Theo BBC, nhân vật với đôi mắt lồi lên được cho là xuất hiện trên WhatsApp, nhóm thảo luận trên Facebook, đã đặt ra những “thử thách” nguy hiểm cho trẻ em như làm hại chính mình.
Jim Waterson, biên tập viên truyền thông của tờ Guardian cho biết: “Tin tức về thách thức Momo đang khiến các trường học, cảnh sát địa phương cảnh báo về những rủi ro được cho là do thử thách Momo gây ra, từ đó tạo ra nhiều câu chuyện tin tức cảnh báo về thách thức này”.
“Momo” là gì?
Đầu tuần này, các phiên bản của câu chuyện Momo đã lan truyền trên mạng xã hội. Chúng đã thu hút hàng trăm ngàn lượt chia sẻ và dẫn đến các bài báo đăng câu chuyện. Theo đó, trẻ em được liên lạc trên WhatsApp bởi một tài khoản tự xưng là momo. Trẻ em được khuyến khích để cứu nhân vật và sau đó cần thực hiện các yêu cầu thử thách cũng như đảm bảo không nói với các thành viên khác trong gia đình họ.
Mặc dù trung tâm an toàn internet (Anh) cho biết đó là tin giả nhưng các bản sao không chính thức của phim hoạt hình như Peppa Pig đã được tải lên YouTube có đính kèm các cảnh quay “Momo” được chỉnh sửa và gây ra tác động tiêu cực cho trẻ em. Điều này đã làm cho nhiều phụ huynh lo lắng khi thấy hình ảnh liên quan đến Momo xuất hiện trên YouTube có thể gây hại cho con em mình.
Chia sẻ vấn đề nói trên, đại diện của Google cho biết: Thử thách Momo được đồn đại trên YouTube là không có thật và Google vẫn đang có hành động phòng ngừa để chặn nội dung này xuất hiện trên hệ thống, những nội dung như thế này vi phạm chính sách của chúng tôi và sẽ bị xóa khỏi YouTube ngay lập tức.
Hôm 27.2, cảnh sát Bắc Ireland đã tìm cách trấn an bậc phụ huynh về hình dáng búp bê với đôi mắt lồi khi cho biết đó thực sự là một bức ảnh của một tác phẩm điêu khắc từ công ty hiệu ứng đặc biệt Link Factory đến từ Nhật Bản. Theo trang web văn hóa đại chúng Know Your Meme, nhân vật này đầu tiên được chú ý vào năm 2016.
|
Mặc dù cảnh báo những hình ảnh có thể gây tác động xấu cho trẻ em nhưng trang web kiểm tra thực tế Snopes cho rằng câu chuyện về thách thức Momo đang bị cường điệu so với thực tế. “Chủ đề đã tạo ra những tin đồn rằng bản thân chúng có thể là nguyên nhân gây lo ngại đối với trẻ em”, David Mikkelson viết trên trang web.
Cảnh sát ở Anh đã không báo cáo bất kỳ trường hợp trẻ em nào tự làm hại mình do meme Momo gây ra, trong khi tổ chức từ thiện Samaritans cho biết họ không biết về bất kỳ bằng chứng xác minh nào ở đất nước này hoặc xa hơn liên kết các meme Momo với việc trẻ em tự làm hại mình.
Phụ huynh nên làm gì?
Sở cảnh sát Ireland đã cho biết trên Facebook, cha mẹ có thể sử dụng cơ hội để giáo dục trẻ em về an toàn trên internet, cũng như có một cuộc trò chuyện cởi mở về những gì trẻ em đang truy cập.
Phát thanh viên Andy Robertson, người tạo video trực tuyến với tư cách là Geek Dad, chia sẻ rằng cha mẹ không nên chia sẻ những cảnh báo gây ra và hoang đường hóa câu chuyện. Thay vào đó ông khuyến cáo các bậc cha mẹ nên tập trung tốt hơn vào những lời khuyên tích cực cho trẻ em, thiết lập công nghệ phù hợp và quan tâm đến các tương tác trực tuyến của chúng.
Trong khi đó, tờ Telegrap dẫn lại một số lời khuyên được cảnh sát Anh đưa ra để phụ huynh bảo vệ con mình trong môi trường trực tuyến:
- Phải đảm bảo biết được trẻ truy cập gì trên Internet.
- Đảm bảo cho trẻ biết được tầm quan trọng của thông tin cá nhân và không trao nó cho bất kỳ ai không quen biết.
- Hãy cho trẻ biết không ai có quyền yêu cầu chúng phải làm những điều mà chúng không muốn.
- Cài đặt và sử dụng các ứng dụng giám sát trẻ em trên smartphone và máy tính để giữ an toàn cho trẻ.
Bình luận (0)