Giải pháp nào cho đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam?

06/11/2021 08:49 GMT+7

Bóng đá Việt Nam đã gặt hái được thành công nhất định trong vài năm qua nhưng nếu công tác đào tạo trẻ không được chăm sóc, vun xới liên tục một cách bài bản và chuyên nghiệp thì e rằng tương lai gần, những thành công đó sẽ không còn được duy trì một cách ổn định.

Lên tuyển vẫn phải sửa kỹ thuật

Không hiếm lần, các phóng viên được chứng kiến cảnh HLV Park Hang-seo hay trợ lý Lee Young-jin, Kim Han-yoon phải miệt mài chỉnh sửa động tác kỹ thuật cho học trò trong các buổi tập của U.23 Việt Nam và thậm chí cả tuyển Việt Nam. Một thành viên của đội Việt Nam từng tiết lộ, khi mới dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam, ông Park tỏ ra khá ngạc nhiên là nền tảng kỹ thuật của cầu thủ VN không có sự đồng bộ, điều này cũng khiến ông gặp khó khăn nhất định khi khai triển giáo án. Việc các CLB chơi sơ đồ khác nhau cũng không phải điều lạ trên thế giới nhưng điểm chung là cầu thủ được đào tạo căn bản giống nhau nên khi lên tuyển, HLV chỉ cần cho họ tập chiến thuật. Còn tại VN, vì không tập quen với sơ đồ hiện đại mà các HLV nước ngoài áp dụng nên cầu thủ phải mất một thời gian để thích ứng.

HLV Phạm Minh Đức, người rất mát tay với bóng đá trẻ Việt Nam, hiện đang dẫn dắt đội U.16 Hà Nội, nói: “Các CLB cần tăng tiền lương cho HLV các đội trẻ, tăng cả chế độ đãi ngộ cho các cầu thủ trẻ. Có sự chênh lệch không hề nhẹ giữa lương của HLV làm tại V-League và HLV làm đội trẻ vì nhiều đội dồn tiền của cho đội lớn. Mức thu nhập của HLV V-League có thể dao động từ 50 - 100 triệu đồng/tháng, còn lương HLV đội trẻ chỉ khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng. Vì thế, nhiều HLV không thích làm trẻ vì đã vất vả lại không có tiền”.

Trung Ninh

Cựu HLV đội trẻ Viettel Đặng Phương Nam nhận xét: “Hệ thống đào tạo bóng đá, đặc biệt là bóng đá trẻ tại Việt Nam không theo một quy chuẩn chung nào hết. Mạnh ai nấy làm. Có nhiều CLB thực hiện bài bản nhưng cũng không hiếm CLB chẳng tuân thủ theo quy chuẩn nào cả. Điều đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bóng đá trẻ ở Việt Nam chưa có được sự ổn định, đồng bộ. Bóng đá trẻ phát triển khi và chỉ khi được thực hiện bởi một quy trình đòi hỏi rất nhiều thứ, nhiều khâu, bao gồm phải có lực lượng HLV giỏi; công tác tuyển chọn nghiêm túc, chặt chẽ, bài bản; điều kiện cơ sở vật chất dồi dào, chất lượng, hiện đại; hệ thống các giải đấu lứa tuổi phong phú, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, gần như những khâu rất quan trọng này, chúng ta chưa làm được hoặc làm nhưng chưa đến nơi đến chốn. Bóng đá Việt Nam đã được chứng kiến thành công rực rỡ của lứa sinh năm 1995 - 1997. Nhưng đó là lứa mà công rất lớn lại thuộc về các CLB như HAGL, cộng với nhóm cầu thủ tài năng của Hà Nội, Viettel. Còn hiện tại, chúng ta có quyền lo lắng khi lứa trẻ bây giờ chưa được như trước và không biết liệu có được như lứa trước hay không”.

Bóng đá trẻ Việt Nam cần phải được chăm chút từ đầu như lứa Văn Toàn (ảnh trên), Xuân Trường khi còn chơi chân đất thì mới tiến bộ

Minh Trần

Lãng phí chất xám của giám đốc kỹ thuật

Một nền bóng đá muốn tạo dựng được hệ thống đào tạo xuyên suốt giữa các học viện, giữa các CLB, cần đến những nhà quản trị có tầm nhìn xa trông rộng, hoạch định được chiến lược lâu dài và quy tụ những “bộ não” giỏi. Trong đó vai trò quan trọng của giám đốc kỹ thuật (GĐKT) liên đoàn bóng đá phải được phát huy một cách tối đa. Bóng đá Việt Nam đã Việt Nam chưa biết cách sử dụng, khai thác triệt để năng lực của các vị GĐKT này. Không có mâu thuẫn trầm trọng giữa các bên nhưng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và các vị cựu GĐKT dường như không tìm được tiếng nói chung nên hiệu quả công việc là cực kỳ mờ nhạt. Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam vì thế chưa được xây dựng một cách quy củ, có chiều sâu, chưa đem lại kết quả bền vững, ổn định. GĐKT VFF (với các cá nhân khác nhau) suốt thời gian dài vừa qua chưa thể hiện được vai trò vượt trội và mới chỉ là một miếng ghép nhỏ nhoi trong toàn bộ miếng ghép chung của bóng đá Việt Nam.

Cựu GĐKT người Đức Rainer Wilfeld từng chia sẻ: “Nhiệm vụ của tôi không phải đơn thuần là giúp bóng đá Việt Nam thắng ở giải đấu này, hay thắng một vài trận ở giải đấu khác mà lên khung cho toàn bộ bức tranh của bóng đá Việt Nam. Phát triển ra sao, cần đầu tư chỗ nào còn thiếu, còn yếu. Tôi đã đưa cho VFF bản kế hoạch đó. Nhưng VFF lại không thực hiện. Đó là điều tôi cảm thấy day dứt nhất”. Tương tự một chuyên gia người Đức khác, cựu GĐKT Jurgen Gede từng nói trên báo chí: “Tôi từng đề xuất tổ chức một vài buổi hội thảo với các HLV khắp đất nước nhưng trong suốt lúc tôi nói, không mấy ai tương tác thảo luận lại. Thế đã đành, hơn nửa thành viên tham gia hội thảo còn chẳng thèm quan tâm tôi nói gì, cứ ngồi bấm điện thoại. Thử hỏi tôi làm thế nào nữa”. Còn GĐKT hiện tại là ông Adachi đến giờ cũng thấy vai trò rất mờ nhạt. Dường như không thấy ảnh hưởng, kế hoạch nào cụ thể của ông với mặt bằng bóng đá trẻ VN, khiến cho nhiều người cảm thấy VFF đang lãng phí chất xám của các chuyên gia ngoại.

Nên chú trọng rèn tâm lý thi đấu cho cầu thủ trẻ

Cựu tuyển thủ Phan Thanh Bình hiến kế: “Bóng đá trẻ Việt Nam còn chông chênh là do công tác đào tạo chưa chú trọng yếu tố rèn luyện tâm lý, giúp cầu thủ tự tin, ổn định cái đầu trong thi đấu. Các cầu thủ trẻ VN thực tế không hề yếu kém về trình độ kỹ thuật hay tư duy về mặt chiến thuật. Điều họ yếu và cần bổ sung chính là tâm lý. Nếu tâm lý thi đấu vững vàng cùng một cái đầu lạnh, chúng ta sẽ có được những lứa cầu thủ giỏi trong tương lai. Cũng chính vì tâm lý thi đấu không tốt nên các cầu thủ trẻ thường xuyên tỏ ra nóng vội trong các tình huống có thể xử lý đơn giản. Sự thiếu ổn định này khiến các pha xử lý cơ bản như đỡ một chạm, chuyền bóng và sau cùng là dứt điểm không thể chính xác. Đó là lý do vì sao lên tuyển mà họ phải được uốn nắn lại từ đầu. Nếu các lò đào tạo trẻ có nhiều HLV biết cách truyền lửa cho học trò, làm tốt công tác tâm lý thì chắc chắn sẽ không có va vấp trong tương lai”. T.K

Chuyên gia Đoàn Minh Xương nói: “VFF, GĐKT Adachi cùng các CLB phải ngồi lại với nhau để cùng bàn về chiến lược tổng thể của bóng đá trẻ Việt Nam, không nên mỗi bên đi một hướng thì mãi mãi chỉ là những đường thẳng song song. Cần phải đạt được sự đồng bộ từ khâu tuyển chọn, đào tạo cầu thủ, chế độ chăm sóc, dinh dưỡng, học văn hóa, thậm chí cho học sâu tiếng Anh để còn có cơ hội ra nước ngoài. Phải có những HLV rất giỏi, gương mẫu để chăm lo cho lứa trẻ. Công nghệ đào tạo cầu thủ không thiếu nhưng để áp dụng vào bóng đá Việt Nam thì cần phải xây dựng lại cho phù hợp với thể trạng con người VN. Từ đó rút ra triết lý chung cho toàn bộ hệ thống đào tạo trẻ VN. Tôi xin nhấn mạnh điều kiện quản lý, nuôi dưỡng cầu thủ trẻ phải đạt chất lượng cao. Phải được thi đấu nhiều từ 30 - 40 trận/năm thay vì chỉ 15 trận. Ngoài phát triển bóng đá học đường thì một giải pháp đặc biệt khác nữa là phải kiên quyết chống tiêu cực trong bóng đá trẻ, tẩy chay bệnh thành tích. Nếu biết cách chăm bẵm bóng đá từ gốc thì mới gặt hái được ngọn tử tế, ngon lành. Đừng làm bóng đá trẻ một cách nửa vời”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.