Tại cuộc họp báo công bố giải, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen cho biết 2 nhà báo trên đã nỗ lực bảo vệ tự do ngôn luận, tiền đề cho dân chủ và hòa bình lâu dài. “Họ đại diện cho tất cả những nhà báo đứng lên vì lý tưởng này trên thế giới”, theo bà Reiss-Andersen.
Bà Ressa thành lập báo Rappler tại Philippines vào năm 2012. Báo này tập trung vào một số chủ đề nổi bật như chiến dịch truy quét tội phạm ma túy gây tranh cãi ở Philippines, việc mạng xã hội bị lợi dụng để lan truyền tin giả, quấy rối đối thủ và thao túng dư luận.
Nhà báo Maria Ressa (trái) và Dmitry Muratov |
AFP |
Ông Muratov được trao giải vì nhiều thập niên đấu tranh cho tự do bày tỏ ý kiến tại Nga. Vào năm 1993, ông là một trong những người thành lập tờ Novaja Gazeta và trở thành tổng biên tập trong 24 năm, từ năm 1995. Theo bà Reiss-Andersen, tờ Novaja Gazeta là một tờ báo độc lập bậc nhất ở Nga với góc nhìn phê phán mà ít báo khác ở nước này có được, tập trung vào các chủ đề tham nhũng, bạo lực, gian lận bầu cử. Các đối thủ của tờ báo đã phản ứng bằng cách quấy rối, đe dọa, bạo lực và ám sát. Kể từ khi thành lập, tờ báo này đã có 6 nhà báo bị giết.
Ủy ban Nobel Na Uy cho rằng việc tự do bày tỏ ý kiến và tự do thông tin giúp đảm bảo thông tin đến công chúng, vì đó là yếu tố tiên quyết cho dân chủ và tránh chiến tranh, xung đột. “Không có sự tự do bày tỏ ý kiến và tự do báo chí, sẽ khó thành công trong việc thúc đẩy tình anh em giữa các nước, giải trừ vũ khí và đạt một trật tự thế giới tốt hơn”, theo bà Reiss-Andersen. Cao ủy Nhân quyền LHQ đã chúc mừng 2 nhà báo trên và cho rằng giải Nobel Hòa bình đã “ghi nhận tầm quan trọng của công việc của các nhà báo trong những tình huống khó khăn nhất”. Phát ngôn viên Dmitry Peskov của Điện Kremlin cũng chúc mừng ông Muratov và cho rằng nhà báo này “có tài và can đảm”.
Bình luận (0)