"Trách nhiệm không của riêng ai"
Còn nhớ sau khi Ký sinh trùng gây được tiếng vang tại các liên hoan phim lớn trên thế giới, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã đăng trên trang cá nhân của ông rằng: "Chính phủ Hàn Quốc sẽ "sát cánh" cùng các nhà làm phim để giúp ngành công nghiệp điện ảnh xứ sở kim chi phát triển hơn nữa".
Có thể thấy chính phủ Hàn Quốc coi ngành công nghiệp giải trí là một trong những mũi nhọn của nền kinh tế quốc gia và đang đầu tư mạnh vào các bộ phim từ ngân sách quốc gia. Minh chứng như tác phẩm gần đây The Apartment with Two Women là bộ phim đầu tay của đạo diễn Kim Se In và được tài trợ bởi Học viện nghệ thuật điện ảnh Hàn Quốc. Đạo diễn Kim đã thừa nhận rằng như vậy bà chỉ tập trung vào việc làm phim. Từ viết kịch bản đến giai đoạn hậu kỳ, Học viện nghệ thuật điện ảnh Hàn Quốc đã hỗ trợ mọi thứ để tạo nên tác phẩm hoàn chỉnh.
"Một tác phẩm được tạo nên bởi tất cả song hành cùng nhau về tinh thần và vật chất. Và tôi nghĩ rằng phim Anh hùng (Hero and Hero) của tôi và những tác phẩm tiếp theo của những nhà làm phim lịch sử Việt Nam cũng cần được đầu tư song song giữa nhà nước và tư nhân. Có như vậy các nhà làm phim sẽ thêm rất nhiều động lực để cống hiến. Cá nhân tôi đến bây giờ, tôi chỉ thấy là tại sao vẫn không có một cơ quan nào liên quan đến văn hóa chịu trách nhiệm để những bộ phim về lịch sử chưa được triển khai một cách triệt để. Chúng ta cùng nhau hiểu rằng lịch sử là của chung, chúng ta đi lên từ đó. Chúng ta phải có trách nhiệm và phải cùng nhau bắt đầu. Nhà sản xuất tư nhân họ muốn làm nhưng nhiều khi khả năng kinh phí hạn hẹp và nhà nước cần phải dẫn đầu và dẫn dắt, đó cũng là cách khuyến khích cho cả ngành điện ảnh Việt Nam", đạo diễn Lương Đình Dũng trăn trở.
Đang khởi động thực hiện bộ phim điện ảnh có tên Anh hùng, một dự án phim về lịch sử liên quan đến thảm án Lệ Chi Viên, đạo diễn Lương Đình Dũng vẫn cho rằng thách thức lớn nhất của dòng phim về lịch sử chính là kinh phí. Khi đảm bảo yếu tố này rồi thì những vấn đề khác sẽ hanh thông.
Đồng quan điểm với đạo diễn Lương Đình Dũng, nhà sản xuất Vũ Thị Ngọc Diệp cũng cho rằng việc chung tay sản xuất những bộ phim về lịch sử đã không còn là câu chuyện của một đơn vị hay cá nhân: "Đơn cử như ở Hàn Quốc hay Thái Lan, họ sở hữu những nhân lực sản xuất, nhà sản xuất uy tín, các ê-kíp làm phim đồng bộ. Từ đó họ có những ưu thế thu hút nguồn đầu tư điện ảnh lớn từ nước ngoài đến quay phim và làm phim tại quốc gia của họ và từ đó thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành điện ảnh nói chung".
Liên quan đến vấn đề kinh phí khi sản xuất một bộ phim về lịch sử, đạo diễn Đinh Thái Thụy cũng chỉ ra rằng vì không kêu gọi được nhiều nhà đầu tư để cùng chung tay nên phim lịch sử Việt Nam khi phát hành luôn gặp phải những "hạt sạn" lớn gây tranh cãi, giảm chất lượng phim. "Có thể thấy chất lượng các bộ phim về lịch sử Việt Nam khi đến với khán giả thường có bối cảnh chắp vá, đạo cụ sơ sài, phục trang hạn chế, các diễn viên thì vì lý do ăn khách để thu hồi vốn mà đạo diễn, nhà sản xuất buộc phải hướng tới các ngôi sao dù đôi khi ngoại hình và diễn xuất của họ không hợp hoặc chưa hoàn hảo với nhân vật lịch sử", đạo diễn Đinh Thái Thụy nhận xét.
Ngoài vấn đề trách nhiệm chung, kinh phí để có thể tạo nên một bộ phim lịch sử và tôn vinh văn hóa Việt đáng xem, nhà sản xuất trẻ Phan Thị Hải Minh cho rằng chúng ta không lo cạn kiệt ý tưởng làm phim vì có thể tận dụng sự "giàu có" của kho tàng lịch sử Việt Nam. Lịch sử Việt Nam chứa đầy những câu chuyện hấp dẫn, những nhân vật huyền thoại là một nguồn tham khảo ý tưởng phong phú và vô tận. Tuy nhiên cũng theo nhà sản xuất trẻ này thì để câu chuyện lịch sử được khai thác trên màn ảnh sẽ trở nên hấp dẫn người xem mà vẫn trong "khuôn khổ" lịch sử thì những nhà làm phim phải "đong đếm".
"Mình nghĩ khó khăn lớn nhất khi làm phim về lịch sử là việc đảm bảo được độ chính xác của các sự kiện lịch sử. Nhà làm phim luôn mong muốn thu hút nhiều đối tượng khán giả xem phim trong khi vẫn phải đảm bảo tính chính xác của lịch sử để tránh việc xuyên tạc hoặc chiếm đoạt văn hóa. Việc cân bằng hai yếu tố này thực sự là bài toán khó. Hơn nữa, một bộ phim không thể phác họa hết tất cả các chi tiết, sự kiện có trong lịch sử mà phải chọn lọc giữa các sự kiện lịch sử phức tạp đó và chuyển thành câu chuyện phim có cấu trúc thống nhất, mạch lạc mà vẫn truyền tải được tinh thần chủ đạo của giai đoạn lịch sử đó", nhà sản xuất trẻ Phan Thị Hải Minh phân tích.
Giải pháp nào để "khai thác mỏ vàng"?
Đạo diễn Lý Minh Thắng, người đang "cầm trịch" bộ phim điện ảnh Quỳnh hoa nhất dạ chia sẻ: "Khi thực hiện Quỳnh hoa nhất dạ, tôi và ê-kíp đều muốn mình phải đạt tới cái mức bản thân đề ra vì đã mất nhiều thời gian, tâm huyết. Chúng tôi là những người chưa có kinh nghiệm trong việc làm phim lịch sử nên phải mất rất nhiều thời gian để tìm tòi. Đến hôm nay, chúng tôi có những cái mà có thể tự tin rằng sẽ lần đầu tiên có ở phim Việt. Nhưng đến khi có được thì cái lớn nhất xảy ra là vốn đầu tư phát sinh khá nhiều. Chúng tôi quyết tâm kêu gọi tiếp để có chất lượng tốt nhất cho bộ phim của mình. Về cách làm phim lịch sử, với riêng tôi, mình cần xem yếu tố nào là ưu tiên nhất. Chẳng hạn mình có 10 đồng, mình không thể rải đều mà phải ưu tiên cho cái mà khán giả chờ đợi nhất. Như phim Quỳnh hoa nhất dạ, phần nhìn là cái tôi chú tâm nhất. Mình thỏa mãn cái nhìn của khán giả để mọi người thoải mái tiếp nhận câu chuyện. Song song đó, chúng ta không thể bỏ qua khâu kịch bản. Một kịch bản thông minh sẽ làm phim hiệu quả, tiết kiệm rất nhiều".
Còn đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, người từng thực hiện Phượng khấu đã chia sẻ kinh nghiệm để có thể tạo nên một bộ phim lịch sử thành công: "Chúng ta cần có biện pháp đấu thầu, tuyển chọn đạo diễn… Tức là cách làm của mình phải khác. Kể cả đạo diễn muốn làm dự án cũng phải nộp hồ sơ vào như kiểu casting. Không thể làm phim lịch sử một cách tùy hứng và không bền. Đã đến lúc phải nhìn dự án phim lịch sử giống như một dự án khởi nghiệp, phải có quy trình. Mỗi đạo diễn có một góc nhìn và ai muốn thắng thì phải thuyết trình. Mọi thứ phải được vận hành một cách khoa học. Chúng ta phải có nguồn lực của toàn xã hội, chúng ta dân chủ trong việc tuyển chọn đạo diễn giỏi cho đề tài phim lịch sử".
Khi được đặt vấn đề về "bí kíp" để có thể làm nên một bộ phim tôn vinh lịch sử - văn hóa Việt, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng sẽ rất khó để các nhà làm phim hay đạo diễn, nhà sản xuất đưa ra bất cứ "tuyên ngôn" nào vì hầu như phim lịch sử ở Việt Nam đã công chiếu đều thất bại. Bản thân Lương Đình Dũng đang khởi động phim Anh hùng thì đến tận lúc này anh đã rút ra được những giải pháp đáng lưu tâm: "Khi tôi làm phim Anh hùng này, ngoài việc nắm được quy trình sản xuất một bộ phim lịch sử, tôi phải mời chuyên gia trong nước và nước ngoài cho từng khâu, kể cả khâu sản xuất phim. Tôi đã trải qua thực tế và hiểu rằng có những ý kiến của chuyên gia giúp mình kế thừa hàng chục kinh nghiệm ngay trong vài tiếng đồng hồ và tiết kiệm được số tiền rất lớn. Làm phim lịch sử ngoài việc có đủ tiền, đủ ê-kíp cũng phải có "bí kíp rất riêng" mới có thể làm tới được. Ví dụ như thoại thôi, làm thế nào để người đóng phim thể hiện được khẩu khí đế vương nếu đóng vai nhà vua? Theo tôi thì nội dung hay giọng nói chưa đủ. Nó phải có cách đặc biệt mới thể hiện ra được. Làm thế nào ra được hào khí của nhân vật, diễn xuất kèm câu chuyện cũng chưa đủ để toát lên hào khí đâu. Hay làm sao ra được uy nghi triều đình, nếu chỉ chờ vào bối cảnh, trang phục, số lượng người... Tất cả chỉ là bề ngoài và trong phim Anh hùng tôi sẽ làm ra được tất cả những điều đó để đi tới những gì khán giả mong đợi. Và để nói ra được những bí kíp đó tôi nghĩ phải mất hàng tháng trời mới nắm một cách trọn vẹn những phương pháp này".
Có lẽ tôn vinh lịch sử - văn hóa Việt Nam trên màn ảnh đã đến lúc không còn là câu chuyện của một cá nhân, đơn vị mà là sự góp sức từ rất nhiều ban ngành, đơn vị, tầng lớp như đạo diễn Cha cõng con trăn trở: "Cá nhân tôi thì nghĩ tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm để truyền cảm hứng nối dài sự hào hùng lịch sử đó cho muôn đời con cháu. Và tôi nghĩ bây giờ những người làm văn hóa ở bộ, ban ngành có trách nhiệm dẫn đầu và cùng thực hiện các đề tài phim lịch sử nói riêng và các hình thức nghệ thuật khác về lịch sử nói chung".
Bình luận (0)