Nhu cầu thanh toán điện tử hiện đang trở nên phổ biến tại VN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phần lớn các ngân hàng chỉ tập trung làm việc với các doanh nghiệp lớn mà bỏ quên phân khúc thị trường đầy tiềm năng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Nagesh DeVata - Phó chủ tịch cấp cao phụ trách phát triển thị trường của MasterCard khu vực Châu Á-Thài Bình Dương - chia sẻ về tầm quan trọng của thanh toán điện tử
|
Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Nagesh Devata, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách phát triển thị trường của MasterCard khu vực Châu Á TBD về các giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thưa ông, tầm quan trọng của chấp nhận thanh toán điện tử đối với các cửa hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) là gì? Điều này có thể đem lại sự khác biệt gì cho việc kinh doanh của họ?
Khuyến khích thanh toán điện tử tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ là cơ hội để các ngân hàng gia tăng thị phần
Có hai điểm chính mà chúng tôi muốn nói tới khi thanh toán điện tử đó chính là xu hướng dịch chuyển từ tiền mặt sang thanh toán điện tử và xu hướng dịch chuyển hình thức kinh doanh truyền thống sang kinh doanh trực tuyến. Dựa trên hai xu hướng này từ phía người tiêu dùng cũng như đơn vị kinh doanh, tôi cho rằng thanh toán điện tử nói chung và thanh toán thẻ điện tử nói riêng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Một trong những lợi điểm lớn nhất mà thanh toán điện tử đem lại cho các đơn vị kinh doanh vừa và nhỏ đó chính là ngoài hình thức kinh doanh truyền thống, họ có thể tiếp cận được người tiêu dùng mới với nhiều kênh khác nhau thông qua giao dịch trực tuyến như trang web, mạng xã hội facebook, twitter… Lợi điểm thứ hai đó là, thanh toán điện tử có thể giúp họ tối ưu hóa mô hình kinh doanh. Mọi phát sinh giao dịch đều được lưu trữ điện tử một cách khoa học. Điều này góp phần làm tăng chất lượng và hiệu quả kinh doanh, giúp doanh nghiệp của họ phát triển bền vững và hiệu quả hơn.
Đâu là những thách thức mà các ngân hàng đối mặt khi khuyến khích các doanh nghiệp SME chấp nhận thanh toán điện tử?
Tôi cho rằng đây là câu hỏi rất hay, bởi thách thức này không chỉ dành cho các ngân hàng, mà đó cũng chính là thách thức của chúng tôi. Với xu hướng các ngân hàng đang chạy theo miếng bánh lợi nhuận từ các doanh nghiệp lớn, thì việc khuyến khích họ bắt tay với các SME là điều không đơn giản.
Khi làm việc trực tiếp với các ngân hàng, chúng tôi phải giúp họ định hướng được rằng, mô hình hợp tác với các doanh nghiệp lớn và các SME là hoàn toàn khác nhau. Chúng ta không nhất thiết phải tập trung khai thác hết các nhóm doanh nghiệp mà cần phải xác định được ngành hàng nào đang thực sự tiềm năng và phù hợp với xu hướng tiêu dùng nhất, từ đó đưa ra các giải pháp thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, với từng ngân hàng, chúng tôi phải có những giải pháp cụ thể khác nhau về quản lý rủi ro, vận hành hệ thống, qui trình làm việc trực tiếp với cửa hàng … để đảm bảo tính hiệu quả. Tôi cho rằng, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức cho cả ngân hàng cũng như các tổ chức kinh doanh thẻ như chúng tôi.
Trong bối cảnh khi mà các ngân hàng chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn với những doanh số và lợi nhuận cao, các ngân hàng có thể hưởng lợi ích gì khi họ khuyến khích các cửa hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ chấp nhận thanh toán điện tử?
Trước khi nói đến lợi ích, tôi muốn nói đến rủi ro khi các ngân hàng chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn, đó chính ra việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng cùng các cuộc chiến về giá. Điều đó không chỉ làm ảnh hưởng thị trường mà còn khiến doanh thu lợi nhuận của họ bị sụt giảm đáng kể. Vậy thì, thay vì chúng ta chỉ tập trung nguồn lực vào miếng bánh thị phần nhỏ, hãy mở rộng sang thị trường đang rất rộng lớn và tiềm năng là các SME. Với thị trường này, chỉ cần chúng ta tìm kiếm được giải pháp và mô hình phù hợp, thì các ngân hàng có thể tối ưu hoá lợi nhuận cũng như gia tăng thị phần ngày càng tốt hơn.
Khuyến khích thanh toán điện tử tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ là cơ hội để các ngân hàng gia tăng thị phần
MasterCard đã thực hiện những mô hình hoạt động khác nhau nào để có thể giúp các ngân hàng giảm thiểu rủi ro và gia tăng số lượng khách hàng?
Khi làm việc với các ngân hàng, chúng tôi sẽ từng bước giúp họ thiết kế lại mô hình kinh doanh từ việc đánh giá rủi ro đến việc thay đổi cách tiếp cận các doanh nghiệp. Cụ thể là với doanh nghiệp lớn, chúng ta sẽ tập trung đánh giá vào lợi nhuận, nhưng với doanh nghiệp nhỏ, chỉ có thể tập trung vào hiệu quả kinh doanh, rút ngắn các bước quản lý thanh toán trong doanh nghiệp.
Hiện nay, hầu hết tiềm năng và nội lực của các ngân hàng chưa sẵn sàng cho việc tiếp cận các doanh nghiệp nhỏ. Do đó, chúng tôi đưa ra mô hình trung gian thanh toán (Payment Facilitator - PF) để tiếp cận các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là mô hình mới được phát triển gần đây trong khu vực cũng như trên thế giới. Theo đó, PF sẽ là cầu nối giữa các ngân hàng truyền thống với các đối tác kinh doanh nhỏ. Họ sẽ làm thay cho ngân hàng những công việc như tìm kiếm khách hàng, thẩm tra và ký thoả thuận, thậm chí họ có thể đặt máy chấp nhận thẻ cho các cửa hàng. Với cách làm này, ngân hàng sẽ tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực và chi phí mà vẫn đảm bảo lợi nhuận cần thiết.
MasterCard có tác động nào trong việc nối liền khoảng cách giữa các ngân hàng và các doanh nghiệp, cửa hàng nhỏ?
Chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với các đối tác như ngân hàng, các công ty trung gian thanh toán để đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm giúp các ngân hàng tiết kiệm được thời gian, chi phí và nguồn lực. Đồng thời, chúng tôi thường xuyên đưa ra các thông tin và kiến thức cần thiết đến các chủ cửa hàng, đại lý cũng như người tiêu dùng về các lợi ích, độ an toàn và tính tiện dụng trong việc sử dụng thanh toán điện tử nhằm kích thích sự tăng trưởng kinh tế cũng như góp phần tạo sự minh bạch trong các hoạt động thanh toán.
Cám ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!
Bình luận (0)