Giải pháp 'chắp vá'

Có lẽ, hiếm dự án đường cao tốc nào “có nhiều vấn đề” như t uyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi . Đây là tuyến cao tốc đầu tiên tại các tỉnh miền Trung chính thức thông xe ngày 2.9.2018.

Đoạn tuyến dài 139 km, dự án có tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) hơn 34.500 tỉ đồng.
Ngay lúc đang thi công, đã có đơn tố cáo hàng loạt các sai phạm liên quan dự án. Về thực tế, kể từ khi đưa vào sử dụng, tuyến đường này đã xuất hiện nhiều “ổ trâu, ổ gà”, cào lên sửa lại lại xuất hiện chỗ khác, lại cào lên… Mới đây nhất lại xuất hiện “luống sắn, luống khoai” lại cào lên sửa lại…
Sáng 29.6, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, cùng đoàn công tác đã có chuyến kiểm tra các vị trí lún, võng thuộc địa phận Quảng Nam. Ông Lê Quang Hào, Phó tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN, cho biết đoạn tuyến được đưa vào khai thác từ tháng 8.2017 đến nay sắp hết thời gian bảo hành.

Ông Hào đề nghị với ông Thắng sắp tới trên tuyến cần đặt cân tải trọng để giám sát xe quá tải. Ông Thắng ủng hộ và đề nghị có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ để được hướng dẫn về vị trí đặt cân và công nghệ phù hợp. Như vậy, có vẻ như ông Hào xác định nguyên nhân là do xe quá tải.
Hãy nghĩ xem: Chúng ta mua một vật dụng nào đó cũng được bảo hành trong một khoảng thời gian nào đó, nhưng sản phẩm liên tục hư hỏng, khiến chúng ta liên tục gọi bảo hành (mà không phải lúc nào cũng được đáp ứng ngay) thì bực mình đến độ nào, huống gì đây là đường cao tốc.
Trong khi chưa xử lý được chuyện chất lượng đường xuống cấp, giải pháp “cân xe” không sai, nhưng chưa thỏa mãn những nghi vấn đặt ra từ phía người dân nộp thuế và trả tiền cho những đoạn đường “có thu phí”. Hết thời hạn bảo hành, đường lại hỏng thì sao?
Ai từng đi qua địa phận Quảng Bình hoặc QL14 (đoạn qua H.Đắk Song, Đắk Nông) đều thấy có biển ghi “Tập đoàn Sơn Hải bảo hành 5 năm” thay vì 2 năm như các đơn vị làm đường ký hợp đồng với các chủ đầu tư. Đến nay đã gần 5 năm nhưng mặt đường chưa hề có chỗ nào bong tróc chứ đừng nói chuyện ổ gà.
Trong một lần trò chuyện với báo chí, khi được đề nghị chia sẻ về kinh nghiệm, ông Nguyễn Viết Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hải (Quảng Bình), cho rằng “chỉ cần làm đúng thiết kế và đừng ăn gian” thì chất lượng tốt thôi, chẳng có gì cao siêu cả.
Kiểm tra tải trọng xe là việc làm thường xuyên và cần thiết, nhưng ở địa bàn Quảng Bình, nơi có những đoạn đường do Sơn Hải thi công, đã từng được báo chí liên tục báo động về tình trạng thanh tra giao thông “ngó lơ” tải trọng, tức là đã có xe tải trọng “lọt sổ” nhưng nó cũng chẳng làm đường Sơn Hải hư hỏng. Điều đó cho thấy, vấn đề chính vẫn nằm ở chất lượng thi công.
Nếu không giám sát tốt việc thi công, không kiên quyết loại các nhà thầu gian dối, thì mãi mãi chạy theo để chắp vá cao tốc, chắp vá về thực tế và cả chắp vá về biện pháp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.