Giải quyết tận gốc nguy cơ

08/02/2020 07:15 GMT+7

Cuối năm ngoái, 700.000 AUD (gần 11 tỉ đồng) là số tiền mà Công ty bảo hiểm CommInsure (Úc) bị nhà chức trách phạt vì thực hiện 87 cuộc gọi không yêu cầu để bán bảo hiểm cho khách hàng hồi năm 2014.

Việc thực hiện được thông qua một công ty chuyên về tiếp thị bằng điện thoại. Số tiền phạt trên là rất nặng khi doanh thu từ 87 cuộc gọi trên chỉ được 76.000 USD. Mức phạt có thể còn nặng hơn nếu như CommInsure tiến hành thu thập thông tin cá nhân bất hợp pháp.
Không chỉ ở Úc mà tại Mỹ, nhà chức trách cũng từng xử lý rất nặng trong trường hợp tương tự. Năm 2014, không thông báo cho 2 triệu khách hàng khi sử dụng thông tin cá nhân của họ trong các chiến dịch tiếp thị dịch vụ, nhà mạng Verizon (Mỹ) đã bị FCC phạt 7,4 triệu USD (hơn 150 tỉ đồng).
Nhìn lại Việt Nam, tình trạng thu thập, mua bán thông tin và dữ liệu cá nhân, cụ thể là số điện thoại di động, email… để khai thác bán hàng đã nở rộ suốt nhiều năm qua mà chưa được giải quyết triệt để. Như Thanh Niên đăng tải hôm qua (7.2), Việt Nam đang tồn tại đến 60 tổ chức, cá nhân mua bán dữ liệu cá nhân trên mạng. Lâu nay, cơ quan chức năng đã xử lý, thậm chí xử lý hình sự, không ít tổ chức và cá nhân mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, tình trạng mua bán như trên vẫn tồn tại.
Chính vì thế, đã đến lúc cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay cả đối với các đơn vị mua thông tin cá nhân để khai thác. Mức phạt mà các doanh nghiệp như nhà chức trách Úc, Mỹ đưa ra đối với CommInsure và Verizon là biện pháp mà chúng ta cần xem xét. Nếu không xử lý người sử dụng thông tin cá nhân để quảng cáo hay bán hàng, thì tình trạng mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân khó có thể được giải quyết triệt để. Bởi đơn giản là còn người mua thì sẽ còn người bán.
Hiện nay, cần nhìn thấy một thực tế là tình trạng trên gần như đã phát triển thành một “hệ sinh thái”. Cụ thể như người sử dụng điện thoại di động đến nay vẫn thường xuyên nhận các tin nhắn quảng cáo, mà nhiều người vẫn thường gọi là tin nhắn “rác”, từ các đầu số do các công ty viễn thông quản lý. Như thế, trách nhiệm cần xử lý triệt để không chỉ người thu thập rồi bán thông tin, mà còn cả đơn vị để rò rỉ thông tin, đến người sử dụng thông tin, lẫn phía cung cấp nền tảng thực hiện các hành vi trên.
Chỉ khi xử lý toàn bộ “hệ sinh thái” như vậy thì mới hy vọng giải quyết tận gốc tình trạng mua bán, sử dụng thông tin, dữ liệu cá nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.