Giải pháp 'bê tông xanh' cho ngành xây dựng giảm phát thải CO2

09/10/2024 16:47 GMT+7

Sử dụng gỗ làm vật liệu xây dựng tưởng như phá hoại môi trường, nhưng thực tế lại là giải pháp chuyển đổi xanh cho ngành xây dựng nếu biết phát triển và khai thác đúng kế hoạch.

Hiện nay, ô nhiễm môi trường đặt ra những thách thức to lớn cho mọi ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành kiến trúc - xây dựng. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ngành xây dựng góp tới 40% tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu. Do đó, sử dụng các nguyên vật liệu xanh có nguồn gốc rõ ràng, thay thế bê tông truyền thông và bảo vệ môi trường là phương án tối ưu để làm giảm phát thải CO2, bắt đầu hành trình xây dựng xanh.

Giải pháp 'bê tông xanh' cho ngành xây dựng giảm phát thải CO2- Ảnh 1.

Theo KTS Nguyễn Huy Hiển - Giám đốc kỹ thuật Tập đoàn Trần Đức chia sẻ về xu hướng chuyển đổi xanh cho ngành xây dựng

Ảnh: CTV

Tuy nhiên, vật liệu thiên nhiên phù hợp nhất để thay thế bê tông lại chính là gỗ nhờ đáp ứng được những yêu cầu khắt khe nhất của công trình, đảm bảo tính thẩm mỹ, khả năng chịu lực và hội tụ đủ yếu tố bảo vệ môi trường, bền vững. Nhưng sao dùng gỗ lại bảo vệ môi trường, trong khi khai thác thì gây hại đến thiên nhiên?

Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã chứng minh được tính đúng đắn của việc sử dụng gỗ trong công trình mà không gây ảnh hưởng đến môi trường. "Tại New Zealand có 67% rừng trồng bền vững. Khi đốn hạ 1 cây cho xây dựng, thì 1 cây khác phải mọc lên, để lúc nào cũng có vòng tuần hoàn gỗ - rừng", bà Nguyễn Hồng Nhung - Trưởng phòng Phát triển thương mại - New Zealand Trade Enterprise chia sẻ.

Tiến trình này vẫn đảm bảo việc hấp thụ khí thải, bảo vệ Trái đất. Các khu rừng bền vững sẽ được khai thác theo kế hoạch cũng như sự quản lý của chính phủ, có chứng nhận FSC (sản phẩm gỗ được sản xuất từ nguyên liệu qua kiểm soát, tuân thủ tiêu chuẩn môi trường, xã hội và kinh tế), một minh chứng rõ ràng về việc vật liệu này không chỉ giúp công trình đẹp về thẩm mỹ mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Các giải pháp xử lý gỗ hiện đại cũng giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng về độ bền của gỗ so với trước đây, kể cả trong điều kiện tiếp xúc với gió, nước biển. Trong đó, cấu kiện gỗ được ví như giải pháp "bê tông xanh" của tương lai. Được phát triển lần đầu tại Áo vào những năm 90 của thế kỷ 20, cấu kiện gỗ CLT nhanh chóng trở thành giải pháp xây dựng bền vững hàng đầu nhờ khả năng cải thiện hiệu quả công trình, đồng thời giảm thiểu tác động môi trường.

Theo KTS Nguyễn Huy Hiển - Giám đốc kỹ thuật Tập đoàn Trần Đức, Net Zero (phát thải CO2 bằng 0) là câu chuyện đường dài và không thể chỉ một đơn vị, doanh nghiệp mà có thể thành công. Để đồng hành với những người trong ngành về câu chuyện chuyển đổi xanh, "Bàn tròn Net Zero" là series talkshow nói về chủ đề Net Zero trong kiến trúc và xây dựng. Sự kiện dự kiến quy tụ nhiều nhân sự liên quan trong ngành như kiến trúc sư, giám đốc dự án, giám đốc kỹ thuật, cơ quan chuyên ngành... do Tập đoàn Trần Đức tổ chức. Tại chương trình, nhiều thông tin, số liệu được đưa ra để chứng minh sự đổi mới và sáng tạo trong việc sử dụng vật liệu xanh chính là chìa khóa để phát triển bền vững cho tương lai của ngành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.