Giải pháp nào cho các 'dòng sông chết'?

05/06/2024 06:02 GMT+7

Đăng đàn trả lời đầu tiên trong phiên chất vấn kéo dài 2 ngày rưỡi tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh nhận được 113 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó 49 đại biểu đặt câu hỏi và tranh luận.

Phần chất vấn kéo dài hơn 1 buổi sáng tập trung vào nhiều vấn đề nóng như hạn hán, sạt lở, xâm nhập mặn ở ĐBSCL, xử lý ô nhiễm sông, ngập úng đến đấu giá khai thác khoáng sản… được Chủ tịch Quốc hội (QH) đánh giá "thẳng thắn, nắm chắc vấn đề".

Ô nhiễm ngày càng tăng, trách nhiệm của bộ ở đâu?

Nêu tình trạng ô nhiễm tại các dòng sông, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng TN-MT nêu rõ giải pháp các "dòng sông chết", trong đó có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Thừa nhận các dòng sông như Bắc Hưng Hải, Nhuệ, Đáy, Cầu đang ô nhiễm nặng, song theo ông Khánh, đây không phải là sông chết, vì các dòng sông chết là sông vừa ô nhiễm vừa không có dòng chảy. Về giải pháp, các địa phương và Bộ TN-MT đã tích cực nhưng "chưa cải tạo được bao nhiêu", lý do hầu hết các khu công nghiệp (KCN) đều xả thải ra các sông này.

Giải pháp nào cho các 'dòng sông chết'?- Ảnh 1.

ĐB Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) chất vấn Bộ trưởng TN-MT

GIA HÂN

Bộ trưởng TN-MT cũng cho biết hiện tỉnh Hưng Yên đã ban hành quy chuẩn riêng của tỉnh kiểm soát xả thải của KCN. Nhưng thực tế các cụm công nghiệp hay làng nghề vẫn chưa xử lý được việc xả thải, do nguồn lực đầu tư hệ thống thu gom, xử lý còn thiếu. Riêng các đô thị lớn như Hà Nội một ngày xả thải 260.000 m3 vào Bắc Hưng Hải, còn lại xả thải vào sông Nhuệ, sông Đáy khoảng 65% nước thải sinh hoạt. Hà Nội đã quy hoạch các nhà máy ở Gia Lâm, Long Biên với công suất 180.000 m3/ngày đêm. "Các địa phương cùng chung tay xử lý nước thải đồng bộ. Phải tạo dòng chảy, dòng sông phải có dòng chảy và lưu thông. Kênh Bắc Hưng Hải có thời điểm treo, nước sông Hồng không chảy vào Bắc Hưng Hải được", ông Khánh nói.

Trước đó, Chính phủ có chỉ đạo làm trạm bơm cục bộ cho Bắc Hưng Hải, nhưng theo ông Khánh, đây không phải giải pháp căn cơ, mà phải giữ được nước, điều hòa được dòng chảy. Ngay sau khi luật Tài nguyên nước có hiệu lực từ 1.7, Bộ TN-MT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập ngay Ủy ban điều phối lưu vực sông, là trách nhiệm chung của các tỉnh, các bộ, ngành.

Nêu ý kiến tranh luận, theo ĐB Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu), Bộ trưởng TN-MT trả lời liên quan đến các dòng sông chết do xả thải, tuy nhiên, điều 8 luật Bảo vệ môi trường mới giao cho Bộ TN-MT chủ trì từ việc đánh giá nguồn xả thải đến việc xử lý môi trường. Vậy trách nhiệm của bộ trong tổ chức thực hiện luật ra sao khi ô nhiễm ngày càng tăng lên. Bên cạnh đó, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy đã lập đến nhiệm kỳ thứ 5 nhưng ô nhiễm không giảm, vậy cần thêm bao nhiêu thời gian nữa?

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, thời gian qua Bộ TN-MT và Bộ Công an đã phối hợp các địa phương xử lý nhiều vi phạm. Tuy nhiên, thực chất các dòng sông đang ô nhiễm về nước thải sinh hoạt, cụm công nghiệp, làng nghề. Lý giải việc vì sao ô nhiễm ngày càng nặng hơn, ông Khánh cho rằng càng phát triển KT-XH thì nhu cầu dùng nước sẽ tăng lên, trong 50 năm tăng lên 3 lần. Đặc biệt các dòng sông như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu, Bắc Hưng Hải, dân cư ngày càng lấp đầy với mật độ đô thị hóa, nước thải sinh hoạt nhiều hơn, trong đó có nhiều hóa chất. Do đó, phải xử lý nguồn thải và tạo dòng chảy để hòa tan. Tới đây, Bộ TN-MT sẽ đề nghị Chính phủ cho phép đề án nghiên cứu thí điểm tổng thể dòng sông Bắc Hưng Hải và Nhuệ - Đáy, có lộ trình, kế hoạch để xử lý.

Ngăn sạt lở, hạn hán cho ĐBSCL

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) phản ánh tình trạng sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông đang bủa vây vùng ĐBSCL với mức độ phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân trong vùng. ĐB đề nghị Bộ trưởng TN-MT cho biết giải pháp ổn định môi trường sống khu vực này trong thời gian tới như thế nào. Nhiều ĐB bày tỏ quan tâm tới tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực này và đề nghị Bộ trưởng TN-MT cho biết giải pháp.

Giải pháp nào cho các 'dòng sông chết'?- Ảnh 2.

Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn

GIA HÂN

Trả lời các ĐB, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói hiện nay biến đổi khí hậu tác động rất lớn, không những gây sạt lở ở ĐBSCL mà sạt lở ở khu vực miền núi phía bắc, lũ lụt tại miền Trung đều rất nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở, sụt lún tại khu vực này như việc phát triển xây dựng đô thị, khu dân cư, nuôi trồng thủy sản đã làm tăng tải trọng, lấn chiếm bờ sông dẫn đến thay đổi dòng chảy.

Tuy nhiên, theo ông Khánh, nguyên nhân chính là khai thác cát trái phép ở các lòng sông. "Khai thác trái phép, tức là khai thác lậu, chúng ta không quản lý được nên rất nguy hiểm. Tôi được nghe địa phương báo cáo khai thác lậu là dùng vòi để hút vô tội vạ, lại gần bờ, rất nguy hiểm", ông Khánh nhấn mạnh. Ngay cả với các mỏ khai thác cát được cấp phép, cũng còn nhiều vi phạm do khai thác quá công suất, quá chiều sâu. Có mỏ khai thác gấp đôi chiều sâu cho phép.

Về giải pháp, ông Khánh cho hay hiện Bộ TN-MT được Thủ tướng giao đánh giá trữ lượng cát sỏi, lòng sông khu vực ĐBSCL. Bộ cũng sẽ nâng cao khả năng cảnh báo và dự báo. Về phía địa phương, ông Khánh đề nghị các địa phương rà soát, sắp xếp lại dân cư ở vùng có nguy cơ bị sạt lở; việc lấn chiếm lòng sông, bờ sông. "Có nhiều khúc sông phần diện tích xây dựng trên đất ít hơn diện tích lấn chiếm ở ngoài vì thay đổi dòng chảy, đây là một tác nhân rất lớn", ông Khánh nêu.

Liên quan đến hạn hán, Bộ trưởng Khánh cho hay giải pháp là chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có hạn hán. Hiện nguồn nước 60% bị phụ thuộc ở nước ngoài, chỉ 40% là nội sinh. Do đó, việc đảm bảo nguồn nước nội sinh đặc biệt quan trọng. Vừa qua, QH thông qua luật Tài nguyên nước sửa đổi, Chính phủ đã phê duyệt 2 quy hoạch về tài nguyên nước là các giải pháp về thể chế, chính sách cho vấn đề này.

"Chia lửa" với Bộ trưởng TN-MT, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết vừa qua Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thị sát và giao Bộ NN-PTNT trình đề án tổng thể về vấn đề này. Dự kiến tháng 9 tới, Bộ NN-PTNT sẽ trình đề án, trong đó tiếp cận một cách tổng thể hơn, chiến lược hơn về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn. Theo ông Hoan, chúng ta chưa bao giờ xem nước là tài nguyên, nhưng đứng trước thách thức biến đổi khí hậu, cần thay đổi cách tiếp cận với nguồn nước. "Chúng ta cũng cần có "tuyên ngôn" với bà con nông dân ĐBSCL và cả nước rằng chúng ta không phải là một quốc gia dư thừa nước", ông Hoan nêu.

ĐB Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh): Theo báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện luật Khoáng sản năm 2010 thì Bộ TN-MT đã cấp 440 giấy phép khai thác, nhưng chỉ có 10 khu vực thông qua đấu giá. UBND các tỉnh, thành phố cấp khoảng 3.000 giấy phép, trong đó chỉ có 827 khu vực thông qua đấu giá, mặc dù sau đấu giá giá tăng 20 - 40% so với giá khởi điểm. Như vậy tỷ lệ cấp phép khai thác thông qua đấu giá là rất thấp, dù hiệu quả cao hơn. Vậy Bộ trưởng có chắc chắn rằng hàng ngàn khu vực khoáng sản cấp quyền khai thác không qua đấu giá hơn 10 năm qua là đúng theo quy định không?

Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh: Về tỷ lệ, tôi đã nêu ở Nghị định 158 hướng dẫn thi hành luật Khoáng sản năm 2010 quy định 7 khu vực mỏ khoáng sản không thực hiện đấu giá và cơ quan nhà nước cấp phép. Bộ TN-MT hầu như cấp phép không qua đấu giá cả 7 nội dung của Nghị định 158. Ví dụ các mỏ liên quan đến khoáng sản thiết yếu, quan trọng, chiến lược an ninh quốc gia. Cho nên thấy con số Bộ TN-MT cấp phép nhưng không thông qua đấu giá nhiều là thực hiện theo Nghị định 158.

ĐB Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM): Việc thay thế cát biển, cát sông cho các dự án đường cao tốc là có điều kiện. Khi chưa đáp ứng thì triển khai đại trà là một sự liều lĩnh, đánh cược với môi trường, nhiều vấn đề đặt ra là hàm lượng muối trong cát biển có ảnh hưởng đến môi trường xung quanh theo thời gian hay không? Có ý kiến còn cho rằng việc sử dụng cát biển thay cát sông còn mang mặn vào giữa cánh đồng trũng, nền đất yếu, nhất là trong tình trạng xâm nhập mặn đang ngày càng phức tạp và khó lường như hiện nay. Bộ trưởng có giải pháp gì, kể cả trước mắt và lâu dài, để vừa có đủ nguyên vật liệu cho các dự án nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đảm bảo được an ninh nguồn nước?

Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh: Đúng là khi sử dụng cát biển, chúng ta phải đánh giá tác động môi trường. Hiện nay cát biển được sử dụng tốt nhất là ở những khu vực đã nhiễm mặn. Về nguyên tắc là không được gây nhiễm mặn cho các khu vực xung quanh. Như vậy tùy theo công trình, tùy theo dự án, tùy theo mức độ thì sẽ được đánh giá tác động với một nguyên tắc là không được làm nhiễm mặn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.