Không như nhiều dòng sông ở Việt Nam thuận chảy chảy từ Bắc xuống Nam hay từ Tây sang Đông, Sêrêpốk lại chảy ngược từ Đông sang Tây. Nó “dạo bước giang hồ” lên tận Campuchia rồi mới chịu nhập vào sông Mê Kông xuôi trở về đất Việt.
Người dân bản địa kể rằng, thuở xa xưa nhiều loài cá quý hiếm như sấu xiêm, mõm trâu, tra dầu, leo, lăng đuôi đỏ, thát lác khổng lồ, sọc dưa, ngựa xám... có trong dòng sông này.
Thú vị săn cá
Bây giờ ông Vinh bảo một ngày giăng câu may mắn lắm mới kiếm được vài con cá lăng đuôi đỏ. Năm 1987, ông Vinh từ Nghĩa Hưng (Nam Định) vào định cư tại vùng đất này. Lúc mới vào, ngoài làm rẫy, đánh bắt cá cũng là nghề nuôi sống gia đình ông Vinh.
“Nhiều người đánh mìn, xung diện đã hủy diệt hết cá sông này rồi”, ông Vinh buồn rầu tâm sự
Đi săn cá với ông Vinh, thử thách đầu tiên phải vượt cáp “tử thần” do ông Vinh tự chế để qua sông Sêrêpốk. Nhà ông Vinh ở thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Nhưng chỗ ông “ngự” chính để làm ăn, thỉnh thoảng đi săn cá là căn nhà tạm nằm bên kia bờ sông, thuộc huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, sát bên thác Trinh Nữ.
|
Có hai cách để qua sông: đi đường thủy bằng thuyền tôn hoặc đường “hàng không” - đu cáp. Hôm nay tôi đu cáp để biết mùi đời.
Vừa đáp từ cáp treo xuống bờ vào nhà, ông Vinh lục đục tìm đồ hành nghề. Đồ nghề săn cá của ông Vinh gồm bộ lưỡi câu, lưới và cá trắng làm mồi câu. Nhưng bộ lưỡi câu mới là phương tiện chính để câu cá lăng.
Lưới chỉ sơ - cua, nếu không câu được cá lăng thì đánh vài vác kiếm cá nhỏ về chiên xù lai rai rượu đế đỡ buồn. Liều mạng vượt sông trên cáp “tử thần”, tôi vừa lên tới bờ vừa mừng vừa run, ông Vinh đã kéo xuống chiếc thuyền câu đúng như thuyền ... Nguyễn Khuyến. Nó bé tẻo teo.
|
|
Bơi thoăn thoắt đến điểm giăng câu nằm gần thác Trinh Nữ, ông Vinh nói oang oang: “Hôm qua tôi đã giăng một số câu ở đây rồi. Thăm vài lần mà chưa dính con nào. Phải thay mồi và giăng thêm câu mới hy vọng. Cá lăng khoái cá tươi, hoặc ếch còn sống chứ không khoái mồi ươn”.
Vào dịp này dòng Sêrêpốk rất hiền do hạn nặng, còn bị đập thủy điện phía trên ngăn nước. Cá lăng lại thích sống ở vùng nước xoáy nên cơ hội săn được ít hơn. “Vào mùa lũ, nhà báo đi giăng câu với tôi phải khiếp luôn. Nước chảy cuồn cuộn, xoáy mạnh dễ lật thuyền như chơi”, ông Vinh nói.
Kiểu giăng câu của ông Vinh và một số người dân ở đây rất lạ. Dây câu được đóng chặt vào những tảng đá bằng đinh, làm dấu bằng võ chai nhựa. Thong dong kéo hàng chục dây câu, ông Vinh lắc đầu: “Chẳng có con nào. Chắc chuyến này chú và tôi về tay trắng”. Sự thất vọng của ông Vinh cũng làm tôi cụt hứng.
|
|
|
Thăm gần hết bộ lưỡi câu chừng 100 lưỡi, bỗng ông Vinh reo lên “dính rồi”. Tôi mừng quýnh đứng dậy. Chiếc thuyền con mất thăng bằng suýt lật. Ông Vinh quát: “Trời đất! Nhìn phía trên dòng nước bình như thế chứ rớt xuống không biết bơi, tầng nước ở dưới nó xoáy cuốn chú vô khe đá chứ đừng giỡn mặt!”.
Cầm dây câu có chú cá dính lưỡi, ông Vinh dìu dây câu quần con cá một hồi cho thấm mệt rồi mới kéo lên mặt nước và nhanh chóng dùng vợt để xúc.
“Cá lăng đuôi đỏ danh tiếng sông này đấy. Con này chắc hơn 2 ký. Nhỏ còn hơn không. Ít ra cũng có mồi nhắm rượu với nhà báo. Vậy là hên rồi”, ông Vinh đắc ý cười ha hả.
Tôi hỏi: “Nghe người ta nói thỉnh thoảng vẫn săn được cá lăng hàng chục ký trên sông Sêrêpốk?”. Ông Vinh trả lời rằng đại may mới có. Mà phải chịu đi xa, ăn sương, nằm gió, ngủ rừng thì lâu lâu cũng dính.
Cá "khủng" ở đâu?
Được ông Vinh mách bảo, tôi tìm đến một nhà hàng nổi tiếng bán các loại cá khủng sông Sêrêpốk tại xã Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột. Chủ nhà hàng cho biết, thỉnh thoảng cũng mua được những con cá thuộc hàng “độc” vì quý hiếm hoặc trọng lượng lên đến hàng chục ký như lăng đuôi đỏ, leo, chình suối... của những tay săn cá chuyên nghiệp.
Khi tôi đến, trong hồ trữ cá của nhà hàng vẫn có những con cá sông Sêrêpốk tầm 10 – 15 ký như lăng đuôi đỏ, chình, leo. Năm 2018, con cá lăng nặng 85kg cũng “quẫy” rùm beng trên báo là từ nhà hàng này.
|
“Tôi mua sòng phẳng, không ép giá nên những người đi câu có cá lớn nhỏ gì cũng đem tới đây”, bà chủ nhà hàng chia sẻ. Xin địa chỉ những tay sát cá vùng này, ngần ngừ hồi lâu rồi bà cũng cho. Nhờ vậy, tôi tìm được nhà hai chàng sát cá Y Quý, Y Jắk ở Buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút.
Hai chàng trai người dân tộc Ê Đê vừa có chuyến săn cá trở về. Thành quả là hai con cá lăng đuôi đỏ, mỗi con chừng 3 - 4kg. Để có hai con cá như vậy, họ phải dùng xe máy chở chiếc xuồng tôn nhỏ cùng dụng cụ câu, bình ô xy giữ cá sống, nồi niêu, lương thực... đi theo lối mòn dọc sông Sêrêpốk hàng giờ mới đến vùng cắm câu.
“Bọn em đi câu xa lắm. Sang tận Buôn Đôn cách đây hơn 40km. Có khi đi cả tháng trời. Trúng mánh gặp cá to vài mươi ký, nhưng hiếm”, cả hai cho hay.
|
|
|
Mỗi giàn câu của Y Quý, Y Jắk khoảng 300 lưỡi. Đi từ sáng đến trưa, tới nơi đặt lưỡi xong họ dựng lều chờ đến 4 giờ sáng hôm sau đi thăm. “Mùa mưa, nước dâng cao, chảy xiết cá thường dễ cắn câu hơn, nhưng vất vả và lạnh lắm”, Y Quý tâm sự.
Hai chàng trai tuổi độ 30 này nối nghiệp câu cá từ cha ông mình. Họ kể: “Ông kể lại sông Sêrêpốk trước đây nhiều loại cá lắm. Mọi người đi săn cá bằng lao. Có người trong buôn từng săn được cá to như gốc cây, ôm gần hết vòng tay”.
Theo Y Gông (60 tuổi) ở Buôn Nui, cá to như... gốc cây chỉ còn trong ký ức. “Ngày xưa cá to như con bê bắt được vào mùa lũ là chuyện thường. Khi săn được cá lớn, người chủ làm lễ tế Giàng, rồi chia phần cá cho tất cả dân làng. Già làng còn nói sông này có cá to đến nỗi phải gọi cá thần, không ai dám săn. Hơn nữa cá thần về là có mưa giúp mùa màng bội thu. Những con cá tra dầu mùa lũ từ Campuchia xuôi về to vài trăm ký, cá lăng trên 100 ký, cá chình bằng bắp đùi... đã không còn lâu lắm rồi”, Y Gông trầm ngâm kể.
|
Thời xưa, ngoài việc phóng lao bắt cá to, người dân bản địa còn dùng một loại lá cây rừng giã ra đem bỏ vào hốc đá để bắt cá. Loại cây này chỉ làm tê liệt con cá tạm thời mà không độc. Khi cá trúng thuốc, họ chọn cá lớn bắt, cá nhỏ để nó tỉnh lại tiếp tục sống.
Đặc biệt, luật tục về đánh bắt cá của người M’nông cũng có quy định hạn chế đánh cá bắt buộc mọi người phải tuân thủ. Bây giờ cá to, cá nhỏ đều nằm trong tầm ngắm của những tay đánh bắt cá chuyên lẫn không chuyên, dân bản địa hay người di cư từ nơi khác đến. Họ hủy diệt cá bằng mìn, xung điện, lưới giăng như thiên la địa võng... Vì thế, những loài cá khủng, cá quý hiếm càng thưa vắng dần hoặc biến mất trên dòng sông hùng vĩ này.
Bình luận (0)