Trong đề tài khoa học “Nghiên cứu, xác định thành phần dân tộc của người Tà Mun tại Tây Ninh” do Sở VH-TT-DL tỉnh Tây Ninh chủ trì đã xác định có sự di cư lớn đến tỉnh này vào khoảng những năm 1945 - 1954 của nhóm người Tà Mun trú ngụ ở sóc 5, xã Tân Hiệp, H.Bình Long (nay là H.Hớn Quản, Bình Phước). Hiện có gần 2.000 người sinh sống ở Tây Ninh và trên 1.000 người ở Bình Phước.
tin liên quan
Cô gái Việt Nam đầu tiên trong tu viện NepalĐang làm quản lý marketing cho một công ty tại TP.HCM, Trương Thị Hà Phương (28 tuổi) đột ngột quyết định sang Nepal học chương trình tiến sĩ kéo dài 9 năm trong tu viện Kanying Shedrub Ling, Kathmandu.
Theo con đường nhựa thẳng tắp từ UBND xã Thạnh Tân, TP.Tây Ninh (Tây Ninh), chúng tôi tìm đến ngôi làng tập trung trên 170 nhân khẩu là người Tà Mun sống xen lẫn giữa cộng đồng người Kinh.
|
Chỉ lưu truyền được tiếng nói
Một người Tà Mun dẫn chúng tôi đến quán tạp hóa nhỏ nằm ven đường của già làng Lâm Văn Xích (62 tuổi). Đã định cư tại Tây Ninh qua nửa thế kỷ nên khi hỏi về gốc gác, già làng rành mạch kể: “Từ nhỏ, tôi đã nghe ông bà nói về tổ tiên là những người Tà Mun ở Bình Phước di cư đến Tây Ninh. Ban đầu, người Tà Mun đến sống gần Tòa thánh Cao Đài và được ông Phạm Công Tắc (Giáo chủ đạo Cao Đài lúc bấy giờ) giúp dựng nhà, lập xóm. Sau đó, người Tà Mun tỏa ra nhiều nơi trong tỉnh, hình thành những xóm làng sống chen lẫn với người S'tiêng, Khmer và người Kinh. Trong quá trình sống hòa nhập giữa cộng đồng dân cư, họ chịu ảnh hưởng khá sâu sắc văn hóa đời sống của người Khmer nhưng luôn ý thức giữ gìn, bảo tồn những bản sắc riêng”.
|
Giữa trưa, bà Lâm Thị Thoi (65 tuổi, ngụ xã Thạnh Tân) vẫn chăm chỉ ngồi tách vỏ hạt điều trước mái hiên nhà. Gương mặt sạm đen mang nét đặc trưng của người dân tộc thiểu số. Bà Thoi chậm rãi nói: “Có người nói chúng tôi sử dụng tiếng của người Khmer, không phải vậy đâu. Tôi sống gần người Khmer và cả người Kinh nên tiếng nào cũng biết. Người Khmer nói thì người Tà Mun hiểu được hết nhưng lúc chúng tôi nói bằng tiếng của mình thì người Khmer không biết”.
Tiếp tục đến sóc 5, xã Tân Hiệp, H.Hớn Quản (Bình Phước) để tìm hiểu tộc người này còn sót lại nơi đây, ông Lâm Tăng (61 tuổi, Chủ tịch hội đồng già làng) cho biết hiện ở Bình Phước còn 234 hộ dân Tà Mun với 1.143 nhân khẩu (sinh sống chủ yếu tại địa bàn sóc 5, xã Tân Hiệp và tại ấp Bàu Lùng, Tân Lập, xã Tân Hiệp, H.Hớn Quản).
Ông Lâm Tăng cho biết: “Người Tà Mun ở Bình Phước chưa có chữ viết. Truyền thống văn hóa, lịch sử được truyền miệng từ đời này sang đời khác. Bây giờ chúng tôi vẫn sử dụng và truyền dạy cho con cháu tiếng của người Tà Mun. Còn đi ra ngoài mới nói tiếng Kinh để giao tiếp với người khác”.
Buộc chỉ ngày cưới
Theo già làng Lâm Văn Xích, hiện người Tà Mun vẫn còn lưu truyền lễ buộc chỉ ngày cưới cho đôi trai gái. Khi nghe con cái ưng thuận nhau thì hai bên gia đình sẽ nhờ mai mối. Ông mai bên nhà gái qua nhà trai xin dạm hỏi (vì người Tà Mun theo chế độ mẫu hệ). Lễ hỏi được tổ chức trang trọng bên nhà gái. Nhà trai chỉ đem quà bánh, gà vịt, tiền bạc để phụ lễ.
tin liên quan
Những phát hiện về Ai Cập cổ chấn động năm 2016Năm 2016, thế giới chứng kiến nhiều phát hiện mới trong lĩnh vực khảo cổ học tại Ai Cập, hé lộ những bí ẩn chưa từng được khám phá trong suốt nhiều ngàn năm qua.
Trong lễ này, họ làm một cái cây dài khoảng 1 m, phía đầu trên có gắn một lưỡi dao, còn đầu kia cắm xuống đất. Dưới sự chứng kiến của hai bên, đôi trai gái cùng quỳ xuống và chắp tay hai bên đoạn cây để thề một lòng chung thủy. Sau đó lần lượt những người thân trong gia đình hai bên sẽ cột chỉ vào tay cho cô dâu và chú rể (nhà gái cột chỉ cho con rể, nhà trai cột chỉ cho con dâu).
Lý giải về tục này, già làng Lâm Văn Xích cho biết: “Tục cột chỉ vào tay vừa có ý nghĩa ban phước lành vừa có ý nghĩa là những sợi tơ tình buộc chặt, se duyên họ với nhau cùng xây dựng gia đình hạnh phúc”. Thế nhưng, già làng lại trăn trở: “Nhưng khoảng 3 - 4 năm gần đây phần lớn người Tà Mun bỏ hẳn truyền thống này. Tôi lo thời gian tới nhiều trẻ con ở làng này sẽ không còn biết tập tục này nữa”.
Hiện người Tà Mun ở Tây Ninh vẫn duy trì tục cúng ông Tà, cầu mưa thuận gió hòa, mạnh khỏe để làm ăn, sinh sống. Họ thường đóng góp công sức, tiền của xây cất miếu thờ dưới gốc cây cổ thụ (cây đa) trong làng để cúng ông Tà. Lễ cúng diễn ra vào ngày 16.11 âm lịch hằng năm nhằm tạ ơn vị thần bảo hộ đất đai phù hộ, trúng mùa. Vào ngày này, tất cả người lớn, trẻ nhỏ trong làng nhà nào có gì ngon thì mang ra cúng (gà luộc, trứng luộc...) để cầu xin thần Tà phù hộ. Còn theo ông Lâm Tăng, người Tà Mun có 3 lễ chính trong năm gồm: lễ hội xuống giống (16.5 âm lịch), lễ “um co” (30.8 đến 1.9 âm lịch là tết của người Tà Mun) và lễ mừng thu hoạch mùa bội thu (16.11 âm lịch) như là một sự trả ơn cho thần linh. Lễ hội xuống giống người Tà Mun chuẩn bị gà, xôi, rượu mang tới miếu bà trong sóc để cúng. Nội dung là cầu mưa thuận gió hòa, cúng rước mưa về cho đất đai tốt tươi. Lễ “um co”, người Tà Mun ăn tết 3 ngày, cũng gói bánh tét, làm gà… Người Tà Mun thờ đa thần, thờ cúng ông bà tổ tiên, thờ trời, các thần rừng, thần rẫy, thần đất…
Theo ông Võ Hòa Minh, Trưởng phòng Di sản văn hóa (Sở VH-TT-DL tỉnh Tây Ninh), việc tìm lại cội nguồn dân tộc là nguyện vọng chính đáng của bà con Tà Mun. Do đó, nếu không sớm được bảo tồn thì tiếng nói, phong tục tập quán của người Tà Mun sẽ bị mai một do quá trình hòa nhập với các dân tộc khác. Đến khi đó, dù có muốn xác định thành phần dân tộc của người Tà Mun cũng khó khăn hơn nhiều”. (G.P)
|
Ông Lâm Tăng cho biết trong giấy chứng nhận sắc tộc trước kia mà đồng bào Tà Mun còn giữ lại, công nhận “sắc dân Tà Mun” là “đồng bào Thượng miền Nam”. Sau năm 1975, trong CMND của người Tà Mun vẫn được ghi là dân tộc Tà Mun. Sau này do không có tên trong danh mục thành phần dân tộc VN nên người Tà Mun được xếp vào nhóm dân tộc có quan hệ gần gũi về văn hóa, ngôn ngữ trên địa bàn là dân tộc S'tiêng và Khmer. Tuy nhiên, bà con người Tà Mun đến nay luôn khẳng định mình là người Tà Mun chứ không phải dân tộc nào khác.
|
Bình luận (0)