Đó là “tối hậu thư” mà Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đưa ra, liên quan tình trạng ùn tắc, bát nháo giao thông tại sân bay lớn nhất cả nước lâu nay.
Không phải đến bây giờ, vấn đề quản lý điều hành sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình, TP.HCM) mới được đặt ra. Trước đó, một số ý kiến cũng cho rằng cần có một hội đồng bao gồm cả T.Ư, TP.HCM tham gia bởi sân bay nằm trên địa bàn TP, tốt - xấu gì thì TP đều bị tác động nên không thể đứng ngoài như hiện nay. Thực ra, dù không trực tiếp quản lý nhưng lâu nay cả T.Ư và chính quyền TP vẫn phối hợp để xử lý các vấn đề nóng ở sân bay này. Cũng chưa thấy bên nào phản ánh có sự bất hợp tác trong quá trình phối hợp.
Trong hội thảo chuyên đề về giao thông cuối tuần trước, ông Phan Văn Mãi cũng khẳng định mục tiêu của TP là phục vụ tốt cho người dân và không đặt nặng vấn đề sân bay của Bộ GTVT hay của TP.HCM quản lý. Nghĩa là tính đến thời điểm hiện tại, vấn đề chủ quản trong quản lý điều hành chưa phải là nguyên nhân dẫn đến sự bát nháo giao thông trong sân bay Tân Sơn Nhất. Vấn đề cốt lõi, vẫn là sự quá tải về hạ tầng của cảng hàng không lớn nhất cả nước. Cứ hình dung để thấy, sân bay nằm trong lòng TP lớn nhất, đông dân nhất cả nước, mỗi ngày phục vụ hơn 110.000 lượt khách ra vào nhưng chỉ có một cửa ra vào ở đường Trường Sơn thì nói thẳng là không có mô hình quản lý nào để thông thoáng được.
Tương tự, chúng ta nói khá nhiều đến giải pháp xe buýt cho sân bay, thậm chí nhiều ý kiến còn coi xe buýt là cứu tinh. Vận tải công cộng đương nhiên là cần thiết nhưng cũng cần phải nhìn thẳng vào sự thật xe buýt ở TP.HCM mọi tuyến đều ngắc ngoải hoặc chết yểu, đừng nói đến sân bay.
Với đặc thù nằm trong lòng TP, quãng đường đi lại ngắn, hành lý cồng kềnh, xe buýt liệu có phải là lựa chọn của đa số hành khách tới sân bay Tân Sơn Nhất? Trong khi thực tế, quá tải bên trong, bên ngoài, trên trời, dưới đất... đã vài năm nay và ngày càng trở nên trầm trọng do lượng khách tăng mà các giải pháp công trình để giải tỏa thì hầu như chậm trễ. Cũng cần phải nói thẳng là chúng ta đã có rất nhiều mô hình “đồng quản lý”, hội đồng vùng nhưng hầu hết đều không hiệu quả. Chỗ này thì vùng ai người đó quyết, chỗ kia thì việc chung nên mặc kệ, không phải trách nhiệm của riêng ai. Chúng ta cũng từng đòi hỏi xã hội hóa các dịch vụ công để tốt hơn, thuận tiện hơn rồi cũng chính chúng ta trong không ít trường hợp lại đòi hỏi “công hóa” vì lo sợ tư nhân tối đa lợi ích... Nhưng nói như ông Phan Văn Mãi, ai quản lý không quan trọng, quan trọng là phục vụ tốt cho người dân.
Mà muốn như thế, ở đây là muốn giải quyết vấn đề lộn xộn giao thông ở sân bay Tân Sơn Nhất một cách căn cơ, phải nhìn thẳng vào sự thật, không đổ lỗi và không xoa dịu dư luận bằng những giải pháp tình thế. Thay vào đó, cần quyết liệt đẩy nhanh các dự án, công trình giảm tải, giải tỏa cho sân bay này. Còn nếu các dự án tiếp tục
ì ạch đắp chiếu thì dù ai quản lý điều hành, chúng ta sẽ vẫn tiếp tục loay hoay với đổi làn, thay tuyến... mà không giải quyết được sự lộn xộn, bát nháo giao thông ở sân bay lớn nhất cả nước.
Bình luận (0)