Càng bất ngờ hơn nữa, hai việc làm ấy được thể hiện rõ mồn một nơi đình làng, thông qua mảng chạm đầy sinh động trên trang trí kiến trúc đình Diềm ở làng Viêm Xá, Bắc Ninh.
Ca dao xưa xếp đình Diềm vào hạng thứ 3, sau đình Đông Khang và đình Bảng qua câu lục bát: “Thứ nhất là đình Đông Khang, thứ nhì đình Bảng vẻ vang đình Diềm”, không chỉ bởi ở góc độ bề thế, mà đặc biệt từ lối đục chạm các mảng trang trí độc đáo, thể hiện qua các chi tiết kiến trúc mà tiêu biểu là cửa võng, với hình tượng rồng - mây - lửa thể hiện cực tinh xảo, được mệnh danh là độc nhất vô nhị trong trang trí kiến trúc đình làng Việt cổ.
Được xây dựng từ cuối thế kỷ 17, đình Diềm lập nên để thờ hai vị thánh nhân (Đức thánh Tam Giang) cũng là hai anh em Trương Hống, Trương Hát. Ở đất Kinh Bắc, đình Diềm là một trong những ngôi đình bề thế nhất vùng. Trong số nhiều mảng chạm của đình Diềm, với lối thể hiện tinh thần đầy vẻ vang, hưng vượng, ngôi đình cũng có những chi tiết, dù rất nhỏ, chẳng mấy nổi bật, nhưng được nghệ nhân xưa khi tác tạo, đã truyền tải vào các mảng chạm ấy những ẩn ý đầy thú vị, vượt hẳn ngưỡng trang trí thông thường của nghệ thuật điêu khắc dân gian, biểu đạt một ý nghĩa khác, thâm cay hơn với thời cuộc đương thời.
|
Mảng chạm đầu tiên kể đến, chính là cụm hình tượng người và ngựa. Với phía trước là người dắt ngựa, đứng trong tư thế đầy trang nghiêm, vẻ như đang chờ lệnh khởi hành hoặc đợi người lên ngựa. Nhưng dưới bụng ngựa lại có một cậu bé đang tinh nghịch, một tay đu bám, tay còn lại đang cố sức cầm nắm, mó vào chỗ nhạy cảm của ngựa.
Tục ngữ có câu “chớ mó dái ngựa”, bởi đây là một việc làm cực kỳ nguy hiểm, nhẹ thì sứt đầu bể trán, nặng là an nguy tính mạng, bởi một khi đã xâm phạm vùng cấm địa này, hẳn là tư thế trong bộ dạng lom dom đúng tầm chân ngựa đá. Chỉ một cước, với đầy đủ móng, ống vạm vỡ của ngựa, thì quả thật thân chủ đang thò tay mó chỗ hiểm ấy, hẳn là… toang.
Mảng chạm tích “mó dái ngựa” ở đình Diềm lại ngặt hơn ở chỗ, ngựa này hẳn phải của bậc công hầu khanh tướng gì đó, người đang dắt ngựa với áo mão cân đai, lại có thêm binh khí nhìn khá giống bảo kiếm của một binh tướng không phải dạng vừa. Ngựa có người hầu dắt đứng phía trước, chứng tỏ người đang lên ngựa càng ở bậc chức cao vọng trọng. Ấy thế mà cu con dám lom dom mó dái ngựa của đấng quân vương, thật dại dột không còn chi để tả. Nhìn mảng chạm, vừa buồn cười với tích truyện dân gian thú vị, lại vừa lo cho kẻ đang lòn bụng ngựa, lính canh phát hiện thì cu cậu toi đời, cộng thêm vài đòn cước của ngựa, thật đúng chỉ có cửa tử chứ bói mãi chưa thấy đâu cửa sinh.
Một chi tiết độc đáo khác cũng được nghệ nhân xưa thể hiện qua nghệ thuật điêu khắc ở đình Diềm, ấy là hình tượng người cưỡi rồng. Trong trang trí đình làng cổ ở thời Lê Trung hưng, thời Mạc, hình tượng rồng trở nên gần gũi, thân thương với con người, rồng được người cưỡi, người vui chơi với rồng… khá phổ biến. Hình tượng rồng vốn dĩ ở chốn hoàng cung, gắn liền với vua, hoàng triều, khi vào văn hóa và tín ngưỡng dân gian, trở nên bình dân, hòa đồng hơn với người thường. Nhưng táo bạo đến cỡ chơi với rồng rồi cướp cả châu rồng thì chỉ đình Diềm có.
Hình ảnh ở mảng chạm tả một người tay giơ cao, trong lòng tay có khối tròn. Đây có lẽ chính là trái châu - ngọc của rồng vừa bị… cướp mất. Trong hình tượng rồng, thường có các tích Rồng nhả ngọc - phun châu, Lưỡng long tranh châu, Long hàm châu… Chuyện rồng tranh châu thì dễ hiểu, nhưng người dám tranh châu với rồng, thật là chuyện hoang đường, ấy thế mà lại hiện hữu trong nghệ thuật dân gian.
Rồng hàm châu, như đang giữ vận mệnh của thiên tử, của quốc gia, không là món “đồ chơi” để dân đen ngẫu hứng, đùa vui, nắm râu rồng cướp trái châu đùa giỡn một cách hồn nhiên và vô tư đến thế. Hẳn mảng chạm này, chứa đựng nhiều ý niệm sâu xa của thời cuộc, khi mà tầng lớp trị vì tranh chấp quyền lực nội bộ, dân phẫn nộ, bất bình, và cách thể hiện những sâu cay ấy, thông qua các mảng chạm đình làng đầy thâm ý.
Cứ nhìn vào khuôn dạng, thần thái người cưỡi rồng, tay nắm râu, thấy ở đó sự bình tĩnh, chế ngự được rồng, tay giơ trái châu vẻ khẳng định rằng: Chuyện cướp châu từ miệng rồng dễ như bỡn. Cái tài tình, hấp dẫn, độc đáo trong nghệ thuật dân gian, chính là ở chỗ biến không thể thành có thể, như việc… mó dái ngựa, biến cao sang thành bình dân như đưa vị trí cõi trên của rồng hòa nhập vào sinh hoạt dân dã.
Đã qua gần bốn thế kỷ tồn tại, hai mảng chạm giới thiệu kể trên ở đình Diềm thực là một di sản giá trị. Qua đó, hậu thế có được cơ hội thỏa lòng chiêm ngưỡng tài nghệ và chiêm nghiệm dụ ý thú vị từ tiền nhân.
(còn tiếp)
Bình luận (0)