Thế nhưng sau mỗi đề xuất, lại là sự nghi ngại, phập phồng, bởi trên thực tế, xung quanh việc giải tỏa ùn tắc, quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất có đến hàng chục dự án lớn nhỏ trong suốt nhiều năm qua.
Từ tăng tốc sân bay Long Thành, xây nhà ga T3, mở rộng đường vào sân bay, làm cầu bộ hành, cải tạo kênh thoát nước... nói chung là không thiếu giải pháp gì. Chỉ có điều, hầu hết các giải pháp được đánh giá là hiệu quả này đều triển khai rất ì ạch, trong khi tốc độ tăng trưởng lượt khách tới sân bay ngày một tăng, dẫn tới hệ quả tất yếu là quá tải.
Mà quá tải thì chắc chắn sẽ kéo theo một loạt các hệ lụy về chất lượng và dịch vụ như chúng ta đã chứng kiến. Thế nên bát nháo taxi, nếu chỉ đổ lỗi cho phân luồng, cho điều hành thôi thì chưa đủ. Đó chỉ là cái ngọn. Muốn xử lý triệt để, phải giải quyết từ gốc của vấn đề.
Nhưng không chỉ có sân bay Tân Sơn Nhất, tình trạng nói nhiều làm chẳng bao nhiêu cũng xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề. Ví dụ như các dự án bãi đậu xe ngầm tại TP.HCM cả thập kỷ qua vẫn nằm trên giấy trong khi khu vực trung tâm thiếu trầm trọng chỗ để xe. Các dự án chống ngập ở thủ đô cũng như TP đầu tàu của cả nước cứ đến hẹn lại mang ra bàn nguyên nhân, giải pháp để rồi hết mùa mưa này qua mùa mưa khác, người dân vẫn khốn khổ sống chung ngập, lụt.
Ở bình diện quốc gia, hàng loạt dự án trọng điểm cũng đang tắc giải ngân, nguy cơ gây ảnh hưởng đến chương trình phục hồi kinh tế.
Có thể thấy, căn bệnh ì ạch, chậm trễ, đội vốn, đội tiến độ ngày càng trầm kha. Căn bệnh này không chỉ xảy ra với các dự án, công trình mà tồn tại, lưu cữu ở mảng thủ tục hành chính công. Nhìn lại lịch sử, từ cách đây hơn 2 thập kỷ vấn đề cắt bỏ “giấy phép con”, cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư đã được đặt ra, quyết liệt thực hiện thì cho tới bây giờ, “giấy phép cháu”, “giấy phép chắt” vẫn còn đầy. Số liệu mới nhất cho thấy, trong nửa đầu năm nay, các bộ, ngành mới chỉ cắt giảm được 641 trong tổng số 12.451 quy định kinh doanh hiện có, còn tồn tại hàng ngàn quy định bất cập trói chân, trói tay doanh nghiệp. Hệ quả là thủ tục cho một dự án xây dựng vẫn mất từ vài năm đến chục năm.
Không những thế, môi trường đầu tư hiện nay còn mắc thêm một căn trọng bệnh, đó là bệnh sợ ký, sợ trách nhiệm. Lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền, các địa phương cứ “đá qua đá lại”, doanh nghiệp chạy theo bở hơi tai vẫn không xong việc. Tất nhiên, nói cho sòng phẳng thì lỗi một phần rất lớn ở việc này là hệ thống quy định pháp luật chỗ thì chưa bao quát, chỗ lại chồng chéo dẫn tới cách hiểu và thực thi khác nhau. Và để “cho lành” thì nhiều người chọn giải pháp né ký. Mà không ký thì tất nhiên là chậm dây chuyền...
Ở thời điểm hiện tại là phục hồi kinh tế sau đại dịch nhưng về lâu dài, cải thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư là để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước. Mà muốn thực hiện được điều này, một trong những việc phải làm ngay là giải quyết triệt để căn bệnh chậm tiến độ đang diễn ra trên khắp các mặt trận kinh tế - xã hội của đất nước.
Bình luận (0)