14 giờ ngày 5.3, tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, hầu như các phòng chụp chiếu đều đóng cửa. Có vài phòng mở cửa, trang thiết bị y tế (TTBYT) trong phòng được sắp xếp lại vì… hư hỏng. Ở phòng chụp cộng hưởng từ (MRI) có 3 bệnh nhân (BN) đang chờ đến lượt.
Ông T.V.C là BN chờ đến lượt cuối chụp MRI. Hai vợ chồng ông C. làm thợ hồ ở H.Nhà Bè (TP.HCM). Thứ sáu tuần rồi, ông C. bị mệt nên được đưa vào BV H.Nhà Bè, sau đó chuyển lên BV Chợ Rẫy với chẩn đoán u gan. Từ thứ sáu đến chủ nhật, ông đã làm xét nghiệm máu, chụp CT-Scanner và chờ chụp MRI để có thể đánh giá khối u. Vợ ông C. than thở đã 3 ngày rồi mới đến lượt. Bà kể hồi trước tết, bà bị gai cột sống lưng cũng vào BV Chợ Rẫy khám nhưng ở BV này quá tải nên phải chuyển qua BV khác chụp CT-Scanner. Cả đoàn khoảng chục chiếc xe 7 chỗ chở BN đi.
Cũng trong chiều 5.3, ông H. ngồi thư giãn ở hồ cá giữa BV Chợ Rẫy, chờ đến ngày hôm sau xạ trị. Ông H. cho biết mình bị u não phải xạ trị 22 tia nhưng BV Chợ Rẫy có đến 4/5 máy xạ trị hư, chỉ còn 1 máy hoạt động. Do đó, thông thường thì với 22 tia, ông H. chỉ mất 4 tuần là xong, còn đằng này ông cũng mất 4 tuần nhưng mới chỉ được 14 tia. Cũng tại khu vực hồ cá thư giãn của BV Chợ Rẫy, nhiều BN bàn tán về việc các BV hết hóa chất, hư hỏng máy móc khiến phải chờ lâu, hoặc chuyển sang nơi khác chụp chiếu.
KHÓ KHĂN TỪNG KÉO DÀI GẦN 1 NĂM
Thực tế, từ tháng 4.2022, các BV ở TP.HCM đã bắt đầu dấy lên hiện tượng thiếu thuốc, vật tư và TTBYT, ảnh hưởng rất lớn đến khám chữa bệnh (KCB). Nhiều TTBYT hư hỏng không sửa chữa được, không có sinh phẩm, hóa chất để vận hành… Nguyên nhân, tựu trung xoay quanh bất cập trong các quy định liên quan về đấu thầu, mua sắm…
Vào thời điểm ngày 25.8.2022, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đến làm việc tại BV Chợ Rẫy. Tại cuộc làm việc này, bác sĩ (BS) Bùi Phú Quang, Chủ tịch Công đoàn BV Chợ Rẫy, cho hay BV rất vướng về máy móc, thiết bị. Vào cuối năm các khoa báo cáo nhu cầu trang thiết bị lên nhưng chỉ giải quyết những trường hợp khẩn cấp, còn 80% trang thiết bị các khoa yêu cầu thì chưa được. Tất cả do vướng luật!
Thời điểm đó, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế hứa sẽ nhanh chóng kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu TTBYT, thuốc để có điều kiện chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế tâm sự: "Tôi đọc báo và thật sự rất đau lòng khi để BN ra ngoài mua thuốc, TTBYT mang vào cho BS KCB. Chưa bao giờ trong lịch sử ngành y có như vậy".
Các BV và cả ngành y tế đều đồng loạt kiến nghị bởi tình hình khó khăn nếu kéo dài và không được giải quyết triệt để, các BV công lập có nguy cơ phải đóng cửa. Trước tình thế đó, Quốc hội và Chính phủ tiếp thu, ban hành Nghị quyết 144 năm 2022 và mới đây là Nghị quyết 30 (NQ30) và Nghị định 07 (NĐ07).
Ông Tôn Văn Tài, Trưởng đơn vị đấu thầu BV Chợ Rẫy, khẳng định: "NĐ07 của Chính phủ ban hành đã giải quyết được nhiều vấn đề. Chúng tôi sẽ triển khai và bắt đầu đấu thầu, mua sắm phục vụ KCB. Nhưng quy trình một cuộc đấu thầu cho ra kết quả phải mất 2 - 3 tháng, trong thời gian này BV sẽ áp dụng các biện pháp mua sắm trực tiếp để KCB cho người dân".
Còn theo BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức), thì NĐ07 đã tạo thuận lợi cho cơ sở y tế và cả doanh nghiệp (DN) trong mua sắm để phục vụ người dân. Đặc biệt là thanh toán cả vật tư tiêu hao, hóa chất xét nghiệm trên máy mượn, máy đặt đối với hợp đồng thầu từ ngày 5.11.2022 về sau.
BS Châu Văn Đính, Giám đốc BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM (nơi thiếu vật tư, đinh vít từ nhiều tháng qua), cho hay BV đang chờ hướng dẫn từ Sở Y tế để triển khai nhanh chóng.
"NĐ07 đã mở hết rồi. Đó là gia hạn giấy phép TTBYT và yêu cầu công khai giá trên mạng của Bộ Y tế cũng đã được tháo gỡ…", BS Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhìn nhận.
BS Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm ngày 6.3, Sở Y tế sẽ họp các BV để triển khai NQ30 và NĐ07. NQ30 thì áp dụng ngay, nhưng NĐ07 thì sẽ chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế, hy vọng trong tuần này sẽ có nhanh.
LO DN KHÔNG MẶN MÀ?
Theo BS Nguyễn Hoài Nam, thời gian đấu thầu rộng rãi phải mất từ 1,5 - 2 tháng mới có hàng hóa. Phải trải qua quy trình xây dựng giá kế hoạch, thông báo mời thầu, chấm thầu… Nhưng đó là đấu thầu rộng rãi với số lượng lớn. Còn mua sắm trực tiếp với số lượng nhỏ để đáp ứng nhu cầu KCB trong thời gian chờ đấu thầu rộng rãi thì sẽ rất nhanh, các BV thuộc ngành y tế TP.HCM mua sắm được ngay.
Tuy nhiên, theo các BV, chính sách mua sắm, đấu thầu TTBYT đã được tháo gỡ, vấn đề lo lắng còn lại là các DN mua bán TTBYT có mặn mà tham gia đấu thầu hay không? Đại diện một BV cho rằng về thuốc, vấn đề lớn hiện nay là thuốc hiếm, nhà nước nên đứng ra nhập về cung cấp cho các BV. Bởi thuốc hiếm, các BV không chỉ mua khó mà còn ít khi dùng, để hết hạn thì bị quy vào lãng phí.
Bình luận (0)