Giải quyết khiếu nại tố cáo còn có nhiều sai sót

10/10/2021 13:50 GMT+7

Theo báo cáo của Chính phủ, việc xảy ra sai sót đặc biệt nhiều ở cấp cơ sở. Có tới 15,4% quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo lần đầu phải sửa đổi hoặc hủy bỏ.

Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vừa thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký gửi Báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021 gửi tới kỳ họp 2 Quốc hội khóa XV.

Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vừa ký báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo gửi tới Quốc hội

gia hân

Ngoài các kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ chỉ rõ khá nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm vừa qua.

Theo đó, Chính phủ cho rằng, mặc dù được quan tâm triển khai nhưng việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật ở một số lĩnh vực làm phát sinh khiếu nại, tố cáo còn chậm, chưa kịp thời.

Cụ thể, báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh, những bất cập của chính sách, pháp luật nêu tại mục nguyên nhân của tình hình khiếu nại tố cáo như luật Đất đai 2013, quy định về quy hoạch đô thị, môi trường, chuyển đổi mô hình chợ truyền thống,...

Cũng theo Chính phủ, một số địa phương chưa chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu; chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân chưa cao.

Báo cáo dẫn chứng, có 22,3% số lượt tiếp của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp được ủy quyền, phân công tiếp thay.

Một số địa phương, nhất là cấp cơ sở không niêm yết quy trình tiếp công dân, không mở sổ tiếp dân, ghi chép sổ tiếp dân không rõ ràng, có trường hợp cán bộ tiếp công dân còn sơ suất hoặc ứng xử không phù hợp dẫn đến người dân bức xúc; việc phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong công tác tiếp dân chưa tập trung, thiếu chuyên sâu…

Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ, “công tác xử lý đơn còn chậm, chồng chéo, sai sót về trình tự, thủ tục”; "việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền còn chậm, có nhiều sai sót, nhất là ở cấp cơ sở".

Theo phân tích kết quả giải quyết khiếu nại lần 2 cho thấy có 15,4% quyết định giải quyết lần đầu phải sửa đổi hoặc hủy bỏ; kết quả giải quyết tố cáo tiếp cho thấy có 10,4% tố cáo tiếp là đúng và 30,1% tố cáo tiếp có đúng, có sai.

Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền thấp (76,3%, giảm 7,2% so với năm 2020), chưa đạt mục tiêu đề ra (85%), nhất là giải quyết khiếu nại (71,3%).

Báo cáo cũng cho biết, tỷ lệ giải quyết khiếu nại của các địa phương chỉ đạt 66,5%. Các địa phương có tỷ lệ giải quyết khiếu nại đạt thấp (dưới 70%): Đà Nẵng, Hải Dương, Tuyên Quang, Quảng Bình, Hải Phòng, Hòa Bình, TP.Hồ Chí Minh, Bắc Kạn, Tây Ninh, Thừa Thiên - Huế.

Một số địa phương chưa tích cực rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài; chậm thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, tới nay, còn 13 vụ việc Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, kết luận nhưng đến nay chưa giải quyết xong.

Bên cạnh đó, báo cáo cho biết, công tác phối hợp giải quyết trong một số trường hợp còn hạn chế, bất cập và thiếu chặt chẽ; có vụ việc các cơ quan còn có ý kiến khác nhau, thiếu thống nhất dẫn đến tình trạng vụ việc chậm được giải quyết, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.