Nhắc đến kiến trúc đình làng cổ ở vùng Bắc bộ, dân gian ca tụng đình Đình Bảng được xếp thứ nhì về quy mô kiến trúc và vẻ đẹp toàn vùng Bắc bộ, chỉ sau đình Đông Khang. Thời kháng Pháp, đình Đông Khang đã bị phá hủy, đình làng Đình Bảng trở thành ngôi đình tiêu biểu, mang quy mô hàng đầu về kiến trúc và nghệ thuật trang trí, nổi bật là kỹ thuật chạm khắc gỗ dân gian.
Tương truyền, đình làng Đình Bảng mất đến 36 năm xây dựng mới hoàn thiện (1700 - 1736). Đây là quãng thời gian rất dài cho một công trình kiến trúc đình làng như Đình Bảng. Ngày xưa, việc xây dựng đình - chùa vào thời Lê Trung hưng, từ chuyện tay nghề thợ thủ công, đến những vị hưng công đóng góp việc xây dựng, cùng sự góp sức của dân làng, thợ thuyền quanh vùng… luôn được cả xã hội hết sức chú trọng, đề cao, được thực hiện trong thời gian ngắn nhất có thể chứ không kéo dài, dai dẳng như câu chuyện của đình Đình Bảng.
Dựa trên kiến trúc và những chi tiết trang trí ở đình làng Đình Bảng, có thể hiểu rõ ngay một trong những lý do chính, khiến đình mất nhiều năm mới hoàn thiện, chính là lối trang trí được thực hiện hết sức cầu kỳ, chi tiết, thông qua các mảng chạm khắc gỗ, phủ kín từ đầu bẩy hiên, rường, xà nách, vì nách, cửa võng… với đề tài đa dạng từ đường văn kỷ hà, vân mây, đến các linh thú như nghê, rồng, phượng, tùng, trúc, cúc, mai… Mỗi mảng chạm ở đình Đình Bảng thực sự là một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, đủ sánh mọi thời đại khác trong trang trí kiến trúc mỹ thuật Việt.
Trong số hơn 500 mảng chạm hình rồng và nhiều đề tài khác ở đình làng Đình Bảng, hai mảng chạm khắc giới thiệu trong bài, mang điểm chung là hình tượng nghê hóa rồng, được giới nghiên cứu định danh là long nghê, với râu bờm hóa lửa đầy sinh động. Dáng thế uyển chuyển, sống động của nghê ở hai mảng chạm này được khoác lên lớp vảy - một chi tiết dễ nhận trong trang trí hình tượng nghê thời Lê Trung hưng. Hình tượng nghê có mình vảy, nếu đứng đơn lẻ thường có dáng chân sau quỳ, hai chân trước thẳng, tư thế oai nghiêm, chầu, thờ. Nhưng trong cấu kiện kiến trúc, dáng thế ấy rất đa dạng, được người thợ chạm ứng biến tùy vào kích thước, vị trí, nghê ở đình Đình Bảng là một ví dụ.
|
Mảng chạm nghê trên vì nách, thể hiện hình tượng ba con long nghê đang đùa giỡn. Quan sát vào chi tiết, có thể thấy kỹ thuật xử lý hình khối và nối kết liền mạch trong chạm khắc, đạt đến ngưỡng thượng thừa. Ba con nghê, ba dáng thế khác nhau, biểu đạt chung niềm hoan hỉ, sum vầy, tươi vui. Cả ba đang thỏa chí nô đùa, vờn đuổi, tranh nhau bình hồ lô trông thật vui mắt, kéo theo là đường chạm của vân mây tạo tính thiêng hóa cho linh thú, và cũng khiến mảng chạm thêm uyển chuyển theo hình thể nghê đang biểu đạt. Ba con nghê bố cục hài hòa, từng nét chạm là một sự tính toán cẩn trọng, chi li, đẹp hoàn chỉnh trong cấu kiện kiến trúc trang trí.
Cũng là một mảng chạm nghê khác ở vì nách, nhưng ở đây nghê không còn đơn lẻ mà được sánh đôi cùng phượng hoàng. Hình tượng sánh đôi (cặp đôi) nghê - phượng hiếm gặp, ngoại trừ trên cột trụ biểu (nghi môn) các đình - chùa phổ biến ở Bắc bộ. Vai trò của “nghê chầu - phượng múa” thường gặp nơi nghi môn với vị thế nghê thường được bố trí thấp hơn phượng, ở mảng chạm này đã được hóa giải, nghê với phượng trở thành hai thành tố ngang bằng, tương xứng, hòa hợp.
Khuôn mặt của nghê và phượng được nghệ nhân sắp đặt nhìn về hai hướng, tạo bố cục cân đối, âm dương giao hòa. Ở góc độ liên tưởng, đó là chất đời, nghê - phượng ở đây như một gia đình nhỏ, với nghê con đang nấp sau nghê bố, xung quanh phượng có hai con thú nhỏ, tạo hình như con hồ ly rình mò… phượng xòe cánh, trấn giữ, che chở, xua đuổi kẻ thù. Chỉ vài chi tiết của mảng chạm đã đủ thể hiện tình cảm vợ chồng, tình thương yêu, sẵn sàng xả thân bao bọc con cái, hẳn đó cũng là những liên tưởng rất thật từ cuộc sống đời thường được chuyển tải lên mảng chạm trong trang trí đình làng, như một bài học về đời sống vợ chồng, gìn giữ hạnh phúc gia đình của người xưa.
Chỉ với hai mảng chạm, nhưng đẹp cả về ý nghĩa lẫn cách thể hiện, phần nào giúp hậu thế hiểu rõ hơn lý do tại sao đình làng Đình Bảng phải mất đến 36 năm mới hoàn thiện, và cũng thầm cảm phục tiền nhân đã để lại cho đời một tuyệt tác về trang trí kiến trúc, một di sản giá trị để cùng nhau chiêm ngưỡng, bảo tồn, trân trọng và nâng niu cho đến cả mai sau. (còn tiếp)
Bình luận (0)