Giải những bài toán khó ngành GTVT

22/10/2022 06:48 GMT+7

Là một trong số các ngành nhận được sự quan tâm chú ý đặc biệt của dư luận, ghế Bộ trưởng GTVT chưa bao giờ hết 'nóng'.

Người tiền nhiệm của tân Bộ trưởng khi nhậm chức là phải phá thế “đóng băng” của ngành giao thông qua 3 - 4 năm không một dự án lớn nào được triển khai, sau hàng loạt bê bối về BOT và xử lý cán bộ. Thực tế, ông Nguyễn Văn Thể đã làm được việc này, đặc biệt là triển khai được 11 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, khởi công Cảng hàng không quốc tế Long Thành...

Dù vậy, đây cũng là vị Bộ trưởng GTVT đầu tiên xin thôi chức khi còn đương nhiệm. Còn nhớ tại phiên chất vấn tại kỳ họp QH tháng 6.2022, ông Thể khi đó đã tâm tư: “Hiện nay, đối với ngành giao thông, chúng tôi nghĩ rằng không ai dám làm sai, tôi xin khẳng định trước QH như vậy. Thậm chí, ký tá phải rất cân đong, đo đếm để làm sao đúng quy định của pháp luật”.

Tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng có thể xem là dân “ngoại đạo” với ngành giao thông khi có tới 22 năm làm trong lĩnh vực ngân hàng, sau đó về địa phương làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên. Dù không có nhiều kinh nghiệm thực tiễn với ngành GTVT, song ông Thắng được nhiều người đánh giá cao vì sức trẻ (sinh năm 1973), sự nhanh nhạy và quyết đoán. Một điểm nữa có thể xem là lợi thế là bộ máy hỗ trợ có nhiều thứ trưởng mới được bổ nhiệm nhưng đã trưởng thành và gắn bó với ngành giao thông như ông Nguyễn Duy Lâm, ông Nguyễn Danh Huy; cùng các thứ trưởng dày dạn kinh nghiệm khác.

Tuy nhiên, sức ép với tân Bộ trưởng Bộ GTVT vẫn rất lớn khi phải tiếp tục các công việc khó khăn còn dang dở. Trong số đó, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 (2021 - 2025), hiện các thủ tục chuẩn bị đang ở giai đoạn nước rút để khởi công vào cuối năm nay. Tuy nhiên, với tổng mức đầu tư rất lớn, không nhiều nhà thầu đáp ứng đủ tiêu chí vốn, khó khăn lớn nhất là việc triển khai chỉ định thầu ra sao để đảm bảo chọn “đúng người, đúng việc”, không để lại rủi ro về sau. Dài hạn hơn, mục tiêu

Chính phủ đặt ra là có 3.000 km cao tốc vào năm 2025 và 5.000 km cao tốc vào năm 2030 cũng là nhiệm vụ không hề đơn giản, nếu không giải được bài toán vốn.

“Món nợ” đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cũng cần một tư lệnh ngành đủ quyết liệt để triển khai, bởi dự án có số phận long đong này dù được khởi động nghiên cứu từ năm 2005, tới nay đã vắt qua rất nhiều đời bộ trưởng, nhưng vẫn chưa được hiện thực hóa...

“Ghế nóng” ngành giao thông bởi vậy chưa bao giờ hết “nóng”!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.