Giải Pulitzer cân nhắc thay đổi quy chế đề cử

28/08/2023 11:47 GMT+7

Giải Pulitzer lâu đời và quan trọng nhất nước Mỹ gần đây đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều xoay quanh quy định cứng nhắc về các tiêu chí xét duyệt đề cử, theo The Washington Post.

Các hạng mục của giải Pulitzer từ lâu đã có rất nhiều yêu cầu tương đối khắt khe, một trong số đó là các tác phẩm phải được chấp bút bởi các “nhà văn Mỹ”, mà giải thưởng này định nghĩa là “công dân Hoa Kỳ”.

Giải Pulitzer cân nhắc thay đổi quy chế đề cử - Ảnh 1.

Các tác giả Javier Zamora, Ingrid Rojas Contreras, Francisco Cantú kêu gọi giải Pulitzer thay đổi chính sách của mình

TD tổng hợp

Ngoại lệ của quy định trên nằm ở hạng mục Lịch sử dành cho tác giả ở mọi quốc tịch, miễn là chủ đề của tác phẩm đó bàn về lịch sử Mỹ. Một ví dụ khác là hạng mục Báo chí, khi giải thưởng này cũng không có yêu cầu về tiêu chí trên.

Thế nhưng điều đó có thể sẽ sớm thay đổi. Mới đây, Marjorie Miller - người quản lý giải thưởng cho biết, Hội đồng Pulitzer sẽ đưa ra các quy định mới vào giữa tháng 10. Bà nói: “Chắc chắn có sự đồng thuận rằng quyền công dân là một quyết định đang quá hạn chế khi bắt buộc tác giả phải có quốc tịch Mỹ”.

Miller cho biết, mặc dù các nhà xuất bản và nhiều nhà văn đã nêu vấn đề này trước đây, nhưng chỉ khi một số sự kiện gần đây thu hút dư luận thì các thay đổi mới được cân nhắc.

Trước đó, thành viên của ban giám khảo cho hạng mục hồi ký /tự truyện được trao lần đầu năm nay (cho Stay True của tác giả gốc Đài Loan, Hua Hsu), cũng từng bày tỏ việc yêu cầu về quyền công dân để xét duyệt 3 tác phẩm vào vòng đề cử là quá hạn chế.

Ingrid Rojas Contreras, người có cuốn hồi ký The Man Who Could Move Clouds (tạm dịch: Người dịch chuyển mây) từng lọt vào vòng chung khảo giải Pulitzer, cho biết cô đã ký vào bức thư ngỏ đề nghị giải thưởng thay đổi tiêu chí, sau khi biết về quy định khắt khe về mặt quốc tịch trong một bài luận của nhà thơ Javier Zamora được đăng trên tờ Los Angeles Times.

Cô nói “Sau khi đọc bài viết của Javier, tôi nghĩ đến nhiều cuốn sách mà mình yêu thích vốn được viết ra bởi rất nhiều nhà văn có xuất thân phức tạp và không có giấy tờ hợp pháp. Tôi thử tưởng tượng những tác phẩm ấy không được xuất bản, và điều đó làm tôi đau lòng”.

Còn với người đã tiên phong kêu gọi một sự xét lại, Zamora nói: “Tôi biết gần như chắc chắn rằng nhập cư là một trong những vấn đề lớn của thế kỷ này”. Anh chia sẻ: “Tôi phải di cư vì các chính sách quân sự của Mỹ ở đất nước tôi (El Salvador). Và giờ tôi đã ở đây, viết bằng tiếng Anh. Tôi nghĩ mình biết nhiều từ tiếng Anh hơn tiếng Tây Ban Nha. Do đó việc có hay không có giấy khai sinh hoặc quyền công dân vào thời điểm này thật sự không có ý nghĩa gì cả”.

Nhà văn và dịch giả Francisco Cantú, một trong những người ủng hộ lời kêu gọi trên, cho biết: “Trên thực tế, tôi nghĩ gần như có thể đưa ra lập luận ngược lại - rằng để thực sự hiểu nước Mỹ, bạn phải hiểu việc không là công dân của một nước lớn nghĩa là thế nào”.

Các nhà Pulitzer theo dõi một loạt các tổ chức gần đây đang vật lộn với việc liệu và làm thế nào để thay đổi các định nghĩa về mối quan hệ giữa văn học và quốc tịch.

Theo đó giải Booker, ban đầu được thành lập như một giải thưởng dành cho người Anh, như giải Goncourt dành cho người Pháp, cũng đã có những bước đi mạo hiểm. Kể từ khi mở rộng tiêu chí xét giải cho cả những nhà văn Mỹ vào năm 2014, giải thưởng nói trên đã gặp phải nhiều phản ứng dữ dội.

Điều này bắt nguồn từ sự lo lắng, bởi nhiều cá nhân trong ngành văn học lo ngại rằng giải Booker sẽ bị mất đi đặc tính riêng biệt. Những lời kêu gọi thay đổi lại quy tắc này vẫn còn tiếp tục từ đó đến nay, đặc biệt là trong một số năm gần đây khi người Mỹ chiếm hơn một nửa danh sách đề cử.

Trong khi đó, tại Mỹ, Học viện các nhà thơ Mỹ và tổ chức thơ vào năm 2015 cũng đã mở rộng điều kiện xét duyệt đề cử bao gồm những người nhập cư có tư cách pháp nhân tạm thời, sau đơn thỉnh cầu của nhóm Undocupoets do Zamora khởi xướng. 

Giải Sách quốc gia cũng có bước đi tương tự, khi nới lỏng tiêu chí bắt buộc về quốc tịch với các tác giả vốn đã tồn tại một cách xuyên suốt từ khi thành lập vào năm 2018. Theo đó, nếu một tác giả đã sống ở Mỹ ít nhất 10 năm và tự coi mình là “một người nhập cư hiện đang tích cực theo đuổi quyền công dân” hoặc “về mặt pháp lý không thể theo đuổi con đường thông thường để trở thành công dân”, thì đều sẽ được cân nhắc. Giải thưởng PEN/Faulkner đã bỏ yêu cầu về quyền công dân và mở rộng cho các thường trú nhân Mỹ.

Giải Pulitzer cân nhắc thay đổi quy chế đề cử - Ảnh 2.

Pulitzer được xem là một trong những giải thưởng cao quý nhất trong ngành báo chí và nghệ thuật Mỹ

Adweek

Hội đồng Pulitzer hiện đang xem xét cũng như đánh giá các giải thưởng có quy mô tương tự, trước khi quyết định có thay đổi hay không những tiêu chí mới của bản thân mình.

Miller nói: “Những gì chúng tôi đang làm hiện nay là cố gắng tìm ra một định nghĩa mới để làm rõ hơn sự quan tâm này. Chúng tôi sẽ có một cách thức mới để hoàn thiện nó, và hy vọng nó có hiệu quả, còn nếu không, chúng tôi sẽ phải tiếp tục thay đổi”. Nhưng “chúng tôi chắc chắn muốn nó vẫn là một giải thưởng Mỹ”, bà nói thêm. Điều này có nghĩa là “chúng tôi có thể mở rộng sang các tác phẩm được xuất bản bằng tiếng Anh tại Mỹ”.

Jose Antonio Vargas, người sáng lập nhóm vận động Define American cho biết: “Tôi nghĩ quyết định thay đổi chính sách lần này nếu được thực hiện sẽ tạo ra được ảnh hưởng to lớn, không chỉ ở cấp quốc gia mà còn ở cả cấp độ địa phương”. Ông nói: “Đối với tôi, đây rõ ràng là bước đầu tiên. Giờ thì mọi tổ chức đều phải xem xét tiêu chí của mình một cách cẩn trọng”.

Tham vọng của Zamora còn vươn xa hơn chỉ một giải thưởng: “Nó không chỉ đúng với giải Pulitzer”. Và anh không chỉ quan tâm đến những người nhập cư Mỹ có giấy tờ: “Điều tôi đang cố đấu tranh là cho cả ai không có giấy tờ gì cả nhưng đã chấp bút viết một cuốn sách, trong số rất nhiều cuốn sách mà họ chính là tiếng nói phản ánh hiện thực cùng các đồng nghiệp của mình”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.