Giải pháp nào để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp ở Bình Thuận?

13/08/2024 19:21 GMT+7

Dù có nhiều lợi thế, song các khu công nghiệp ở Bình Thuận vẫn kém sức hút so với các nơi khác thuộc vùng Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bình Dương hay Bà Rịa - Vũng Tàu. Giải pháp nào để thu hút nhà đầu tư vào Bình Thuận trong thời gian tới ?

Ngày 13.8, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phùng Hữu Cư, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) Bình Thuận cho biết, Bình Thuận có rất nhiều lợi thế để phát triển KCN vì nguồn lực đất đai có nhiều, vị trí nằm tiếp giáp với các vùng công nghiệp trọng điểm của Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... "Do vậy, phải có chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm thu hút nhà đầu tư vào các KCN ở Bình Thuận", ông Cư nói.

Lợi thế hạ tầng giao thông

Theo ông Phùng Hữu Cư, trong thời gian tới, Bình Thuận có nhiều cơ hội lớn để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào các KCN. Cụ thể, về hạ tầng giao thông cơ bản đã tháo được "điểm nghẽn", bắt đầu phát huy hiệu quả.

"Hiện nay Bình Thuận chỉ còn cách TP.HCM chỉ 2 giờ 30 phút, nhờ tuyến cao tốc đi qua. Cảng Vĩnh Tân trở thành cảng biển quốc tế, đáp ứng được vận tải hàng hóa bằng đường biển. Đó là chưa kể đến, hiện nay sân bay Phan Thiết đang triển khai gấp rút...", ông Cư cho hay.

Giải pháp nào để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp ở Bình Thuận?- Ảnh 1.

Một nhà máy may xuất khẩu trong KCN Phan Thiết (giai đoạn 2)

H.LINH

Theo ông Cư, đặc biệt là hiện nay quy hoạch các KCN của Bình Thuận được tích hợp vào quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. "Đây chính là cơ hội, là tiền đề lớn cho tỉnh thu hút các nhà đầu tư vào các KCN nay mai", ông Cư tin tưởng.

Giải pháp nào thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp ?

Theo Trưởng BQL các KCN Bình Thuận Phùng Hữu Cư, không gì hơn là phải tập trung tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp (DN) ngay từ lúc chuẩn bị đầu tư, đến đền bù giải tỏa để mau chóng đưa dự án vào hoạt động.

Mặt khác, để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp thì các KCN cũng phải triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, theo hướng công nghiệp - dịch vụ - đô thị, gắn với bảo vệ môi trường cảnh quan. Thúc đẩy nhanh tiến độ dự án thành lập khu kinh tế làm cơ sở mời gọi đầu tư vào các KCN.

Giải pháp nào để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp ở Bình Thuận?- Ảnh 2.

Đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề tại địa phương là góp phần thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào các KCN

H.L

Về thu hút đầu tư, theo ông Phùng Hữu Cư, cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến trong và ngoài nước. Thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư các sản phẩm lợi thế, có giá trị hàm lượng công nghệ cao.

"Tỉnh sẽ đặc biệt ưu tiên các dự án lớn, đồng bộ với các ngành công nghiệp phụ trợ, có dây chuyền công nghiệp hiện đại, ít tổn hại đến môi trường. Ngay từ bây giờ phải chuẩn bị tốt nguồn nhân lực tại chỗ có tay nghề", ông Cư nói thêm.

Trên cơ sở dự báo nhu cầu lao động, tỉnh sẽ khuyến khích các nhà đầu tư phát triển các trường dạy nghề, gắn liền với các KCN ở H.Hàm Tân, H.Hàm Thuận Nam, TX.La Gi. Vì đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao là khâu quan trọng trong quá trình phát triển các khu kinh tế, KCN hiện nay và tương lai.

Giải pháp nào để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp ở Bình Thuận?- Ảnh 3.

Đầu tư thiết bị mới trong các KCN ở Bình Thuận

H.LINH

Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải khẳng định: "Chủ trương của tỉnh về phát triển các KCN, khu kinh tế là nhất quán và luôn có chính sách ưu tiên, ưu đãi các nhà đầu tư tiềm năng".

Ông Hải cũng nhìn nhận tiến độ xây dựng các KCN thời gian qua còn chậm nhất do khâu đền bù giải tỏa. Do đó, yêu cầu các địa phương đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn cho DN trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Riêng KCN Tân Đức (giáp ranh Đồng Nai), ông Hải cho biết đã bàn giao đất cho chủ đầu tư được hơn 230 ha; phấn đấu hoàn thành đầu tư hạ tầng KCN Tân Đức trong tháng 4.2025. Sớm hình thành Tổ hợp kho cảng khí LNG tại khu vực Hàm Tân - La Gi gắn với bến cảng tổng hợp Sơn Mỹ để thu hút các nhà đầu tư vào KCN Sơn Mỹ.

Bên cạnh đó, ông Hải cũng yêu cầu rà soát, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp chậm triển khai hạ tầng KCN với lý do không chính đáng; gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.

Quá trình xây dựng triển khai, ưu tiên tháo gỡ các khó khăn của DN sớm nhất; đồng thời gắn với việc thực hiện tốt an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.