Giải mã sắc màu ‘thần tiên’ của cực quang đang tràn khắp địa cầu

13/05/2024 10:07 GMT+7

Ba đêm liên tiếp kể từ 10.5, những quầng sáng ngập tràn màu sắc rực rỡ xuất hiện trên bầu trời đêm nhiều nước do bão mặt trời tiếp tục ập đến trái đất, khiến nhiều người thắc mắc điều gì tác động nên sắc màu của cực quang.

Cực quang trên bãi biển Jericho thuộc Vancouver, tỉnh bang British Columbia của Canada hôm 10.5.2024

Cực quang trên bãi biển Jericho thuộc Vancouver, tỉnh bang British Columbia của Canada hôm 10.5.2024

REUTERS

Trong quá trình thưởng lãm cực quang, bằng mắt thường hoặc với sự hỗ trợ của điện thoại di động, người dân các nước có thể thấy được nhiều dạng màu sắc khác nhau.

Thế nhưng, điều gì gây ra những sắc thái khác biệt của xanh lá, đỏ, xanh dương và tím? Báo The Hill dẫn lời giới chuyên gia cho biết sự thay đổi đó phụ thuộc vào thứ gì va đập với khí quyển và đối tượng tương tác trong quá trình này.

Rực rỡ Bắc cực quang bùng sáng do bão mặt trời

Cực quang được kích hoạt từ sự phun trào vành nhật hoa (CME) trên bề mặt mặt trời va chạm với trường địa từ của trái đất.

CME phóng thích vật chất điện từ và những hạt tích điện này cuối cùng tương tác với chất khí trong khí quyển địa cầu là oxygen và nitrogen. Năng lượng thừa tạo ra từ quá trình tương tác sẽ tạo nên sự bùng nổ ánh sáng mà con người chứng kiến là cực quang, theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

Cực quang màu đỏ ở Chile

Cực quang màu đỏ ở Chile

REUTERS

Sắc màu cực quang xuất hiện phụ thuộc vào dạng chất khí tương tác với hạt điện tích đến từ bão mặt trời.

Phía NASA giải thích màu cực quang phổ biến nhất là màu xanh lá, diễn ra khi các hạt điện tích tương tác với oxygen ở độ cao từ 120 đến 177 km. Nếu hạt điện tích tiếp xúc cả oxygen lẫn nitrogen, cực quang sẽ có màu xanh dương.

Quá trình tiếp xúc ở độ cao từ 96 km trở xuống sẽ tạo nên cực quang màu hồng. Ở độ cao trên 193 km, cực quang có màu đỏ.

Cũng giống như màu sơn vào thời điểm được pha trộn, khi các sắc màu hòa quyện nhau, cư dân địa cầu có thể thấy được màu tím, màu trắng và những sắc thái khác nhau của màu hồng.

Cực quang hồng, tím ở Mexico

Cực quang hồng, tím ở Mexico

REUTERS

Không phải lúc nào mắt thường cũng có thể thấy được cực quang. Trong trường hợp này, người dân các nước có thể sử dụng điện thoại di động ghi hình hiện tượng huyền ảo trên bầu trời đêm, theo ông Michael Bettwy, người quản lý hoạt động của Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian thuộc Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA).

Nếu dùng điện thoại di động, người dùng nên chuyển sang chế độ chụp ban đêm hoặc điều chỉnh độ phơi sáng của ống kính điện thoại nếu muốn chụp được ảnh cực quang. Có thể sử dụng thêm chân máy ảnh để ổn định điện thoại trong lúc ghi hình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.