'Giải mã' lúng liếng, trúc trắc… tiếng Việt

03/12/2021 07:00 GMT+7

Đã có nhiều tác phẩm nghiên cứu sâu về tiếng Việt nhưng với bộ sách mới Văn hóa Việt, nhìn từ tiếng Việt do NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành, tác giả Lê Minh Quốc đã khiến độc giả bất ngờ thú vị với những cách “giải mã” tiếng Việt độc đáo, rất riêng của nhà thơ.

Ăn mà lắm chuyện hay

Bộ sách Văn hóa Việt, nhìn từ tiếng Việt gồm 3 tập, mỗi phần tập trung vào 6 vấn đề như: Chơi chữ chanh chua chan chát chữ (bàn về ăn, ăn chơi), Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo (bàn về ăn nói, cười chơi), Dích dắc dặt dìu dư dí dỏm (bàn về ăn học, ăn ở).

Tục ngữ có câu Học ăn, học nói, học gói, học mở hay sau này người đời còn hay nói Con đường ngắn nhất đến trái tim người đàn ông là đi qua dạ dày nên trong văn hóa của người Việt, ẩm thực đóng vai trò rất quan trọng. Nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc với vốn sống thực tế và qua nhiều nguồn từ điển, tự vị đã dành nhiều trang sách viết về “chuyện ăn” dưới góc độ ngôn ngữ. Từ một câu trong Chinh phụ ngâm: Miệng hài nhi nhớ bữa mớm cơm, diễn tả cảnh đứa bé còn nhỏ được người mẹ cho ăn dặm, dùng từ “mớm”, tác giả phân tích: “Nhưng cũng từ mớm đó mà “mớm lời” thì lại là xúi cho kẻ khác nói lời mà mình muốn nói”. Tác giả cũng diễn giải nhiều từ ngữ khác quanh chuyện ăn uống: “Lúc bé lớn lên một chút, có thể dùng răng cửa nhấm thức ăn, gọi là “măm”. Một người mẹ bảo con: “Sắp đến giờ đi học rồi. Chần chừ mãi. Có lua nhanh đi không?”, ý muốn bảo con và cơm nhanh vào miệng, ăn cho mau. Thế nhưng, “lua láu” lại là ăn nói hỗn hào, cướp lời, chẳng khác gì nhảy vào miệng người đang nói. Lua nhanh, ăn vội còn gọi là “chèo”. Chèo này là mượn từ động tác Chẳng chèo thì thuyền chẳng đi/Thuyền thì đã nát ván thì long đanh, tức dùng “cây dài, cán tròn, lưỡi giẹp, bản to, quai trên cọc để nạy nước cho thuyền đi tới”, Việt Nam tự điển (1970) giải thích, muốn được thế thì phải chèo liên tục, liền tay, không ngơi nghỉ”. Hay có khi “săn” cũng hàm nghĩa là ăn, trong câu: Chồng người vác giáo săn beo/Chồng em vác đũa săn mèo khắp mâm.

Bộ sách Văn hóa Việt, nhìn từ tiếng Việt (NXB Tổng hợp TP.HCM)

Q.TRÂN

Dân gian có câu Ăn có mời, làm có khiến, nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc cho rằng: Ở Huế, các kiểu nhà quan, các gia đình danh gia vọng tộc, khi mời bậc trưởng thượng lại dùng từ “thời”. Hiểu như thế mới rõ nghĩa bài thơ Cái quạt của cụ Nguyễn Khoa Vy: Trong cơn nóng nực ai ai cũng/Thao thức, không thời đố ngủ yên. Với người Bắc, “thời” lại có nghĩa là vật dụng đan bằng tre để nhốt cua, cá. Có người chồng vừa lãnh lương, về nhà bảo với vợ: “Có xúng xính một ít tiền, chiều nay mình đổi bữa đi em”; hoặc chỉ cần nói ra quán; thậm chí Có xúng xính một ít tiền, chiều nay phở (hoặc món gì đó) đi em ắt hiểu là ăn mà lại ăn ngon, ăn tươi hơn mọi ngày, thay đổi khẩu vị cho ngon miệng”…

Một trong những câu ca dao hay nhất, xao xuyến nhất về công ơn của mẹ, theo nhà thơ là: Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương. Thế “cơm búng” là gì? Tác giả giải thích nhiều góc độ: Là “cơm nhai nhuyễn để mớm cho trẻ em khi chưa mọc răng hoặc chưa biết nhai” - Đại từ điển tiếng Việt (1999) giải thích búng còn dùng để chỉ định lượng, chứ không chỉ đề cập đến mỗi tính chất của một vật nào đó. Ông Huình Tịnh Của cho biết: “Cơm nhai một miếng cho vừa miệng con nít”. Có điều khi dùng để chỉ chất lỏng, nếu không dùng từ búng, thí dụ “một búng nước”, ta hoàn toàn có thể đổi qua “một ngụm nước”, tức sức chứa trong miệng đang ngậm lại. Tuy nhiên, búng còn nhiều hàm nghĩa khác, do không hiểu nên đã dẫn đến một số địa danh từ “búng” nhảy sang “bún”. “Chẳng hạn, rạch Búng Bò bị viết sai thành rạch Bún Bò (H.Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), Búng Xáng bị viết sai thành Bún Xáng (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ). Sông Sài Gòn, đoạn chảy ngang qua thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) cũng có chỗ phình rộng ra, gọi là búng nên chợ gần đó cũng gọi chợ Búng, nhưng có người không hiểu nên gọi/viết chợ Bún” (Lê Công Lý, Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam bộ, NXB ĐH Quốc gia - 2016, tr.1145)…

Về cách gọi tú tài, ông nghè

Từ câu vần vè tếu táo tồn tại ở miền Nam trước năm 1975: Rớt tú tài anh đi trung sĩ/Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con/Bao giờ xong nợ nước non/Anh về anh có Mỹ con, anh bồng buộc nhà nghiên cứu phải đi tìm câu trả lời cho thắc mắc tú tài xuất hiện từ lúc nào trong lịch sử thi cử nước Nam? Sách đã dẫn viết: “Rằng, từ đời nhà Nguyễn, dành cho những người thi đậu qua ba trường (trường nhất, trường nhì, trường ba), tương đương với Sinh đồ đời Lê. Suy ra câu thành ngữ Sinh đồ ba quan ra đời trong thời điểm này”.

Nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc và tác phẩm mới phát hành

NVCC

Tuy nhiên, ngoài cách gọi về tú tài vẫn có một số cách gọi khác dành cho sĩ tử ngày trước. Tập Dích dắc dặt dìu dư dí dỏm kể: “Trong thi ca trào phúng miền Nam, ở Vĩnh Long có nhà thơ Đỗ Minh Tâm được gọi Nhiêu Tâm. Vậy, nhiêu là gì, do đâu? Dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635) ở Đàng Trong, để tìm nhân tài, ngài cho mở những khoa thi tuyển gọi là Xuân thiên quận thí - chỉ diễn ra một ngày ở các trấn, quận - người thi đậu gọi là Nhiêu học, được miễn thuế 5 năm. Ông Đỗ Minh Tâm thi đậu và được gọi Nhiêu Tâm là vậy. Nhiêu, có nghĩa là miễn, trừ tạp dịch”.

Còn danh hiệu ông nghè thì sao và dù không đỗ tiến sĩ tại sao cũng gọi là nghè? Nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc trích dẫn từ Lược khảo về khoa cử Việt Nam của nhà thư mục học Trần Văn Giáp giải thích: “Bây giờ, ai viết chữ tốt được bổ làm bút thiếp ở Hàn lâm cũng gọi là cậu nghè, nghĩa là lấy tiếng công mà thay vào tiếng tư”. Vì vậy mà hiện nay tại TP.HCM có cầu Thị Nghè - do vợ của chánh thống Cai cơ Nguyễn Cửu Vân dựng nên. Dù không đậu tiến sĩ nhưng ông Vân vẫn được gọi nghè. Do đó, vợ của ông được “ăn theo” cách gọi bà nghè/thị nghè là vậy”.

Nhưng vì sao vẫn dùng từ nghè để chỉ tiến sĩ? Thì ra năm 1942, khi viết tập Bút nghiên, nhà văn Chu Thiên có giải thích: “Ở trong cung điện nhà vua, cái điện nào cũng có mái chạy dài ra hẳn quá sân, để che mưa che nắng cho các đại thần cao cấp. Các tiến sĩ vào Đình thí phải đứng ở đấy, tức là tiến lên vua rồi, cho nên gọi gộp là các ông nghè”. Còn Việt Nam tự điển (1931) cho biết từ nghè dùng để chỉ tiến sĩ xuất hiện từ thời nhà Lê. “Đọc lại Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, ta xác định chi tiết trên là đúng. Vì cũng theo Trần Văn Giáp: “Nghè tức là dinh thự dân phải làm như miếu, đền… Chỉ có ông tiến sĩ là được có nhà của dân làm cho mà dân đốc thúc, thế cho nên mới gọi là ông nghè. Phương ngôn hãy còn có câu: Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng - cách giải thích này hoàn toàn hợp lý”, tác giả Lê Minh Quốc đúc kết sau khi tìm hiểu về khoa Đông các mà Phạm Đình Hổ cho biết chi tiết quan trọng này trong Vũ trung tùy bút.

Ngoài ra, tác giả cũng còn đặt vấn đề “sốc” như tại sao Hà Nội đặt tên phố Lò Sũ, trong khi đó nếu viết đúng chính tả phải là Lò Xũ; hoặc phải nói “xôi kinh”, chứ không phải “nấu sử sôi kinh”… Càng đọc, càng thấy nhiều gợi mở mà tác giả cho biết rất lấy làm hoan hỉ nếu có thêm nhiều ý kiến tranh luận - nói như nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo, cũng là lúc chúng ta cùng tìm về “linh hồn tiếng Việt”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.