Những ngày cuối tháng 9.2023, nhiều hộ dân trên đường Dương Quảng Hàm (Q.Gò Vấp) đồng loạt tháo dỡ nhà cửa, kiến trúc để bàn giao mặt bằng. Đường Dương Quảng Hàm hiện nhỏ hẹp, nhiều đoạn chỉ đủ cho ô tô đi qua. Nhưng sắp tới, đoạn từ Q.Bình Thạnh đến công viên văn hóa Gò Vấp sẽ được mở rộng lên 32 m, mỗi bên 3 làn xe, vỉa hè rộng 4,5 m cùng cây xanh, đèn chiếu sáng.
Điểm sáng
Để mở rộng, chính quyền Q.Gò Vấp phải thu hồi đất của 425 hộ dân, tổ chức. Anh Nguyễn Công Lâm (ngụ P.5, Q.Gò Vấp), có nhà mặt tiền đường Dương Quảng Hàm bị thu hồi hơn 40 m2, nói bản thân sẵn sàng bàn giao mặt bằng để mở rộng con đường trước nhà. Sau khi thu hồi, nhà anh Lâm còn gần 60 m2.
Không những bàn giao sớm, anh Lâm còn vận động các hộ xung quanh sớm bàn giao mặt bằng. "Mong muốn của mình là đường phố thông thoáng, sạch đẹp để mỗi khi mở cửa ra là thấy đường rộng. Ước mơ này hơn 20 năm rồi", anh Lâm chia sẻ.
Người đàn ông này vẽ ra một lộ trình trong mơ với con đường rộng thênh thang kéo dài từ đường Lương Ngọc Quyến (Q.Bình Thạnh) đến đường Nguyễn Văn Lượng, đoạn phía trước công viên văn hóa Gò Vấp. Có đường rộng, người dân không phải chen chúc trên đường Phan Văn Trị vào giờ cao điểm, vốn là tuyến đường huyết mạch từ trung tâm về Q.Gò Vấp, Q.12.
Ông Đỗ Anh Khang, Phó chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, cho biết công tác chi trả tiền bồi thường bắt đầu từ ngày 24.7, nhưng chỉ sau một tháng đã đạt 70% kế hoạch. Để có kết quả đó, ông Khang cho biết do công tác chuẩn bị tốt, nhất là hồ sơ pháp lý để khi người dân thắc mắc thì giải thích ngay. Mặt khác, Q.Gò Vấp cũng nghiên cứu chính sách bồi thường, tái định cư tốt nhất để đề xuất UBND TP.HCM phê duyệt. Cụ thể, giá bồi thường của dự án tiếp cận thị trường, đất ở mặt tiền đường có giá trung bình 85 triệu đồng/m2. Còn về tái định cư, quận đang báo cáo TP xem xét bố trí nền đất cho các hộ dân bị giải tỏa trắng.
Phó chủ tịch Q.Gò Vấp cũng cho biết công tác triển khai của dự án này bài bản hơn trước. Quận lập ban chỉ đạo do Bí thư Quận ủy là trưởng ban, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng ban, đơn vị trong hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, quận cũng nhận được sự ủng hộ của Giáo xứ Bến Cát vì đã vận dụng các chính sách bồi thường tốt nhất có thể. Để ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của địa phương, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã gửi thư khen Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Q.Gò Vấp.
Bộ GTVT tìm cách giải ngân 46.000 tỉ đồng trong 5 tháng cuối năm
Trên nóng dưới lạnh
Dự án bồi thường đường Dương Quảng Hàm ở Q.Gò Vấp là điểm sáng ít ỏi trong bức tranh giải ngân vốn đầu tư công tại TP.HCM.
Chỉ riêng vốn bồi thường giải phóng mặt bằng, năm nay TP.HCM cần giải ngân trên 27.000 tỉ đồng đối với 153 dự án, và là khối lượng lớn nhất trong lịch sử công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của TP.HCM. Sau 4 tháng đầu năm, toàn thành phố giải ngân chưa tới 500 tỉ đồng, Sở TN-MT đã cảnh báo việc giải ngân vốn bồi thường sẽ không đạt kế hoạch nếu lãnh đạo các địa phương tiếp tục "hờ hững".
Dù vậy, đến cuối tháng 8.2023, TP.HCM chỉ giải ngân trên 6.300 tỉ đồng, đạt hơn 35% kế hoạch. Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết chỉ hai dự án đường Vành đai 3 và đường Dương Quảng Hàm (Q.Gò Vấp) có tỷ lệ giải ngân cao, còn lại đa phần ở mức trung bình, trong đó có 25 dự án giải ngân rất thấp.
Không chỉ vốn bồi thường giải ngân chậm, mà cả dự án xây lắp cũng ì ạch, đặc biệt là 4 ban quản lý dự án lớn của TP.HCM (Giao thông, Đường sắt đô thị, Hạ tầng và Dân dụng công nghiệp) chiếm 70% vốn đầu tư công của năm 2023. Tính chung giải ngân đầu tư công đến ngày 25.8, TP.HCM mới giải ngân 19.282 tỉ đồng, đạt 28% so với kế hoạch thực giao là 68.490 tỉ đồng.
So với cùng kỳ tháng 8 năm ngoái chỉ giải ngân được hơn 9.000 tỉ đồng, tương đương 23% thì khối lượng và tỷ lệ giải ngân năm nay của TP.HCM đều cao hơn, nhưng so với mục tiêu đề ra thì không đạt. Cụ thể, TP.HCM đặt mục tiêu đến hết quý 2/2023 giải ngân 35%, hết quý 3 đạt 58%, hết quý 4 đạt 91% và đến hết tháng 1.2024 (niên độ thống kê giải ngân) sẽ đạt ít nhất 95%. TP.HCM hiện thuộc nhóm địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp trong số 63 tỉnh thành cả nước.
Trong khi đó, UBND TP.HCM đã ban hành chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM thành lập 13 tổ công tác giám sát, đôn đốc tiến độ 38 dự án trọng điểm với tổng vốn 49.600 tỉ đồng. HĐND TP cũng lập đoàn giám sát chuyên đề về đầu tư công, khảo sát thực tế nhiều dự án lớn và làm việc với chủ đầu tư, địa phương quản lý để cùng tháo gỡ.
Lời giải nào cho 4 tháng cuối năm ?
Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết vừa qua đơn vị đã trực tiếp đi xuống từng địa phương, cùng chủ tịch UBND quận, huyện tháo gỡ vướng mắc của công tác bồi thường vì tất cả hồ sơ lập phương án bồi thường đều do địa phương thực hiện.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá việc phải giải ngân hơn 49.000 tỉ đồng trong 4 tháng cuối năm là khối lượng rất lớn, nhiệm vụ rất nặng nề và phải rất tập trung mới đạt 95% như chỉ đạo của Thủ tướng. "Đầu năm đã thành lập 13 tổ kiểm tra, giờ vẫn chậm nên tiếp tục ban hành văn bản đôn đốc cấp ủy", ông Mãi cho biết.
Nêu định hướng giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, lãnh đạo TP.HCM phân tích trách nhiệm không chỉ của chính quyền địa phương mà còn sở ngành, hội đồng thẩm định giá đất. Hiện thời gian thực hiện các bước phải mất 1 tháng, nhưng ông Phan Văn Mãi yêu cầu Sở TN-MT, Sở Tài chính, Văn phòng UBND TP.HCM phải sát sao hơn nữa để một tuần là có thể ban hành để quận, huyện bồi thường.
Đối với các chủ đầu tư, người đứng đầu chính quyền TP.HCM đề nghị phải bám sát từng dự án, phối hợp các sở ngành để có mặt bằng thi công. "Các ban quản lý lớn phải quyết liệt, đảm bảo cuối năm đạt 95%. Các ban này về đích thì cơ bản TP về đích", ông Phan Văn Mãi nhận định.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 5.9
Siết trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị
Cũng như năm 2022, năm nay TP.HCM quyết định lấy tiêu chí giải ngân vốn đầu tư công để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người đứng đầu các chủ đầu tư. Nếu kết quả giải ngân dưới 90% do lỗi chủ quan thì không xét thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với người đứng đầu, chủ đầu tư dự án liên quan. Hồi tháng 4.2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phê bình 25 đơn vị chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp vốn đầu tư công trong quý 1/2023. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vẫn còn chậm.
Bình luận (0)