Cụ thể, Điều 3 Quyết định 79 ban hành ngày 21.10.2024 của TP.HCM quy định rất rõ: "Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã tiếp nhận hồ sơ của người sử dụng đất trước thời điểm Quyết định 79 có hiệu lực thi hành, giá đất để tính nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai được tiếp tục thực hiện theo quy định tại thời điểm nộp hồ sơ". Nghĩa là hồ sơ nhà đất của người dân, trong đó có hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, nộp trước ngày 31.10.2024 sẽ được áp dụng bảng giá đất trong Quyết định 02 và theo Quyết định 56 về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K). Thế nhưng, công văn số 10640 ngày 28.10.2024 của Cục Thuế TP.HCM lại hướng dẫn: "Về thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất thực hiện theo khoản 3 điều 155 luật Đất đai 2024 và ngày hiệu lực của bảng giá đất theo Quyết định 79". Căn cứ vào công văn này, các chi cục thuế tính tiền sử dụng đất cho người dân bằng cách vẫn giữ hệ số K, nhưng lại bỏ hạn mức. Thời điểm đó, Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, đơn vị góp ý xây dựng luật Đất đai 2024, đã có văn bản gửi UBND TP.HCM đề nghị chỉ đạo cơ quan thuế thực hiện nghiêm túc các điều khoản theo Quyết định 79, vì cho rằng giữa Quyết định 79 của UBND TP.HCM và văn bản 10640 của Cục Thuế TP.HCM có sự vênh nhau, không đồng nhất, thống nhất về cách hiểu, cách thực hiện, cách áp dụng khiến người dân bị thiệt thòi...
Cứ tưởng những trường hợp này đã được giải quyết, nhưng tới nay vẫn còn nhiều hộ dân phản ánh đến Báo Thanh Niên về việc nộp hồ sơ trước ngày 31.10 nhưng vẫn bị áp tiền sử dụng đất cao gấp 4 - 5 lần so với bảng giá cũ, vượt quá khả năng tài chính của họ. Thiết nghĩ, với các trường hợp này, TP cần chỉ đạo giải quyết cho người dân, cũng là phù hợp với quy định mà TP ban hành.
Ngoài ra, giá đất theo bảng giá mới tăng mạnh của các địa phương cũng đang gây lo ngại ảnh hưởng đến môi trường đầu tư khi chi phí thuê đất, tiền sử dụng đất quá cao, kéo theo vốn đầu tư tăng cao, giá bất động sản sẽ tiếp tục đội lên. Mấy năm vừa qua, nhiều dự án "nghẽn" tiền sử dụng đất, doanh nghiệp muốn đóng nhưng do không định giá được nên treo lơ lửng, gây khó khăn cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà. Với giá đất mới tăng mạnh hiện nay, nỗi lo tiền sử dụng đất quá cao cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa...
Trên thị trường, bảng giá đất mới ngay từ cuối năm 2024 đã khiến mặt bằng giá bất động sản tăng 15 - 20%, theo tính toán của Bộ Xây dựng. Đến đầu năm nay, giá nhà đất tiếp tục "nóng" và chưa có điểm dừng. Theo khảo sát của Hiệp hội bất động sản TP.HCM, nhà vừa túi tiền đã "tuyệt chủng", thị trường chỉ còn căn hộ cao cấp. Với giá đất mới tăng mạnh, nếu không có giải pháp đồng bộ, chắc chắn sẽ rất khó khắc phục tình trạng "kim tự tháp nhà ở bị lộn ngược đầu", bị lệch pha sản phẩm nhà ở, lệch về phía phân khúc nhà ở cao cấp, nhưng lại rất thiếu nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội tại một số đô thị lớn hiện nay.
Bảng giá đất tiệm cận giá thị trường nhưng giá thị trường lại là mức giá mà chúng ta đang đánh giá là quá cao. Đó chính là vấn đề cần giải quyết để giá đất không trở thành điểm nghẽn với cả cá nhân, doanh nghiệp lẫn môi trường đầu tư.
Bình luận (0)