Giải oan cho 'cú đêm'

27/04/2019 08:12 GMT+7

Các nhà khoa học Mỹ cho hay đã tìm được đột biến gien biến nhiều người thành “cú đêm”, chỉ những người liên tục thức khuya và chật vật duy trì sự tỉnh táo vào ban ngày.

Kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Mỹ đã phát hiện nhiều người thức khuya và dậy muộn không phải vì họ lười biếng, mà do đồng hồ sinh học của những người này được gien lập trình chạy chậm từ 2 đến 2 giờ rưỡi so với phần còn lại của dân số, vì đột biến gien có tên CRY1.
“Người mang đột biến gien này buộc phải trải qua những ngày dài hơn so với chu kỳ ngày và đêm thông thường, có nghĩa là họ luôn bị đẩy vào tình trạng phải bắt kịp thời gian của những con người bình thường trong xã hội, với chu kỳ ăn - ngủ tự nhiên”, theo trưởng nhóm Alina Patke của Đại học The Rockefeller (New York, Mỹ).
Một điều cần phải làm rõ là những người được đề cập trong báo cáo không phải là người “nghiện” smartphone, khiến họ khó ngủ vào ban đêm. “Cú đêm” đích thực là những người mà dù không có smartphone lẫn ánh đèn điện, đều thức khuya và dậy trễ. Ngược lại, đa số phần còn lại của dân số thế giới lại dựa vào chu kỳ mọc và lặn của mặt trời để điều tiết giấc ngủ.
Những người bị liệt vào nhóm “cú đêm” thường được chẩn đoán bị rối loại trễ pha giấc ngủ (DSPD), và các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 10% dân số trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi tình trạng này. Ngoài sự mệt mỏi triền miên, người mắc chứng DSPD còn phải trải qua nhiều vấn đề về sức khỏe, do cơ thể của họ luôn nỗ lực bắt nhịp thời khóa biểu của xã hội. Họ liên tục bị trầm cảm, luôn chìm trong tâm trạng lo âu, dễ bị tim mạch và tiểu đường. Đó là chưa đề cập đến cảm giác mỗi buổi sáng lại bị đồng hồ báo thức “tra tấn”.
“Mọi chuyện diễn ra cứ như thể họ trải qua tình trạng bị jet-lag thường trực. Mỗi buổi sáng, họ chẳng hề sẵn sàng để đón ngày mới”, theo chuyên gia Michael Young của nhóm nghiên cứu. Thông thường, đồng hồ sinh học ở người chạy chu kỳ khoảng 24 giờ, có nghĩa là những hoạt động như tiêu hóa, ngủ nghỉ và khôi phục ở mức độ tế bào của cơ thể đều được phân bổ vừa khít với chu kỳ ngày - đêm của trái đất.
Tuy nhiên, vì một đột biến xuất hiện trên gien CRY1, số cá nhân cần nhiều thời gian hơn người khác để điều chỉnh. Giáo sư Patke và đồng sự lần đầu tiên phát hiện đột biến gien này cách đây cả thập niên, khi một phụ nữ 46 tuổi đến bệnh viện vì rối loạn giấc ngủ.
Dù được đưa vào môi trường lý tưởng, cụ thể là một căn hộ không có cửa sổ, ti vi hoặc internet trong suốt 2 tuần, bệnh nhân vẫn duy trì nhịp sinh học đến 25 giờ. Giấc ngủ của bà bị đứt quãng. Sau khi phân tích gien ở người này, đội ngũ chuyên gia tìm được đột biến trên gien CRY1.
Trong cuộc nghiên cứu tiếp theo, diễn ra sau gần 10 năm, nhóm nhà khoa học kiểm tra tình trạng của mọi người trong gia đình bà này, và phát hiện họ đều mang đột biến giống nhau, theo báo cáo trên chuyên san Cell. Khi tiếp tục thực hiện ở 6 gia đình Thổ Nhĩ Kỳ, các chuyên gia Mỹ xác định được đột biến gien đẩy lùi đồng hồ cơ thể ít nhất 2 giờ ở những người bị ảnh hưởng, khiến họ chật vật trong nỗ lực bắt nhịp với phần còn lại của dân số.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.