Bia Chăm còn nguyên vẹn tại tháp G - Mỹ Sơn - Ảnh: H.X.H |
Tìm di chỉ dưới sông
Giữa tháng 7.2014, nhóm các nhà nghiên cứu Việt Nam khảo sát vết tích văn hóa Chăm ở các làng Quảng Nam đã cất công đi tìm minh văn (chữ khắc trên vách đá) Thạch Bích tại Hòn Kẽm Đá Dừng (xã Quế Lâm, H.Nông Sơn). Niên đại từ thế kỷ 7 và từng được các nhà nghiên cứu Pháp ghi nhận từ đầu thế kỷ 20, minh văn này vỏn vẹn 2 dòng chữ. Gành đá nơi khắc những chữ ngoằn ngoèo như lá bùa được người dân địa phương đặt tên là gành Đá Bùa.
Lần ấy, nhóm nghiên cứu thuê người dân đánh cá chỉ dẫn, nhưng lui tới mấy lần vẫn không phát hiện. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ kể rằng, đến khi vài anh em men theo vách đá, dò dưới nước mới tìm thấy. Bia này lưu giữ dòng chữ: “Sri Prakacadharma, vị vua khải hoàn của Chămpa, chủ nhân của vùng đất, (...) đã đặt đền thờ thần Amres (Siva)”. Qua thời gian, di chỉ này bị nước nhấn chìm khoảng 15cm; tọa độ cũng xê dịch chút ít so với ghi nhận từ năm 1911 của các nhà nghiên cứu Pháp. Các cán bộ bảo tồn ít tuổi nghề không dễ tiếp cận minh văn Thạch Bích, bởi, hầu như những khảo tả, nghiên cứu trước đó đều là tài liệu chưa chuyển ngữ, nên cơ hội tiếp cận giá trị văn bia Chăm của cộng đồng bị hạn chế...
Được biết, phần dịch nghĩa tiếng Việt minh văn Thạch Bích mới được giới thiệu qua cuốn Văn bia Chăm ở miền Trung do Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam (TTQLDI-DT QN) thực hiện, phát hành trong tháng 9. Đây là một trong rất nhiều tư liệu được cán bộ trung tâm chuyển ngữ từ công trình của nhà nghiên cứu Karl-Heinz Golzio (in bằng tiếng Anh năm 2004). Mà Karl-Heinz Golzio cũng dựa trên các ấn bản nghiên cứu của Abel Bergaigne, Étienne Aymonier, Louis Finot, Édouard Huber và công trình nghiên cứu của R.C Majumdar... để dịch thuật, tổng hợp, trình bày mới mẻ với sự điều chỉnh nhỏ về nội dung, niên đại.
Sử liệu trên bia
Cuối năm 2012, cuốn “Văn khắc Chămpa tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng” đã hoàn tất và trao cho Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, công trình do GS-TS Arlo Griffiths cùng các chuyên gia về chữ Sanskrit, chữ Chăm của trường Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) thực hiện trong suốt 3 năm. Tại Quảng Nam, trừ những văn bia Chăm Mỹ Sơn, Đồng Dương được dịch thuật, còn lại hầu như không phổ biến. Đây là lý do để tài liệu văn bia Chăm trải dài từ Quảng Bình đến Ninh Thuận được “khai quật” lại.
Nhu cầu của công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Chăm khiến công tác dịch thuật, xuất bản trở nên cấp thiết. Với thánh địa Mỹ Sơn và Phật viện Đồng Dương, Quảng Nam được xem là địa bàn trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm. “Người Chăm không có truyền thống viết sử. Vị vua nào lên ngôi, từ năm nào, vương triều kéo dài bao lâu... đều chép rõ trong bia” - ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc TTQLDI-DT QN, phân tích.
Rất nhiều thông tin thú vị từ văn bia Chăm miền Trung được “tìm thấy” trong tài liệu dịch thuật mới. Như bia ký Hòa My (trên đá tảng bị vỡ) ở Quảng Nam niên đại thế kỷ 12, ghi lại chiến công của vua Harivarman chống lại quân Kh’mer. Bia ký trên khối đá Po Klaun Garai (Ninh Thuận) lập ngày 31.5.1050 nhắc chuyện vua Chăm từng đánh bại một cuộc nổi dậy ở Panduranga (Phan Rang) và dựng cột cờ chiến thắng năm 792. Rùng rợn hơn, bia ký tháp Po-Nagar (ở Nha Trang) của vua Indravarman 4 niên đại thế kỷ 13 ghi lại vụ hiến tế 3 đứa trẻ, có thể là hình phạt đối với một người tên là Pady do có phát ngôn sai trái...
Hứa Xuyên Huỳnh
Bình luận (0)