Gần đây, thị trường bất động sản đất nền, nhất là đất tại các khu phân lô ở vùng ven ngoại thành Hà Nội, một số tỉnh như Hà Nam, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên... giá tăng nhanh, mạnh. Ngoài khách mua đầu cơ, lướt sóng thì đa phần người mua để ở thường không để ý đến việc lối thoát hiểm cửa hậu khi xây dựng, tiếp tục tạo ra những ngôi nhà ống không lối thoát hiểm.
Hướng tới xóa sổ nhà ống không lối thoát hiểm
Trên địa bàn Hà Nội, tại nhiều khu phân lô ở xã Di Trạch, Lại Yên thuộc H.Hoài Đức; đất phân lô ở TT.Phùng, xã Hạ Mỗ, Thượng Mỗ thuộc H.Đan Phượng; xã Hải Bối, TT.Đông Anh thuộc H.Đông Anh... đều không đâu có chừa khoảng lùi thoát hiểm. Tình trạng tương tự cũng có ở các khu đất phân lô liền kề từ vài chục đến trên dưới 100 m2 ở các tỉnh: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh... Theo các chuyên gia, đây là tiền đề tạo nên những khu nhà ở không lối thoát hiểm nếu khi xây dựng, người dân không chừa lối thoát hiểm.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết đã có tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị và nông thôn, trong đó đều lưu ý về vấn đề an toàn khi xảy ra sự cố. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là ý thức tự bảo vệ của chủ sử dụng, chủ sở hữu. Đối với nhà ống xây dựng trên những khu đất phân lô, Bộ Xây dựng đã ghi nhận thực tế và sẽ xem xét đề xuất phương án, giải pháp tăng cường an toàn, lối thoát hiểm
|
Tại những khu đô thị mới đều có chừa lối thoát hiểm ở phía sau cho các dãy nhà liền kề. Nhưng ở những dự án bất động sản quy mô nhỏ, khu đất phân lô bán nền, khu giãn dân... khoảng lùi thoát hiểm thường bị bỏ qua. “Trên những khổ đất chỉ rộng từ vài chục đến khoảng 100 m2 nằm san sát nhau như vậy rất khó bố trí lối thoát hiểm. Chưa kể, tâm lý đất chật nên ai cũng muốn xây hết đất, tối ưu hóa công năng”, KTS Tùng nói.
KTS Tùng cho rằng cơ quan quản lý nhà nước, nhất là ở địa phương, cần có tầm nhìn quy hoạch từ khâu phân lô đất dành khoảng trống thoáng khí, thoát hiểm, có chỉ giới, hướng dẫn rõ ràng để người dân không xâm phạm. Không nên vì lợi ích trước mắt mà tạo tiền đề xảy ra hậu quả đau thương sau này. Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tuyên truyền, hướng dẫn phổ biến sâu rộng hơn cho người dân nắm được quy định về thoát hiểm, an toàn công trình nhà ở. Về lâu dài, cần xem xét hạn chế để hướng đến xóa bỏ công trình dạng nhà ống không lối thoát hiểm.
Đồng quan điểm, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, lo lắng đa phần dân cư tại các TP lớn, đô thị kiểu cũ đang sinh sống trong những căn nhà ống không lối thoát hiểm. Trong khi đó, nhận thức về an toàn phòng cháy chữa cháy, đường thoát hiểm cho bản thân và gia đình chưa cao nên nguy cơ mất an toàn lớn.
Ông Nghiêm cũng nêu thực trạng đa phần chủ sử dụng nhà ống ở khu phố cũ tại Hà Nội đều dùng cửa cuốn, cửa xếp để chống trộm, lại bền, đẹp. Tuy nhiên, với dạng nhà ống không lối thoát hiểm thì cửa cuốn, cửa xếp sẽ gây khó khăn cho việc tiếp cận cứu hộ cứu nạn khi có sự cố. Cơ quan chức năng nên có khuyến cáo rõ ràng về việc dùng cửa xếp, cửa cuốn tại các công trình nhà ống ở đô thị.
Mở lối thoát hiểm
Để mở lối thoát hiểm, KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu ý kiến, các hộ dân ở gần nhau có thể tạo thành một mặt bằng trên sân thượng với quy mô khoảng 10 hộ để tạo thêm khoảng trống thoát hiểm trên sân thượng. Nếu dùng khóa thì thường xuyên kiểm tra độ trơn nhạy của khóa, để chìa tại một nơi cố định để khi có sự cố, mất điện, ánh sáng kém vẫn có thể dễ dàng tìm thấy mở cửa, thoát sang nhà bên cạnh an toàn. Để làm được điều này, tổ trưởng tổ dân phố, hội phụ nữ... đóng vai trò vận động, nòng cốt, gương mẫu triển khai để tạo phong trào.
Theo một số chuyên gia, ngoài việc thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu, vận dụng khéo léo, lồng ghép quy định khi xin cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ phải có giải pháp thoát hiểm hoặc nhắc nhở chủ công trình lưu tâm thực hiện.
Bình luận (0)