Tutankhamun, cho thấy cha mẹ ông là anh chị em. Các nhà khoa học tin rằng điều này khiến vua Tutankhamun bị suy giảm thể chất do mất cân bằng nội tiết tố.
Nhiều giai thoại khác cho rằng ông bị sát hại hoặc có liên quan đến một vụ tai nạn xe ngựa sau khi người ta tìm thấy những vết nứt ở hộp sọ và các bộ phận khác trong bộ xương của ông.
Nhưng gần đây, các nhà khoa học xác định vua Tutankhamun đã chết vì một căn bệnh di truyền. Một trong những vết gãy xương xảy ra trước khi ông qua đời và bàn chân bị tật của ông khiến việc đua xe ngựa không thể thực hiện được.
Hutan Ashrafian, giảng viên phẫu thuật tại Đại học Hoàng gia London, cho biết một số thành viên trong gia đình dường như đã mắc một số bệnh do mất cân bằng nội tiết tố.
Bằng chứng về những hạn chế về thể chất của vua Tutankhamun cũng được củng cố bằng 130 cây gậy chống đã qua sử dụng được tìm thấy trong lăng mộ của ông.
Bình luận (0)