Giai thoại thể thao ngày thống nhất - Kỳ 5: Tìm lại khát vọng

02/05/2015 00:00 GMT+7

Vua nước rút châu Á Nguyễn Văn Châu, 2 cua rơ từng dự Thế vận hội Mexico 1968 Bùi Văn Hoàng - Trương Kim Hùng, tuyển thủ trẻ miền Nam Huỳnh A cùng gần 50 yên hùng ngựa sắt khác nổi danh trước 1975 đã cùng nhau “xuống đường” ngay sau ngày thống nhất để chung tay gầy dựng hình ảnh và sức mạnh cho xe đạp VN.

Vua nước rút châu Á Nguyễn Văn Châu, 2 cua rơ từng dự Thế vận hội Mexico 1968 Bùi Văn Hoàng - Trương Kim Hùng, tuyển thủ trẻ miền Nam Huỳnh A cùng gần 50 yên hùng ngựa sắt khác nổi danh trước 1975 đã cùng nhau “xuống đường” ngay sau ngày thống nhất để chung tay gầy dựng hình ảnh và sức mạnh cho xe đạp VN.

Giai thoại thể thao ngày thống nhất - Kỳ 5: Tìm lại khát vọngTrương Kim Hùng (phải) và Bùi Văn Hoàng được đại diện tranh tài  ở Thế vận hội Mexico 1968 - Ảnh: Tư liệu
Không bỏ yên xe đạp
Cựu danh thủ Huỳnh A, người từng tham gia nhiều cuộc đua trước 1975 nhớ lại: “Thời đó phong trào xe đạp thể thao ở miền Nam rất phát triển với hàng loạt các cuộc đua lớn, tạo được tiếng vang không chỉ ở trong nước và quốc tế. Nếu so với nhiều bộ môn khác thì thành tích của xe đạp không hề kém cạnh, nếu không muốn nói là có giai đoạn đi đâu cua rơ xe đạp cũng được khen ngợi, giải đấu thể thao nào BTC cũng xướng tên tôn vinh các yên thủ khiến chúng tôi rất tự hào. Trong đó nổi bật nhất là danh hiệu Vua nước rút châu Á năm 1961 của Nguyễn Văn Châu khi thắng chủ nhà Nhật Bản hay vô địch cự ly 800 m, phá kỷ lục châu Á tại SEAP Games 1973 của Trương Kim Hùng luôn được nhắc đến như kỳ tích. Nhưng cũng như nhiều vận động viên của các môn khác, các cua rơ xe đạp phần lớn nằm trong quân đội như Bùi Văn Hoàng, Tô Hiếu Thuận ở tổng tham mưu, Trang Chấn Hưng ở hải quân, Nguyễn Đông Châu ở quân cụ, Trần Ngọc Lâm ở AJS... nên sau ngày 30.4.1975 thì tâm trạng anh em xe đạp cũng có phần dao động. Cũng có người “ém” mình chờ đợi, cũng có người nhanh chóng lấy xe đạp vòng vòng xem sự thể thế nào. Và mọi chuyện rồi cũng ổn rất nhanh vì chúng tôi chỉ là cua rơ, chỉ thi đấu, chỉ biết lấy phục vụ khán giả là niềm vui nên đã sớm được ngành TDTT tạo điều kiện lên yên trở lại”.
Nguyên tổng trọng tài xe đạp Lâm Văn Thanh và cả ông Huỳnh A cùng hồi tưởng: “Sau 1975, tuy mọi thứ về thể thao còn ngổn ngang nhưng xe đạp chính là sợi dây kết nối mọi người nhanh nhất vì rất đông cua rơ đã nhanh chóng hòa mình để tiếp tục cống hiến. Những tháng ngày sau khi đất nước thống nhất, họ đạp xe ra đường thành từng hàng cổ động khí thế cho việc xây dựng cuộc sống mới. Họ cũng tham gia chạy biểu dương cổ súy ở các sự kiện do thành phố tổ chức. Họ cũng đắm mình với các lễ hội biểu diễn thể thao vào dịp 2.9 để hướng quần chúng yêu thích và gây thêm thanh thế cho sự củng cố lại sức mạnh của thể thao Sài Gòn. Cho đến khi Sở TDTT TP.HCM với Trưởng bộ môn Nguyễn Thành Phương từ miền Bắc vào khuấy động phong trào thì lập tức đã hình thành những cuộc đua quy mô nhỏ từ cuối năm 1975 rồi chuyển dần đến những giải đấu có tính cạnh tranh cao”.
Do đã là nghiệp ăn vào “máu” nên chỉ trong thời gian ngắn phát động, xe đạp thể thao thành phố với hàng loạt những cua rơ tên tuổi đã chuyển mình tìm lại sức bật. Lúc đó có khoảng gần 20 đội đua lớn nhỏ ra đời mà Công nhân Hóa chất và Xe đạp Cửu Long là 2 đội mạnh nhất khi quy tụ hầu hết những tài năng mà chạy đến đâu là thắng đến đó.
Không chỉ 2 chân, 2 tay mà cả cái đầu
Cựu Vua nước rút châu Á Nguyễn Văn Châu từng kể lại câu chuyện khi ông là huấn luyện viên của đội xe đạp Quân khu 7: “Khi đào tạo học trò tôi không bao giờ kể nhiều về thành tích 9 lần vô địch nước rút của mình và cũng chẳng nhắc lại quá khứ oai hùng của xe đạp thể thao VN. Cái đó tự VĐV sẽ phải tìm hiểu và trang bị kiến thức cho mình. Cái chính mà tôi chủ yếu nhắc họ luôn phải hết sức tự hào vì được sống trong khung cảnh hòa bình của đất nước thống nhất, được tạo điều kiện tốt để phát triển thì dù chơi xe đạp chưa thể thoát nghèo ngay nhưng hãy ra sức phấn đấu, tạo cho mình động lực bằng việc rèn luyện sao cho ngày hôm nay phải tốt hơn hôm qua và phải biết chiến thắng chính mình. Hồi đó tôi thích bóng đá, định trở thành cầu thủ thì ba tôi từng dạy tôi đá bóng chỉ có 1 chân và phải thật giỏi thì mới được người khác tôn trọng, còn xe đạp thích hợp với nhiều người hơn vì khi thi đấu luôn phải kết hợp hài hòa không chỉ dùng đôi chân, mà cả đôi tay lẫn cái đầu. Nhờ vậy tôi chơi xe đạp với tất cả sự đam mê và ngọn lửa đó từ sau 1975 tôi đã truyền cho các học trò...”.
Với những con người như ông Nguyễn Văn Châu và các cua rơ tâm huyết khác như Tô Hiếu Thuận, Bùi Văn Hoàng, Trần Văn Ựng, Nguyễn Đông Châu, Trương Kim Hùng, Trang Chấn Hưng, Đào Văn Đầm, Huỳnh A, Trần Thiện Tứ…, xe đạp thể thao VN những ngày sau 1975 thật sôi nổi và thú vị. Tấm gương phấn đấu không mệt mỏi và hết lòng vì cái chung của họ đã giúp thế hệ đàn em như Trần Hùng, Nguyễn Bảo Khánh, Nguyễn Đình Quang, Vĩnh Thành, Huỳnh Châu..., rồi sau này đến Trương Quốc Thắng, Mai Công Hiếu, Bùi Minh Thụy từng bước kế thừa và góp phần giúp xe đạp thể thao VN mãi luôn duy trì một cách mạnh mẽ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.