Cùng với niềm đam mê hát tuồng, vị võ sư nóng tính đã để lại kỷ niệm về tài ứng biến nhanh nhạy trên sân khấu.
>> Giai thoại làng võ: Muốn hát tuồng phải biết võ
|
Nhiều người ở làng Mỹ Yên (thuộc xã Tây Bình, H.Tây Sơn, Bình Định) vẫn chưa quên hình ảnh võ sư Đoàn Phong (1893-1954) mặc đồ bà ba trắng, thắt lưng đỏ mỗi khi đánh trống chầu.
Tranh nhau đánh trống chầu
Theo ông Đoàn Khánh Ngọc (con cụ Đoàn Phong, ở thôn Mỹ Yên), cụ Đoàn Phong sinh ở làng Trường Định (xã Bình Hòa, H.Tây Sơn), sau dời đến sinh sống tại làng Mỹ Yên. Lúc còn trẻ, cụ Đoàn Phong có học võ ông Từ Thứ ở làng Trường Định. Tuy giỏi võ nghệ nhưng cụ Đoàn Phong không thích phô trương nên ít người biết. Nhờ trừ gian bắt cướp nên Đoàn Phong được chức quan cửu phẩm, chuyên làm nhiệm vụ tuần tra, giữ an ninh tại địa phương nên người ta hay gọi là ông Cửu Đoàn.
Ông Đoàn Khánh Ngọc kể ông Đoàn Phong rất mê hát bội. Mỗi lần đình làng Mỹ Yên có hát bội thì ông thường là người đánh trống chầu. Có lần trước khi biểu diễn, các diễn viên bước ra sân khấu cúi chào. Một thanh niên làng khác vốn là con một võ sư danh tiếng ở Tây Sơn thấy vậy liền trêu: “Ông Đoàn Phong, ông đánh trống chầu, người ta chào ông sao không thưởng cho người ta”. Thấy bị xúc phạm nên Đoàn Phong nổi nóng, nện cho anh chàng kia một dùi trống vào trán. Một lát sau, anh thanh niên kia xông vào đánh nhau với Đoàn Phong để trả thù nhưng cuối cùng bị đá văng ra ngoài. Khán giả náo loạn, gánh hát phải bỏ đêm diễn.
Một lần khác, Đoàn Phong ngồi đánh chầu thì có một võ sĩ tên Mười Đậu ở làng An Vinh, vốn nổi tiếng võ nghệ cao cường và có nhiều đàn em ngang tàng, lại gần trêu chọc. Đoàn Phong khuyên giải, Mười Đậu không nghe mà còn đưa đầu ra thách đố liền bị đánh một roi chầu vào đầu. Sau khi hết đau, Mười Đậu xăn tay áo đi thẳng đến, chộp ngay ngực áo Đoàn Phong nói: “Anh Đoàn Phong, khi nãy tôi nói chơi có một vài tiếng mà anh cầm dùi chầu đánh lên đầu tôi. Bây giờ anh có dám đụng đến tôi không?”.
Đoàn Phong hai tay đánh thốc lên, gạt hai tay Mười Đậu ra, đồng một lượt dùng thế "Đạo Thiết Mã" với hai chân co lên đá văng Mười Đậu nằm lăn lóc trên sân khấu. Đàn em phải cõng Mười Đậu bỏ chạy. Sau lần chạm trán với Đoàn Phong, Mười Đậu giảm hẳn tính kiêu ngạo, tự đắc. Nhưng tật mê hát tuồng, thích ngồi cầm chầu vẫn không dứt nên Mười Đậu thường hay tranh đánh chầu ở sân đình và có thêm vài lần bị ăn đòn.
Đánh bạn diễn văng khỏi sân khấu
Trong sách Võ nhân Bình Định, nhà thơ Quách Tấn kể, một lần làng Mỹ Yên dựng rạp hát và mời đoàn hát bội về diễn trong ba đêm, Đoàn Phong luôn ngồi cầm chầu. Tuy nhiên, đến ngày thứ ba, khi sắp diễn tuồng Tiết Cương thì anh kép đóng vai chính bỗng nhiên ngã bệnh. Không thể đình buổi diễn nên ông bầu đã mời Đoàn Phong thế đóng vai Tiết Cương. Thích thú với vai tuồng nên ông đã nhận lời.
Khi diễn, đoạn Tiết Cương đánh nhau với Võ Tam Tư lần đầu rồi thoát vòng vây chạy trốn có nhiều thế võ đẹp mắt nên khán giả vỗ tay rầm rầm. Đến khi Võ Tam Tư đuổi kịp và lại giao chiến. Tiết Cương chạy bộ, Võ Tam Tư cưỡi ngựa, nên thế đánh của hai bên khác nhau. Tiết Cương liên tục dùng búa chém vào chân và hạ bộ của Võ Tam Tư. Kép đóng vai Võ Tam Tư ban đầu quơ thương đâm được vài cái, sau lại phải đỡ gạt đến toát mồ hôi rồi dính đòn vào đôi hia, văng xuống sân khấu. Khán giả hoan hô dậy rạp, nhiều tiếng thét lên, kêu Tiết Cương chém đầu Võ Tam Tư cho đáng đời tên gian nịnh.
Thấy tình hình bất ổn, Đoàn Phong huơ búa hát câu "tẩu mã" rồi lẻn vào buồng. Anh kép hát đóng vai Võ Tam Tư vừa lồm cồm leo lên sân khấu vừa hát: "Hay cho Tiết Cương, giỏi cho Tiết Cương. Lỡ lần này không bắt được mày. Đến lần khác đố mày chạy thoát (lên được sân khấu bèn quơ thương quất ngựa), truyền tam quân truy nã Tiết Cương. Đặng cho mỗ bằm gan, xẻ thịt (vào)".
Đây là tình huống ứng biến rất tài của 2 kép đóng Tiết Cương và Võ Tam Tư. Vì Đoàn Phong dùng võ thuật để ứng dụng khi diễn nhưng anh kép đóng Võ Tam Tư thì lại không biết nhiều về võ nên dính đòn, té xuống sân khấu. Từ đó, Đoàn Phong càng nổi danh về hát tuồng.
Hoàng Trọng
Bình luận (0)