Giai thoại thể thao ngày thống nhất: Bóng bàn sáng đèn sau 7 tháng

30/04/2015 08:35 GMT+7

7 tháng sau ngày 30.4.1975, hoạt động bóng bàn tại TP.HCM đã được khôi phục, các cuộc thi đấu đầu tiên tại sân Phan Đình Phùng vào cuối tháng 12 năm ấy luôn nhộn nhịp, đêm nào cũng sáng đèn và đầy ắp khán giả dự xem.

7 tháng sau ngày 30.4.1975, hoạt động bóng bàn tại TP.HCM đã được khôi phục, các cuộc thi đấu đầu tiên tại sân Phan Đình Phùng vào cuối tháng 12 năm ấy luôn nhộn nhịp, đêm nào cũng sáng đèn và đầy ắp khán giả dự xem.
Trần Tuấn Anh với cú đánh ngoạn mục vô địch giải quốc gia năm 1980 - Ảnh: tư liệu
Trần Tuấn Anh với cú đánh ngoạn mục vô địch giải quốc gia năm 1980 - Ảnh: tư liệu
Sân Phan Đình Phùng không còn chỗ đứng
Ông Trần Văn Mỹ, nguyên là Trưởng bộ môn bóng bàn Sở TDTT TP.HCM từ 1976 đến 1992 và cũng là HLV đội tuyển TP.HCM, nhớ lại: “Bóng bàn miền Nam gặt hái rất nhiều vinh quang. Trong khi nhiều môn thể thao khác chưa đủ sức vươn ra tầm châu Á thì bóng bàn đã sánh vai cùng nhiều cường quốc năm châu, từng vô địch ASIAD, giải châu Á, HCĐ thế giới... với những cái tên như Lê Văn Tiết, Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được, Trần Văn Liễu... Sau đó có thêm Lê Văn Inh, Vương Chính Học... đều là những tài năng mà bạn bè châu lục nghe tên cũng kiêng dè”.
Theo ông Mỹ, sở dĩ bóng bàn phát triển tốt thời đó là do môn thể thao này phù hợp với tố chất người Việt, chỉ cần nhanh nhẹn, khéo léo, dẻo dai và bền bỉ với tâm lý thi đấu vững vàng, sau đó tùy việc nghiên cứu lối đánh của đối thủ để đưa ra đối sách phù hợp thì sẽ gặt hái được vinh quang.
Cũng như nhiều thế hệ bóng bàn khác, ông Mỹ chọn cách ở lại sau năm 1975 để gầy dựng phong trào, tôn tạo và phát triển bóng bàn. “Từ Campuchia, tôi và gia đình trở lại Sài Gòn vào những năm đầu thập niên 1970 sau những biến cố ở đất nước này. Lúc đó, tôi từng đảm trách công tác huấn luyện tại Campuchia nên sau 30.4.1975, tôi quyết định ở lại quê nhà. Cũng như nhiều người khác, tôi ý thức được rằng mình làm thể thao, chơi thể thao thì chỉ cần môi trường nào tạo điều kiện tốt, mình vẫn có thể phát triển được. Vì vậy, ngay những ngày đầu khi đất nước thống nhất, tôi đã nhanh chóng cùng đồng nghiệp khôi phục hoạt động bóng bàn, tập trung tổ chức phong trào rộng khắp và chú trọng huấn luyện lớp trẻ”.
Chính nhờ những người như ông Mỹ và các thế hệ bóng bàn khác mà chỉ 7 tháng sau ngày 30.4.1975, hoạt động bóng bàn tại TP.HCM đã được khôi phục, các cuộc thi đấu đầu tiên tại sân Phan Đình Phùng vào cuối tháng 12.1975 luôn nhộn nhịp, đêm nào cũng sáng đèn và đầy ắp khán giả dự xem.
Khán giả đã hò reo sung sướng khi nghe xướng tên đương kim vô địch miền Nam Vương Chính Học có trong danh sách đội Tân Bình, vô địch SEAP Games 1967 Lê Văn Inh ở đội Q.1 rồi tay vợt vô địch miền Nam VN 10 năm liền (trước 1965) Trần Thị Kim Ngôn, cựu vô địch miền Nam và Huỳnh Văn Ngọc ở đội báo Tin Sáng... Khán giả ken đầy đến nỗi sân Phan Đình Phùng không còn chỗ đứng, các trận bán kết và chung kết phải chuyển đến thi đấu tại Thao đường Nguyễn Trãi (Q.5).
Gặp gỡ 2 miền
Đến tháng 10.1976 trong giải vô địch TP.HCM, khán giả sôi sục khi được chứng kiến cuộc thi tài ở nội dung đơn nữ của cả 3 nhà vô địch: ngoài Kim Ngôn còn có đương kim vô địch miền Nam Lê Thị Kim Tiếng và Trần Hoa Việt (tức Tang Soc Cheng - vô địch Campuchia từ Phnom Penh trở về) từng thắng đương kim vô địch thế giới 1969 Kowada của Nhật Bản.
Ấn tượng nhất là cuộc gặp gỡ rất ý nghĩa diễn ra tại Đà Nẵng giữa đoàn bóng bàn của báo Tin Sáng từ TP.HCM với những tay vợt xuất sắc của phía nam và đoàn bóng bàn từ Hà Nội với các danh thủ phía bắc. Sau đó, hai đoàn đi tiếp hành trình đến với nhiều tỉnh thành trong cả nước để cổ vũ mạnh mẽ cho việc tập luyện bóng bàn. Thành viên đội tuyển trẻ miền Nam trước 1975 Hồ Phước Hiền (HCĐ đơn nam giải vô địch TP.HCM 1976) tâm đắc: “Điều vui sướng nhất của các VĐV chúng tôi là sớm được tập luyện và thi đấu môn thể thao mình yêu thích. Nhiều giải đấu được tổ chức đã làm cho phong trào bóng bàn diễn ra rất lành mạnh ở khắp các địa phương”.
Tháng 3.1978, gần 100 tay vợt cả nước đã có mặt tại Quy Nhơn để dự tranh giải vô địch bóng bàn toàn quốc đầu tiên. Ở giải này, 2 niềm hy vọng lớn của TP.HCM là Vương Chính Học và Trần Hoa Việt cùng nhận HCB sau khi thất thủ trước 2 tuyển thủ miền Bắc Nguyễn Ngọc Phan và Nguyễn Thị Mai trong trận chung kết.
Ông Trần Văn Mỹ kể lại: “Sau lần thất bại đó, Ban huấn luyện đội TP.HCM đã tổ chức nghiên cứu kỹ hơn lối đánh của các tay vợt phía bắc và dồn sức cho đương kim vô địch giải trẻ toàn quốc Trần Tuấn Anh cũng là con tôi với hy vọng tìm lại hào quang xưa cho bóng bàn miền Nam”. Chính tay vợt 20 tuổi này sau đó đã thắng Nguyễn Ngọc Phan 3-1 đăng quang ở giải vô địch năm 1980. Sau đó, Tuấn Anh còn 9 lần vô địch ở nội dung này từ 1981 - 1984 và từ 1988 - 1992, giành HCB đồng đội và đôi nam nữ tại SEA Games 1989. Anh xứng đáng là một tượng đài bóng bàn quốc gia sau năm 1975.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.