>> Giải mã những cột mốc chủ quyền - nhà giàn DK1 - Kỳ 1: ‘Không làm sẽ mang tội với con cháu’
|
Cùng lúc đó, hai nhà giàn DK1-3 và DK1-4 cũng được Bộ Giao thông vận tải xây dựng trên các bãi cạn Phúc Tần và Ba Kè.
Khảo sát Tư Chính
Đây được coi là bốn nhà giàn DK1 đầu tiên trên vùng biển Việt Nam ở biển Đông. Ý thức được vai trò quan trọng của các nhà giàn nên công tác xử lý nền móng được đặt lên hàng đầu để đảm bảo tính bền vững của nhà giàn trước các cơn bão lớn.
Các kỹ sư thiết kế của Viện Nghiên cứu khoa học và thiết kế của Vietsovpetro - NIPI, trên cơ sở các bản đồ hàng hải và mặt bằng khu vực Tư Chính đã tìm và xác định vị trí thích hợp cho công tác khảo sát sơ bộ khu vực dự kiến xây dựng các nhà giàn DK1.
|
Vietsovpetro cũng điều tàu Phú Quý tiếp cận bãi Tư Chính, đo đạc sơ bộ địa hình, bình đồ đáy biển khu vực các bãi ngầm, dựa trên cơ sở hướng bão, thủy triều và dòng chảy phác thảo, tính toán nhiều mô hình kết cấu nhà giàn sử dụng cọc thép, rồi đưa ra các biện pháp thi công ngoài biển với mục tiêu tiến độ phải nhanh, bí mật, đảm bảo chất lượng và an toàn công trình.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, Vietsovpetro đã kiến nghị thực hiện xây dựng hai nhà giàn theo hai giai đoạn:
Giai đoạn 1, xây nhà giàn Tư Chính DK1-A, đồng thời thực hiện khảo sát kỹ thuật khu bãi ngầm Tư Chính bao gồm đo đạc các thông số khí tượng hải văn và khoan địa chất công trình phục vụ xây dựng nhà giàn DK1-B
Giai đoạn 2, hiệu chỉnh thiết kế nền móng và hoàn thành xây dựng nhà giàn DK1-B ngay trong năm 1989.
Với bốn nhà giàn đầu tiên, Vietsovpetro sử dụng phương pháp đóng cọc thép vào san hô rồi đổ bê tông thành một khối với san hô.
Kế hoạch ứng phó tàu Trung Quốc
Theo ông Ngô Thường San, lúc này mọi kế hoạch xây dựng nhà giàn DK1 phía Việt Nam đều chủ động và được sự ủng hộ của từ phía Nga trong liên doanh Vietsovpetro.
|
Tuy nhiên, lúc này có một tình huống khó xử phát sinh là toàn bộ thuyền trưởng và máy trưởng các con tàu NPK-547, Sao Mai 01 được điều ra khu vực xây dựng nhà giàn đều do người Nga đảm nhiệm.
“Người Nga sang đây chỉ có nhiệm vụ hợp tác với Việt Nam khai thác dầu khí nên chúng tôi cũng lo lắng khi đưa họ ra khu vực xây dựng nhà giàn. Chưa kể kế hoạch xây dựng nhà giàn DK1 được giữ bí mật, mình có nên thông báo cho họ biết không?”, ông San kể.
Sau khi triệu tập cuộc họp kín với Ban Dự án DK1, đích thân ông San đã thông báo với ông Vovk - Tổng giám đốc Vietsovpetro thời đó - và đạt được nhất trí là nên thông báo cho các thuyền trưởng, máy trưởng người Nga.
Đồng thời Ban dự án DK1 cũng đưa ra các phương án đề phòng tình huống bất trắc xảy ra như:
Trang bị 10 xuồng cứu sinh cho tàu NPK-547, bố trí đầy đủ 100% phao cứu sinh cho các cán bộ chỉ huy và công nhân xây lắp, bộ đội, hải quân trên tàu, đề phòng các tình huống.
Bố trí loa phóng thanh ghi âm bằng tiếng Việt, tiếng Nga về mục đích dân sự khảo sát dầu khí để tuyên truyền khi tàu Trung Quốc gây hấn.
Cả ba con tàu ra xây dựng nhà giàn đều kéo cờ đỏ sao vàng Việt Nam khi thực hiện công tác xây dựng các nhà giàn DK1 ở vùng Tư Chính.
Trong trường hợp tàu Trung Quốc kéo đến gần và có hành động khiêu khích, sẽ kéo thêm cờ Nga trên tàu NPK-547 và phát loa phóng thanh tuyên truyền. Giao cho ban điều độ vận tải biển giữ liên lạc 24/24 với chỉ huy tàu NPK-547.
Hằng ngày, vào lúc 16 giờ, ê kíp xây dựng nhà giàn DK1 phải báo cáo trực tiếp về đất liền cho tổng chỉ huy Ngô Thường San để kịp thời chỉ đạo khi có tình huống phát sinh, khẩn cấp.
Tất cả được gút để đúng 10 giờ ngày 20.6.1989, “đội đặc nhiệm” xây dựng nhà giàn DK1 của Vietsovpetro khởi hành trong một ngày báo hiệu thời tiết đầy sóng gió.
Âm thầm ra đi
Đoàn công tác xây dựng nhà giàn DK1 gồm ba tàu là tàu NPK-547, Sao Mai 01 và tàu kéo Phú Quý mang theo 55 thành viên thủy thủ, kỹ sư và đội công nhân xây lắp.
|
Ông Nguyễn Trọng Nhưng làm trưởng đoàn kiêm chỉ huy trưởng ở thực địa. Ông Đặng Hữu Quý và ông Larionov làm phó chỉ huy trưởng. Phụ trách thi công là ông Trần Thanh Quang và phụ trách khảo sát là ông Lâm Quang Chiến.
Nhà giàn DK1 với bốn ống trụ bằng thép cao 35 m được chế tạo sẵn trên bờ, lắp thành ba khối trên mặt boong tàu NPK - 547.
Ông Ngô Thường San cho hay kế hoạch xây nhà giàn tuyệt đối bí mật nên tàu rời cảng khi công trường vắng người. Đích thân Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đào Đình Luyện và lãnh đạo Vietsovpetro có mặt ở cảng tiễn chân, dặn dò anh em.
“Có thể coi nhiệm vụ xây dựng nhà giàn lúc đó rất nguy hiểm. Thành viên trong đoàn ra đi hoàn toàn bí mật. Thậm chí một số thành viên trong đoàn không biết mình đang đi đâu, vì nhiệm vụ gì”, ông San kể.
Trực tiếp có mặt trên chuyến tàu đầu tiên, ông Đặng Hữu Quý cho biết buổi lễ tiễn đoàn ra đi diễn ra không ồn áo nhưng không kém phần trang nghiêm.
“Hôm đó trời có mưa và gió, chúng tôi lưu luyến và bịn rịn như tiễn những người thân mình ra trận và luôn chúc nhau thành công, chờ thắng lợi. Chúng tôi cũng không quên dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ tới các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng nơi biển đảo”, ông Quý nói.
Để đánh lạc hướng Trung Quốc, thuyền trưởng tàu NPK-547 thông báo sẽ đưa tàu sang Singapore sửa chữa nhưng khi ra khỏi lãnh hải Việt Nam lại lệnh cho tàu rẽ sang hướng Đông thẳng tiến như đã định trước.
Ông Nguyễn Trọng Nhưng cho hay lúc này vừa mới xảy ra sự kiện Gạc Ma nên tình hình biển Đông rất phức tạp. Trung Quốc có thể cho tàu quậy phá không cho Việt Nam xây dựng nhà giàn.
Về phía Việt Nam cũng có kế hoạch bảo vệ các tàu Vietsovpetro ra thi công. Mọi kế hoạch xây dựng nhà giàn đều được lên kế hoạch chi tiết ở bờ nhưng thực tế vẫn có nhiều nguy hiểm khó lường.
Ông Nhưng kể: “Lúc đó Bộ Quốc phòng yêu cầu việc thi công làm sao phải nhanh, gọn và đảm bảo an toàn. Phía liên doanh Vietsovpetro cũng yêu cầu làm sao đảm bảo tính mạng cho các kỹ sư, công nhân tham gia xây dựng nhà giàn”. (Còn tiếp)
Trung Hiếu
>> Trao 100 triệu đồng hỗ trợ con trai sĩ quan nhà giàn DK1
>> Giúp đỡ con trai sĩ quan nhà giàn DK1 bị trọng bệnh
>> Miễn viện phí cho con của y sĩ nhà giàn DK1-20
>> Nhắn tin ủng hộ chiến sĩ Trường Sa và nhà giàn DK1
>> Trao học bổng cho con em chiến sĩ Nhà giàn DK1
Bình luận (0)