Việc sử dụng LNG để sản xuất điện thường đi theo chuỗi gọi là chuỗi khí - điện LNG, bao gồm các công trình: cảng nước sâu để nhập khẩu LNG; hệ thống kho, bồn chứa và nhà máy hóa khí LNG còn gọi là Terminal; hệ thống phân phối bằng đường ống hay xe bồn cung cấp khí nhiên liệu cho các nhà máy điện và hộ tiêu thụ khác. Thông thường một terminal có công suất từ 3 triệu tấn LNG trở lên mới đảm bảo hiệu quả đầu tư. Nếu terminal phục vụ cho một trung tâm điện lực thì kèm sau đó cần hệ thống đường dây truyền tải để phân phối, giải tỏa hết công suất các nhà máy điện. Tổng mức đầu tư cho một chuỗi khí - điện có thể lên tới chục tỉ USD. Một chuỗi đầu tư đồ sộ như vậy có thể có nhiều nhà đầu tư tham gia theo từng công đoạn. Đây là công trình hạ tầng nên cần có những chính sách, cơ chế quản lý và hỗ trợ của nhà nước để vừa đảm bảo khuyến khích đầu tư vừa có vai trò kiểm soát, quản lý…
Đến giai đoạn này, khi nguồn thủy điện cơ bản đã được quy hoạch và đưa vào khai thác; nguồn nhiên liệu hóa thạch khác khai thác trong nước dần cạn hoặc bị hạn chế sử dụng bởi phát thải gây ô nhiễm. Việt Nam đang xây dựng Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch Năng lượng quốc gia với xu thế chú trọng hơn phát triển năng lượng sạch như năng lượng tái tạo và LNG.
|
Đến nay đã có gần 30 dự án điện LNG được đề nghị xem xét với tổng công suất lên đến 50 GW. Các dự án được đề xuất nằm dọc bờ biển từ Bắc vào Nam trên cả nước. Do đó công tác quản lý là quy hoạch các Trung tâm khí điện LNG ở đâu, cơ chế chính sách, quản lý giá LNG như thế nào để vừa khuyến khích đầu tư phát triển thị trường LNG trong nước vừa đảm bảo thực hiện chương trình thị trường điện, tránh tình trạng đầu tư ồ ạt, theo phong trào.
Ngoài các giải pháp được nghiên cứu trong các quy hoạch trên, nhận thấy giải pháp này không phải mới, song nếu tổ chức làm bài bản, nghiêm túc, công khai, minh bạch sẽ là một biện pháp đảm bảo thành công cho chuỗi dự án khí - điện LNG, đó là công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án.
Về mặt pháp lý của công tác đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư cho dự án đã có quy định trong luật Đấu thầu hiện hành (Điều 13 Nghị định 25/2020/ NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư). Ngoài ra, tại Điều 16 của Nghị định 25/2020/NĐ-CP còn quy định Danh mục dự án phải được công bố rộng rãi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, làm cơ sở xác định số lượng nhà đầu tư quan tâm thực hiện dự án; trường hợp có hai nhà đầu tư trở lên quan tâm, việc tổ chức đấu thầu áp dụng quy trình đấu thầu rộng rãi…; Nhà đầu tư được lựa chọn phải đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án, đề xuất phương án triển khai dự án khả thi và hiệu quả...
|
Gần đây, Thủ tướng đã có chỉ đạo đồng ý bổ sung Trung tâm điện lực LNG Cà Ná (tỉnh Ninh Thuận) và Long Sơn (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh và giao cho tỉnh lựa chọn chủ đầu tư cho dự án (văn bản số 479/TTg-CN ngày 23.4.2020). Tại công văn số 4084/BCT-ĐL ngày 8.6.2020, Bộ Công Thương đã chủ động có văn bản góp ý thực hiện với nội dung đề nghị các tỉnh xem xét tổng thể cả chuỗi dự án khí - điện LNG, hệ thống đấu nối, truyền tải điện đảm bảo sản xuất thông suốt. Bộ cũng lưu ý các tỉnh cần thực hiện đấu thầu lựa chọn các chủ đầu tư cho dự án dưới góc nhìn tổng thể cả chuỗi và đề nghị xem xét đưa vào đầu bài gọi thầu một số tiêu chí để đánh giá có tính vĩ mô để chọn nhà đầu tư phù hợp nhất.
Đầu tư chuỗi khí - điện LNG cần vốn đầu tư lớn, yêu cầu công nghệ cao, dịch vụ logistic ở trình độ cao. Do đó, để đảm bảo thành công thì cần thực hiện giải pháp đồng bộ từ khâu pháp lý, cơ chế, chính sách khuyến khích; đặc biệt trong đó là khâu đấu thầu chọn chủ đầu tư cho dự án. Yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư phải thông qua đấu thầu quốc tế, được tổ chức nghiêm túc, công khai và minh bạch; nhà đầu tư được chọn phải đáp ứng các tiêu chí đề ra.
Bình luận (0)