Giải mật: Tây Đức từng chuẩn bị chiến tranh hóa học chống Liên Xô

04/05/2018 10:33 GMT+7

Tây Đức yêu cầu Mỹ cung cấp 14.000 tấn hóa chất để sẵn sàng đối phó nếu xảy ra chiến tranh với Liên Xô.

Theo Đài RT, quân đội Tây Đức vào năm 1964 đề xuất kế hoạch tấn công bằng vũ khí hóa học nhằm vào Liên Xô và đồng minh trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Thông tin này lần đầu tiên được công bố sau khi các tài liệu về Chiến tranh lạnh được giải mật. Theo đó, Tây Đức cho rằng vũ khí hủy diệt hàng loạt này là đòn răn đe hiệu quả và rẻ tiền hơn vũ khí hạt nhân.
Tài liệu tối mật năm 1964 có chủ đề về kế hoạch chiến tranh nguyên tử, sinh học và hóa học, phân tích vì sao vũ khí hóa học cần được trang bị cho đạn pháo và chiến đấu cơ.
Theo đó, lực lượng thuộc khối Warsaw sẽ có thể dễ dàng đè bẹp NATO. Khối Warsaw thành lập theo hiệp ước năm 1955 giữa 8 nước gồm Liên Xô, Albania, Balan, Bulgaria, Đông Đức, Hungary, Romania và Tiệp Khắc.
“Lỗ hổng trong khả năng chuẩn bị sẵn sàng [chiến đấu] cũng như việc thiếu khả năng răn đe có thể khiến kẻ thù trang bị các vũ khí đối phó”, tài liệu viết.
Đáng chú ý, khi đó Tây Đức cấm sản xuất và sử dụng vũ khí hóa học theo các thỏa thuận quốc tế.
Một số tài liệu khác cho thấy quân đội Tây Đức đề nghị Mỹ cung cấp 14.000 tấn hóa chất. Vũ khí hóa học được nước này ưu tiên hơn so với vũ khí hạt nhân.
Lầu Năm Góc ban đầu ủng hộ kế hoạch nhằm trang bị và huấn luyện Tây Đức về vũ khí sinh học và hóa học. Tuy nhiên, sau đó kế hoạch bị tạm gác do lo ngại từ phía Bộ Ngoại giao.
“Đó là chuyện rất nghiêm trọng và gây rắc rối chính trị vô cùng lớn”, ông Matthew Meselson, chuyên gia vũ khí hóa học và là cố vấn cấp cao tại Nhà Trắng khi đó nói.
Trước tiết lộ mới, Bộ Quốc phòng Đức cho hay không có thông tin gì về các kế hoạch vì thời gian trôi qua đã lâu, đồng thời khẳng định ngày nay nước này cũng như các thành viên NATO khác đều không sở hữu sử dụng vũ khí hóa học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.