Giải ngân mạnh vào các dự án đầu tư công làm lực đẩy kinh tế

14/03/2020 12:17 GMT+7

Đó là một trong 2 ý kiến của ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (Tập đoàn TTC) trong giai đoạn kinh tế hiện nay nhằm hỗ trợ nền kinh tế do những ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công

Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công

Tổ chức y tế Thế giới giới (WHO) và các tổ chức, cơ quan quốc tế khác đều đánh giá Chính phủ Việt Nam đã có các giải pháp kịp thời và quyết liệt trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Công tác chỉ đạo, tổ chức, triển khai, giám sát phòng chống dịch chuyên nghiệp, giảm thiểu các tác hại từ dịch Covid-19 đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo “Vừa chống dịch thành công, vừa giữ vững kinh tế”. Quả thực, kinh tế là mặt trận xuyên suốt để tạo nền tảng bền vững cho các mặt trận khác, kể cả công tác an sinh xã hội nói chung, và chống dịch nói riêng.
Từ góc nhìn một doanh nhân, ông Đặng Văn Thành cho rằng trong giai đoạn này cần ưu tiên đẩy mạnh việc giải ngân vào các dự án đầu tư công để làm lực đẩy cho nền kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công chậm trong vài năm trở lại đây có thể tác động đến phát triển kinh tế tương lai, do hạ tầng chưa được đầu tư mạnh. Việt Nam chỉ vừa mới gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, vẫn phải đảm bảo các động lực tăng trưởng, trong đó hạ tầng chất lượng cao là rất quan trọng. Các dự án đầu tư công cần triển khai nhanh, đảm bảo đem lại lợi ích như dự kiến. Giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng năm 2019 trên cả nước hơn 270.209 tỉ đồng, chỉ đạt 62,94% so với kế hoạch Quốc hội giao và 67,46% kế hoạch Chính phủ giao. Giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2020 theo chỉ định của Thủ tướng là 470.850 tỉ đồng, cho đến hết tháng 2 chỉ 34.749 tỉ đồng, tương ứng 7,38% kế hoạch năm. Điều này đòi hỏi áp lực giải phóng nguồn vốn công để đạt kế hoạch trong 10 tháng kế tiếp. Song song với việc kiểm soát dịch bệnh, tạo động lực để thúc đẩy nhịp độ phát triển kinh tế không bị gián đoạn, luôn trong guồng quay tích cực là vô cùng cần thiết.

Không ép các cá nhân và doanh nghiệp bù margin

Ngoài ra, khi thị trường chứng khoán đang ở trong tình trạng tụt dốc, nên có định hướng và chỉ đạo các công ty chứng khoán không nên ép cá nhân và doanh nghiệp bù margin. Tính đến cuối 2019, tổng dư nợ cho vay margin của các CTCK đạt 57.961 tỉ đồng tăng khoảng 15% so với năm 2018. Tại cuộc họp của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với các công ty chứng khoán mới được tổ chức gần đây, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất nới thời gian đáo hạn hợp đồng margin từ mức 3 tháng như hiện nay lên 6 tháng hoặc 9 tháng để nhà đầu tư yên tâm hơn khi nắm giữ cổ phiếu. Ngoài ra sẽ xem xét cấp margin cho sàn giao dịch UPCOM để thu hút vốn đầu tư.
Dưới ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh các cổ phiếu (CP) trên thị trường giảm sâu, gây thiệt hại rất lớn cho các nhà đầu tư và dự kiến sẽ kéo dài. Các công ty chứng khoán (CTCK) hiện đang hạ lãi suất cho vay margin để đồng hành cùng nhà đầu tư như CTCK SSI đã “tung” ra gói margin 2.000 tỉ đồng lãi suất 9%; Công ty chứng khoán AIS giảm lãi suất vay margin xuống chỉ còn từ 9%/năm (giảm 0,5%); CTCK Mirae Asset Việt Nam cũng vừa thông báo triển khai chương trình ưu đãi lãi suất vay margin chỉ từ 9,5 - 9,9%/năm nhằm hỗ trợ nhà đầu tư trước những diễn biến khó lường của thị trường chứng khoán do bùng phát dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Thành vẫn cần phải có giải pháp tăng cường mang tính chất thiết thực hơn nữa… đó là không ép các cá nhân và doanh nghiệp bù margin, vì thị trường giảm sốc ngoài mong muốn, nếu các công ty chứng khoán xả cổ phiếu của nhà đầu tư ra thị trường - trong khi lực cầu không có, sẽ càng khiến thị trường thêm xấu. Và khó khăn hiện nay chỉ là cục bộ, với các giải pháp phòng chống dịch quyết liệt, tất cả mọi quỹ đạo đang được kỳ vọng đưa về trạng thái ổn định, và điều này cần sự chung sức từ tất cả các phía.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.