Một trong những nơi ấy là chùa Kuthodaw hay còn gọi là The World’s Biggest Book, ngôi chùa đặc biệt gồm những đền, chùa và có 729 tháp nhỏ bằng đá màu trắng, bên trong mỗi tháp có một phiến đá được khắc thủ công Tam Tạng kinh của Đức Phật bằng tiếng Pali. Chùa xây dựng năm 1857, việc khắc chữ phải mất 8 năm để hoàn thành. Giả định vui, nếu đọc miệt mài 8 tiếng mỗi ngày, du khách phải mất đến 450 ngày mới đọc xong hết các bia đá đó.
Lúc tôi đang thơ thẩn thì có một cô bé đến bên và hỏi tôi có muốn ngửi một mùi hương đặc biệt không? Tôi chưa trả lời thì cô bé ấy đến một cây và hái bỏ vào lòng bàn tay tôi những bông hoa bé tí xíu, nhẹ tênh, màu trắng, chính giữa hoa có một cái búp, bao quanh là cánh làm thành vòng tròn như hình răng cưa. Đúng mùi hương tôi gặp ở Bagan. Tôi đặt những bông hoa xuống ghế đá và chụp hình.
Quay trở lại Yangon, tôi mở máy hình hỏi anh tài xế taxi mới biết tên hoa là “star”. Anh ta bảo rằng mùi hoa này có ở khắp nơi.
Khi về nhà, tra Google tôi phát hiện nhiều thú vị. Logo của Asean năm 2014 ở Myanmar có hình vòng tròn hoa “star” quanh biểu tượng của Asean, với ý nghĩa sự liên kết của các “bánh răng” sẽ là động lực cho hòa bình, thịnh vượng và phát triển của khu vực. Nữ thần cao quý của hoa là mùi hương của nó, khiến gợi nhớ xa gần và ngay cả khi nó héo. Vì vậy, giống như khả năng phục hồi mùi hương, khả năng phục hồi của người dân ASEAN vẫn mạnh mẽ không chỉ trong thời gian hưởng thụ thành quả mà còn trong thời điểm gặp phải những thách thức.
Tôi tra tên thực vật của cây mới phát hiện đó là cây viết, hay còn gọi là sến xanh, sến cát, một loại cây đô thị, lấy bóng mát trồng nhiều ở các thành phố VN. Ấn tượng về nó với tôi chỉ là những trái nhỏ màu cam rất quen, chắc chắn tôi đã thấy nhiều lần trong đời. Ở Sài Gòn, tôi mất một buổi sáng chủ nhật chạy xe vào Q.5 để tìm cây viết. Có người chỉ cho tôi “chính hắn”, nhưng không ai biết hoa của nó thế nào!
Sẵn dịp về Nha Trang, tôi tìm gặp một chuyên gia về cây xanh đô thị. Là loại cây có dáng đẹp nhưng hay bị sâu đục thân nên thành phố đã thay một phần cây này, hiện còn rất ít. Tôi đến những con đường có cây viết theo chỉ dẫn. Hôm ấy trời mưa nhỏ nên hoa rụng nhiều xuống đất. Đúng là những cánh hoa bé tí mà cô bé ở chùa Kuthodaw đặt vào tay tôi và mùi hương của nó thì khó quên được. Tuy nhiên, khi tôi phỏng vấn năm người thì chỉ một phụ nữ bảo với tôi hoa có mùi thơm cả ngày lẫn đêm. Bốn người còn lại là nam giới ai cũng lắc đầu, không quan tâm đến hoa của nó. Có người nói, đã ăn trái rồi, vị chua chua, ngọt ngọt, hơi chát. Tôi lượm những bông hoa bé tí đưa và kêu ngửi thì họ mới “à” ra.
Điều thú vị nữa là khi chạy xe về gần đến nhà tôi phát hiện cách nhà mình khoảng 50 m có đến 3 cây viết. Tôi dừng xe lại lượm những bông hoa bé tí mang về phòng. Mùi hương quấn quýt, nắng vàng Bagan và những con đường ở Mandalay như lướt qua chậm.
Tôi bật cười nghĩ về hành trình “giải mã một mùi hương”. Đôi khi con người ta phải đi một quãng đường rất dài mới phát hiện ra điều thú vị đã có từ lâu, sát ngay bên cạnh mình!
Bình luận (0)