Giải pháp nào phát triển bóng đá trẻ Việt Nam?

20/10/2020 10:37 GMT+7

Khi rất nhiều đội hạng nhất, thậm chí ngay cả một vài đại diện V-League vẫn chưa xây dựng được hệ thống đào tạo trẻ toàn diện thì dễ hiểu vì sao rất nhiều khu vực kinh tế khó khăn “trắng bóng đá ”, dù tiềm năng rất lớn.

Mong VFF lập quỹ hỗ trợ các địa phương nghèo

Phó giám đốc Trung tâm đào tạo huấn luyện thi đấu TDTT An Giang Nhan Thiện Nhân tỏ ra rất đồng tình với quan điểm HLV Hoàng Anh Tuấn đưa ra trên Thanh Niên hôm qua, khi chia sẻ: “Làm bóng đá phải phát triển đào tạo trẻ mới vững bền. Nhờ những doanh nghiệp, đơn vị có tiền như HAGL, Viettel, Hà Nội, PVF... bóng đá VN mới phát triển tốt như hiện tại, có thế hệ bổ sung tạo ra bề dày nhất định. Nhưng nếu mở rộng thêm các tỉnh thành khác thì sẽ tốt hơn nữa, vì tỉnh nghèo cũng có nhân tài, chỉ không có điều kiện để phát hiện, bồi dưỡng; nếu để sót thì rất uổng phí. Thực tế người An Giang rất mê bóng đá, lãnh đạo tỉnh rất ủng hộ, nhưng kinh phí có hạn nên chỉ đào tạo ở một chừng mực nào đó trong lúc chờ một doanh nghiệp tiếp sức để đội lên chơi ở V-League”.
Theo ông Nhan Thiện Nhân, nếu VFF và BTC các giải trẻ miễn tiền phí dự giải, thậm chí hỗ trợ các trung tâm khó khăn chi phí dự giải, thì chắc chắn số lượng các đội trẻ dự giải sẽ tăng nhiều. “Hằng năm, bóng đá trẻ mỗi tuyến của tỉnh An Giang chỉ dự 1 giải, đến giải thứ 2 là không có tiền. Cũng vì ít kinh phí nên chúng tôi không dám tập huấn dài ngày, dự giải bữa trước hôm sau phải về ngay chứ không dám đi giao lưu thêm xung quanh vì sợ phát sinh chi phí... Ngoài ra, mong sao VFF sẽ là cầu nối để tập hợp các doanh nghiệp có tiềm lực và tâm huyết hỗ trợ cho các địa phương nghèo như chúng tôi. Nếu có thể, VFF mở thêm một giải trẻ khác song song kiểu như Cúp quốc gia trẻ chẳng hạn, nếu bỏ được lệ phí và có nguồn quỹ để hỗ trợ, tôi tin rằng các địa phương sẽ rất nhiệt tình tham dự vì các em có thêm cơ hội trau dồi, cọ xát và trưởng thành. Nếu có một nguồn quỹ để dành riêng hỗ trợ các tỉnh nghèo, hằng năm VFF có thể tài trợ, bổ sung dụng cụ tập luyện, thi đấu, sân bãi... để bóng đá VN có chân đế rộng khắp. Những tỉnh nghèo chưa có đội chuyên nghiệp vẫn có thể tuyển sinh và đào tạo làm vệ tinh cho những CLB lớn hơn. Dần dần như thế bóng đá VN sẽ có thể tuyển được đầu vào nhiều và rộng hơn”, ông Nhân nói.

Chờ bóng đá cộng đồng trước khi mơ bóng đá học đường

Chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh nhấn mạnh: “Nghệ An là một địa phương giàu tiềm năng và tự hào rằng VFF có giải nào thì SLNA đá giải đó, với tổng quân số trẻ hiện tại ăn tập thường xuyên là 200 em. Nhưng chúng tôi thấy như thế còn chưa đủ, vì bóng đá trẻ, đào tạo VĐV phải làm từ nhỏ, không phải 11 mà là 9 tuổi. Để làm được điều này phải trông chờ vào bóng đá học đường và bóng đá cộng đồng. Ở những trung tâm lớn như Hà Nội, TP.HCM, bố mẹ kinh tế khá giả có thể bỏ tiền để con sau giờ học tham gia các lớp bóng đá cộng đồng từ 6, 7, 8 tuổi. Điều này giúp các em có không gian vận động, tránh béo phì và nuôi dưỡng niềm vui, đam mê với trái bóng. Đó cũng là một cách để những cựu cầu thủ sau khi giải nghệ vừa làm thỏa đam mê vừa có tiền thêm bồi dưỡng, đồng thời tăng thêm cơ hội cho các tuyển trạch viên phát hiện những hạt mầm ưu tú. Nếu Bộ GD-ĐT đưa bóng đá thành môn chính khóa thì càng tốt vì sẽ có tính tổ chức cao hơn. Khi đó, cùng với sự kết hợp của VFF thì bóng đá VN mới có thể mơ có lực lượng sinh viên học sinh đá bóng giỏi như Nhật Bản, Hàn Quốc”.
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương cho biết ai cũng hiểu tầm quan trọng của bóng đá học đường, nhưng trong hoàn cảnh rất nhiều trường học còn thiếu cơ sở vật chất, sân chơi thể thao cho học sinh vẫn còn nan giải chứ đừng nói chuyện mở sân bóng để các em tập. Ông Xương chia sẻ: “Nhiều địa phương ngoài việc chờ đợi tiền ngân sách rót xuống còn mong VFF “hà hơi tiếp sức” mới có thể phát triển mạnh các trung tâm bóng đá cộng đồng. Làm bóng đá cộng đồng dễ thu hút các em nhỏ tập hợp đào tạo tập trung rồi cho cọ xát ở những giải đấu do các đơn vị tư nhân tổ chức. Từ đó nhân tài sẽ ló dạng. Sau này, khi các trung tâm cộng đồng đủ mạnh, có nguồn lực dồi dào thì các tuyến năng khiếu sẽ chăm bón các tài năng một cách cụ thể. Đó cũng là cách phát triển mạnh hơn nữa bóng đá trẻ trong tình hình phát triển ở trường học còn hạn chế”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.