Địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nhấn mạnh thời gian qua, lực lượng công an đã phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành, địa phương đấu tranh, ngăn chặn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm gây mất an ninh, trật tự, tạo môi trường an ninh, an toàn phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân vùng Tây nguyên.
Chính phủ cũng đã tổ chức hội nghị nhằm thống nhất nhận thức, đề ra các giải pháp tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với nhiều giải pháp đột phá, chưa có tiền lệ.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực phát triển đối với Tây nguyên và bảo đảm an ninh, trật tự vùng Tây nguyên, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ, không để xảy ra các vụ việc gây mất an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Tây nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và môi trường sinh thái của đất nước. Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư qua các thời kỳ luôn dành sự quan tâm rất lớn, tình cảm rất đặc biệt đối với sự phát triển và ổn định của Tây nguyên với nhiều nghị quyết, đề án... Dù vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách tại vùng Tây nguyên vẫn còn những khó khăn, hạn chế.
Để tạo nền móng vững chắc phát triển Tây nguyên tương xứng với tiềm năng, Thủ tướng nhấn mạnh xác định bảo đảm an ninh, trật tự là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, lâu dài và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn dân, trong đó người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chịu trách nhiệm chính, toàn diện. Theo đó, muốn giữ vững an ninh, trật tự thì căn cơ nhất là người dân phải có cuộc sống ấm no; cốt lõi của bảo vệ an ninh, trật tự là đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, không để ai bị bỏ lại phía sau; sức mạnh của bảo vệ an ninh, trật tự là sức mạnh lòng dân, sức mạnh của nhân dân, đây là chủ trương nhất quán của Đảng.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó lấy phát triển là nguồn lực, cảm hứng để giữ vững an ninh, trật tự Tây nguyên, đồng thời giữ vững an ninh, trật tự để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất, quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát, không để ai bị bỏ lại phía sau, giải quyết vấn đề di cư tự do, tạo sinh kế, hỗ trợ việc làm, chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số. Kiên quyết không hy sinh vấn đề an sinh xã hội, môi trường để tăng trưởng đơn thuần, phải có giải pháp cụ thể bảo đảm đời sống của người dân năm sau cao hơn năm trước; hệ thống chính trị phải trong sạch, vững mạnh, gắn bó máu thịt với nhân dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không để đột xuất, bất ngờ về an ninh, trật tự ngay từ cơ sở.
Các bộ, ngành, địa phương Tây nguyên phải tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm với tinh thần quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc có trọng tâm, trọng điểm. Giải quyết từ sớm, từ cơ sở những vấn đề tiềm ẩn phức tạp, tốt nhất không để xảy ra vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, nếu xảy ra thì phải xử lý nhanh, dứt điểm với tinh thần "cả nước vì Tây nguyên; Tây nguyên vượt khó vươn lên cùng cả nước".
Sớm có hướng giải quyết các kiến nghị của Lâm Đồng
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng tại TP.Đà Lạt.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những kết quả mà Lâm Đồng đạt được thời gian qua trong bối cảnh tỉnh này gặp rất nhiều khó khăn như hạn hán hồi đầu năm, sạt lở đất, vắc xin không đảm bảo tiêm trên đàn bò sữa, một số đảng viên, tổ chức Đảng bị kỷ luật...
Dù vậy, theo Thủ tướng, Lâm Đồng phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tỉnh còn nhiều dư địa, tiềm năng khác biệt để bứt phá. Lâm Đồng có vị trí chiến lược, tiếp giáp 7 tỉnh, địa hình đa dạng, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, rất thuận lợi phát triển nông nghiệp; có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với nhiều điểm du lịch, văn hóa nổi tiếng; lợi thế phát triển công nghiệp chế biến sâu, giao thông thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào. "Lợi thế là vậy, vấn đề là suy nghĩ làm sao để khai thác, phát triển", Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu Lâm Đồng bám sát các nghị quyết của cấp trên, của tỉnh và vận dụng sáng tạo trong điều kiện mới để thực hiện. Tư duy phải bám sát thực tiễn; sơ kết đánh giá để rút kinh nghiệm, vướng mắc cần phải tháo gỡ, khó khăn phải vượt qua. Phát huy tự lực, tự cường, không né tránh trách nhiệm. Nhanh chóng ổn định tình hình, đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ, phát triển nhanh, bền vững.
"Cần xác định kết nối vùng rất quan trọng, lấy yếu tố con người làm trung tâm. Lâm Đồng cần tập trung phát triển khoa học - công nghệ, ứng dụng thành quả cách mạng 4.0 vào lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển công nghiệp giải trí, kinh tế đêm; dành thời gian nghiên cứu cơ chế chính sách để huy động nguồn lực xã hội, doanh nghiệp, người dân đầu tư vào hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, thể thao…", Thủ tướng nêu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các bộ, ngành phải phát huy trách nhiệm, cùng với Lâm Đồng tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phối hợp, chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ Lâm Đồng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, trên tinh thần "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; đã đi phải đến, đã bàn phải thông; đã ra quân phải chiến thắng". "Không được nói chung kiểu như "Lâm Đồng cần tập trung rà soát theo quy định pháp luật báo cáo Thủ tướng…", nói chung chung vậy ai nói không được. Luật đang vướng thì phải sửa, Lâm Đồng không làm được mới báo cáo Thủ tướng vướng mắc, bây giờ lại nói Lâm Đồng thực hiện theo luật, vì vậy cần phải tập trung cụ thể vấn đề gì, khó khăn ra sao, thuộc phạm vi của ngành mình thì phải giải quyết", Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan đến những đề xuất, kiến nghị của Lâm Đồng đối với 2 dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương cũng như Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch 866), Thủ tướng Chính phủ giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp với các bộ ngành có liên quan và Lâm Đồng để đưa ra cho được hướng giải quyết cụ thể trong tháng 9 tới.
Bình luận (0)