Giải quyết vấn nạn học vẹt, học ép trước khi vào lớp 1

01/06/2023 19:40 GMT+7

Chị Nguyễn Thùy Liên, Giám đốc Học viện Self Hiil kiêm tác giả chương trình Tiền tiểu học hạnh phúc, chia sẻ có tình trạng nhiều trẻ em phải học trước, học vẹt, học ép còn gia đình thì căng thẳng khi con sắp vào lớp 1.

Làm thế nào để giải quyết được vấn nạn ấy, để giai đoạn tiền tiểu học thật hạnh phúc với mỗi đứa trẻ? Bởi "chín ép thì sẽ sượng", học thêm sớm trước khi vào lớp 1 nhưng đứa trẻ không hiểu, chỉ là học vẹt, học ép thì khó có thể có được tình yêu với việc học tập.

Một trong số những giải pháp là chương trình Tiền tiểu học hạnh phúc của dự án giáo dục phi lợi nhuận "Trường nhà hạnh phúc". Hôm nay (1.6), lễ tổng kết đã diễn ra, đánh dấu một năm triển khai chương trình này.

Chị Thùy Liên, một người mẹ của 2 em bé học tiểu học, chính là tác giả của chương trình Tiền tiểu học hạnh phúc. Chương trình này được triển khai tại 7 cơ sở giáo dục mầm non tư thục tại TP.HCM.

Chị Thùy Liên cho biết với chương trình Tiền tiểu học hạnh phúc, trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi được làm quen phương pháp khám phá khái niệm và học qua làm việc giúp trẻ tiếp cận với chữ viết, đánh vần, làm toán một cách có tư duy thay vì học thuộc bảng chữ cái hay ghép vần một cách máy móc. Từ đó kiến tạo một môi trường giáo dục hạnh phúc từ nhà đến trường cho trẻ để các trẻ em được học hạnh phúc ngay từ nhỏ, góp phần giảm thiểu tình trạng học vẹt, sợ học, chán học đang báo động hiện nay.

Giải quyết vấn nạn học vẹt, học ép trước khi vào lớp 1 - Ảnh 2.

Giải quyết vấn nạn học vẹt, học ép trước khi vào lớp 1 - Ảnh 3.

Trong quá trình học, trẻ và cô giáo mầm non cùng tự làm ra những cuốn "sách giáo khoa" cho trẻ 5-6 tuổi rất dễ thương

HẢI YẾN

Đồng thời, tác giả chương trình Tiền tiểu học hạnh phúc cho biết, trong thời gian qua chỉ với 2 cuốn vở ô li, viết chì, bút màu, thước, bảng - những đồ dùng học tập quen thuộc mà trẻ cần sử dụng thường xuyên khi vào lớp 1- trẻ em được vận dụng toàn bộ các kỹ năng để làm ra các sản phẩm của riêng mình. 

Đó chính là những cuốn "sách giáo khoa" cho trẻ mầm non rất dễ thương. Với hình ảnh vui vẻ, phù hợp với tâm lý lứa tuổi của mình, những cuốn "sách giáo khoa" đặc biệt này trở thành học liệu cho trẻ mầm non khóa sau. Từ đó, nhà trường, gia đình không bị gánh nặng về chi phí học liệu.

Tính đến ngày 1.6, chương trình Tiền tiểu học hạnh phúc "thu hoạch" được 86 cuốn "sách giáo khoa" do trẻ 5-6 tuổi làm ra dưới sự hướng dẫn khoa học, cụ thể của giáo viên mầm non. Mỗi cuốn là một bản riêng biệt, thể hiện cá tính của từng em học sinh.

Giải quyết vấn nạn học vẹt, học ép trước khi vào lớp 1 - Ảnh 4.

Chị Thùy Liên và những cuốn "sách giáo khoa" do trẻ mầm non và cô giáo tự làm

HẢI YẾN

Những cách nuôi dưỡng niềm đam mê học cho trẻ

Các phụ huynh, giáo viên cũng chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên những cách giúp trẻ có thời gian tiền tiểu học vui vẻ, để các con không bỡ ngỡ khi vào lớp 1 và không bị áp lực học thêm, học trước chương trình lớp 1.

Chị Nguyễn Thị Bích Lan, cô giáo dạy tiếng Việt cho học sinh nước ngoài tại Hội An (Quảng Nam), người đi xe máy xuyên Việt "mang sách đi chơi", cho hay chị thường áp dụng nhiều cách để trẻ em cùng thích thú chơi với chữ, với số trước khi bắt các em phải ngồi ngay ngắn trên bàn viết chính tả cả một đoạn thơ, đoạn văn.

Chẳng hạn, chị Bích Lan cho trẻ em chơi với các thẻ câu đố. "Con gì chân ngắn. Mà lại có màng. Mỏ bẹt màu vàng. Hay kêu cạp cạp". Trẻ em sẽ rất hào hứng với những thẻ câu đố, với màu sắc sinh động, nét chữ in dễ nhìn.

Sau khi cho trẻ 5-6 tuổi trả lời câu đố, người lớn có thể chỉ cho trẻ biết nhận diện mặt chữ cái, thanh sắc, huyền, ngã, hỏi, nặng… Hay với chữ "con", người lớn hỏi chữ "con" được viết như thế nào, đánh vần ra sao, rồi các bé cùng viết lại vào tập của mình những chữ cái đó. "Khi trẻ đã rành hết về chữ cái, đánh vần và biết viết chính tả, phụ huynh có thể đọc các câu đố để trẻ viết trong cuốn tập của mình, bạn nào viết nhanh nhất sẽ được khen thưởng… Những hình thức vừa học vừa chơi, học thông qua chơi như trên khiến trẻ em rất hào hứng và không thấy chán", chị Bích Lan chia sẻ.

Giải quyết vấn nạn học vẹt, học ép trước khi vào lớp 1 - Ảnh 5.

Chị Bích Lan, người giúp trẻ em thích học, thích đọc hơn từ những cuốn sách, bộ thẻ câu đố

THÚY HẰNG

Chị Nguyễn Thị Thủy, trợ lý chuyên môn Trường tiểu học, THCS và THPT Hoàng Gia, Q.7, TP.HCM, cho biết trẻ 5-6 tuổi có khả năng ghi nhớ hình ảnh rất tốt. Trẻ có thể không viết được nhưng ghi nhớ hình ảnh nên nhớ mặt chữ để đọc. Đó là khả năng ghi nhớ hình ảnh.

Như các chuyên gia giáo dục khác, chị Thủy không ủng hộ việc dạy trước kiến thức, nội dung sách giáo khoa lớp 1 cho trẻ mầm non.

Tuy nhiên, theo chị Thủy, cùng với thời gian, trẻ được làm quen chữ, số ở trường mầm non, cha mẹ có thể trang bị cho con các kỹ năng trước khi con vào lớp 1 như: kỹ năng cầm bút, viết nét chữ, tạo những hoạt động trải nghiệm để con được phát triển kỹ năng nghe, nói, đọc...

"Bất cứ phụ huynh nào cũng đã âm thầm dạy cho con mình như đếm xuôi, đếm ngược. Ở nhà tôi, khi trẻ mắc lỗi, tôi thường phạt con bằng cách cho con đếm. Trẻ mới biết nói, tôi kêu con đếm từ 1 tới 3. Bạn lớn hơn, đi học rồi tôi phạt con đếm tới đơn vị trăm, ngàn. Đây cũng là rèn kỹ năng môn toán cho con", chị Thủy chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.